Xuất khẩu thuỷ sản đang đà tăng trưởng mạnh tại các thị trường đơn lẻ

Rate this post
Xuất khẩu thủy sản sang Thái Lan trong tháng 3 tăng 44%, sang Anh tăng 20%, sang Nga tăng 68%. Xuất khẩu sang 2 nước trong khối CPTPP là Australia và Canada tăng lần lượt 28% và 9%.
Công nhân đang làm việc nhà máy tôm Minh Phú
Tính đến hết quý I/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,73 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 5% đạt 661 triệu USD, xuất khẩu cá tra tăng 3% đạt 344 triệu USD, cá ngừ đạt 151 triệu USD, cũng tăng 3%, các loại cá biển khác tăng mạnh 14% đạt 402 triệu USD, mực, bạch tuộc tăng 8% đạt 116 triệu USD.
Trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 130 thị trường, trong đó, thị trường Mỹ vẫn tiên phong về cả kim ngạch và mức tăng trưởng XK với 136 triệu USD, tăng 36% so với tháng 3/2020, chiếm gần 20% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tiếp đến là Nhật Bản với 125 triệu USD, chiếm 17,6%. Đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc với 103 triệu USD, tăng 15% và chiếm tỷ trọng 14%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tăng 15% đạt 65 triệu USD, là thị trường đứng thứ 4, chiếm 9%.
Nguồn VASEP
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu thủy sản ở các phân khúc bán lẻ và dịch vụ đều có xu hướng gia tăng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và việc Trung Quốc tháo gỡ tình trạng ách tắc các cảng nhập khẩu từ tháng 3 đã tác động tích cực đến hoạt động XK thủy sản của Việt Nam sang những thị trường này.
“Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 cũng như 3 tháng đầu năm 2021 cho thấy, có những thị trường đơn lẻ, dù không nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng có mức tăng trưởng ấn tượng và đang dần khẳng định vị thế không thể bỏ qua đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đó là Thái Lan, Anh, Nga, Australia, Canada, đều là những thị trường chiếm tỷ trọng từ 3-4% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang Thái Lan trong tháng 3 tăng 44%, sang Anh tăng 20%, sang Nga tăng 68%. Xuất khẩu sang 2 nước trong khối CPTPP là Australia và Canada tăng lần lượt 28% và 9%”, đại diện VASEP nhấn mạnh.
Cụ thể, trong doanh số xuất khẩu sang Thái Lan có 30% giá trị từ hoạt động xuất gia công của các công ty liên doanh, chế biến các sản phẩm cá biển như surimi, chả cá và cá ngừ hộp… còn lại là các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang thị trường này chủ yếu là cá tra, mực đông lạnh, mực khô…
Doanh số bán lẻ thủy sản tại Anh từ đầu năm đến nay gia tăng, nhất là với các sản phẩm tôm nước ấm, cá ngừ và một số loại cá biển là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Nga cũng có chiều hướng gia tăng, dư địa với doanh nghiệp Việt Nam đang được mở rộng hơn. Mới đây, Nga công bố thêm 19 công ty và nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản vào danh sách được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, đưa danh sách lên 44 đơn vị được phép xuất khẩu sang Nga.
Xuất khẩu tôm, cá tra phục hồi tại một số thị trường lớn
Trong bối cảnh Covid ảnh hưởng đến kinh tế và thu nhập của người tiêu dùng các nước thì các nhà nhập khẩu sẽ càng chú trọng tận dụng ưu đãi thuế quan làm lợi thế và cạnh tranh về giá trong hoạt động kinh doanh, do vậy những thị trường tham gia CPTPP cũng như EVFTA sẽ quan tâm hơn đến sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu thủy sản sang những thị trường này được dự báo sẽ có triển vọng tốt trong năm nay.
Đối với mặt tôm có thể thấy rằng, xuất khẩu tôm sau khi tăng 16% trong tháng 1, đã giảm 19% trong tháng 2, sang tháng 3 hồi phục với mức tăng khoảng 10% đạt khoảng 270 triệu USD và tính đến hết quý I/2021, xuất khẩu tôm ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên khi phân tích nhu cầu và tình hình kinh tế của các thị trường lớn đang phục hồi, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hoàn toàn có thể tin rằng, xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dương trở lại…
Nguồn VASEP
Tính tới hết tháng 3/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 344,2 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tốt sau 2 năm giá trị xuất khẩu sang một số thị trường chậm hoặc sụt giảm mạnh. Trong thời gian này, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 16%; Trung Quốc – Hồng Kông tăng 10,3%, Brazil tăng 17%. Một số thị trường nhập khẩu lớn cá tra Việt Nam tại ASEAN đã có nhu cầu nhập tăng trở lại.
“Sự phục hồi dần từ hai thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ kéo giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong những tháng tới vượt khỏi mức tăng trưởng âm. Nếu xu hướng tăng trưởng này tiếp tục giữ vững, lượng hàng tồn tại Mỹ và Trung Quốc hầu như đã hết, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong các tháng tới có nhiều lạc quan”, đại diện VASEP tin tưởng nói.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version