Xuất khẩu tiêu đạt hơn 120 nghìn tấn trong 5 tháng

Rate this post

Theo dự báo, lượng tiêu xuất khẩu sẽ ổn định trong tháng 6/2021, hiện lượng tiêu trong dân đã cạn, giá tiêu có thể tăng mạnh trong hai quý cuối năm.

Ảnh minh họa.
Xuất khẩu tiêu tháng 5 ước đạt 28.000 tấn, cộng dồn 5 tháng đạt 121.000 tấn.Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương lại dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn.
Hiện giá tiêu tăng giảm không đồng nhất tại các vùng trồng chủ chốt, tại các vùng nguyên liệu Tây Nguyên và miền Nam giao dịch từ 66.500 – 71.000 đồng/kg. Đây là mức giá tốt đối với nông dân trồng tiêu.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, do dự báo sản lượng hồ tiêu năm nay giảm mạnh từ 20-25% so với năm 2020, cùng tình hình cung cầu trên thị trường thế giới đang cải thiện nên giá tiêu trên thị trường nội địa đang tăng.
Hiện nay giá tiêu đang dao động trên dưới 70.000 đ/kg, đây mức giá người trồng tiêu có hiệu quả và tương đối với cung cầu. Mấy hôm nay giá cà phê cũng tăng tất cả đều dựa vào tình hình thị trường thế giới, khi nhu cầu cao thì giá tăng.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 đạt 12.538 tấn, trị giá 42,750 triệu USD, cộng dồn từ 1/1 – 15/5 được 105.940 tấn, với 326,538 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 19,21% về lượng nhưng tăng 17,81 về trị giá.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2021 đạt 3.265 USD/tấn, tăng 10,64 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 03/2021. Theo Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), tháng 4 giá xuất khẩu hồ tiêu tiếp nối đà tăng của tháng trước, cao nhất là tiêu đen Indonesia tăng 24,75%, tiêu đen Malaysia tăng 15,09%, trong khi tiêu đen Việt Nam chỉ tăng 1,39% do đã tăng mạnh tháng trước đó.
Ông Nguyễn Nam Hải cho biết thêm, tuy sản lượng hồ tiêu năm nay có giảm nhưng không thể biết cụ thể và vẫn là dự đoán.
“Muốn biết lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm là không dễ, ngay cả diện tích trồng tiêu cũng vậy. Trước đây, Sở NN-PTNT các tỉnh báo về là có 150 ngàn hecta nhưng mấy năm nay diện tích đã giảm xuống tổng cộng trên dưới 10 ngàn hecta, do một số diện tích vườn tiêu bị chết, một số chuyển sang cây trồng khác … Như vậy, diện tích hồ tiêu còn khoảng 140 ngàn hecta nhưng cũng chỉ là ước chừng chứ không có số cụ thể của các địa phương”, ông Hải chia sẻ.
Dự báo về tình hình cung cầu hồ tiêu trên thị trường, ông Hải cho rằng, nhìn chung sản lượng thu hoạch năm nay giảm trên dưới 25%, là nhiều hơn năm ngoái như nhận định ban đầu của VPA. Vì nhiều lý do như giảm diện tích, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây tiêu … một số địa phương chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về thị trường, ở nhiều quốc gia đã triển khai tiêm vaccine và tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng như thời gian trước, sự trở lại của thị trường du lịch và dịch vụ sẽ tác động đến nhu cầu tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu tăng.
Việt Nam – quốc gia đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng cũng như khối lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới, nhưng trong năm 2021 sản lượng tiêu của Việt Nam dự kiến chỉ đạt 220 nghìn tấn, giảm 20 nghìn tấn so với năm 2020 (240 nghìn tấn) và giảm khoảng 30 – 40 nghìn tấn so với các năm trước đó.
Nguyên nhân khiến diện tích, sản lượng tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác.
Nếu diện tích và sản lượng hồ tiêu vẫn tiếp tục đà sụt giảm như thời gian qua thì Việt Nam sẽ khó giữ được vị trí là nước xuất khẩu hồ tiều hàng đầu thế giới.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version