Xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm mang về gần 5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ

Rate this post
Trong tháng 7/2021, dịch COVID-19 đã bùng phát và lan rộng ra 19 tỉnh/ thành phía Nam – khu vực có nhiều nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trong quý 3/2021.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2021 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 4,98 tỷ USD. Trong đó, tháng 7/2021 đạt gần 853,78 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 6/2021 và tăng 7,9% so với tháng 7/2020.
Riêng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 9,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 459,13 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bốn thị trường chính: Ba tăng, một giảm
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ – thị trường lớn nhất trong 7 tháng đầu năm nay tăng trưởng rất mạnh 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 1,14 tỷ USD, chiếm 22,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước; Riêng tháng 7/2021 kim ngạch sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 236,56 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng 6/2021 và tăng 28,3% so với tháng 7/2020.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản – thị trường lớn thứ 2 chỉ tăng nhẹ 1,7%, đạt trên 802,28 triệu USD, chiếm 16,1%; Riêng tháng 7/2021 đạt 122,25 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 2,8% so với tháng 7/2020.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang thị trường sang EU – thị trường lớn thứ 3 lại tăng trưởng tốt, tăng 17,6% so với cùng kỳ, đạt 564,05 triệu USD, chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 7/2021 tăng 16% so với tháng 6/2021 và tăng 12% so với tháng 7/2020, đạt 104,75 triệu USD.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tháng 7/2021 tiếp tục giảm 7% so với tháng 6/2021 và giảm 25,8% so với tháng 7/2020, đạt 84,05 triệu USD, cộng chung cả 7 tháng cũng giảm 11,6%, đạt 521,9 triệu USD, chiếm 10% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu tôm sẽ chậm lại trong quý 3/2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19
Trong 2 quý đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính như: Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc đều đạt mức tăng trưởng 2 con số. Xuất khấu tôm sang Hàn Quốc giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng về trị giá, trong khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,14 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu tôm từ hầu hết các thị trường, trừ nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm. Trong đó, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao thứ 2 sau Ecuador, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2020, lên 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,56 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ thứ 4 cho Trung Quốc. Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 4,76% trong 6 tháng đầu năm 2020, xuống còn 4,31% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 4 trong số các thị trường cung cấp ngoài khối của EU. Nhờ ưu đãi về thuế từ Hiệp định EVFTA, tôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với tôm của Ecuador, Ấn Độ, do đó nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao hơn so với các thị trường cung cấp khác. Tuy nhiên, thị phần tôm Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 9% trong tổng nhập khẩu của EU.
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 27,65% trong tổng trị giá nhập khẩu của Nhật Bản. Tại thị trường Nhật Bản, tôm của Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn với tôm của Ấn Độ và Ecuador khi 2 thị trường này đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Việt Nam và nhiều quốc gia bị tác động bởi dịch COVID-19, nhưng nửa đầu năm xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, khi nhu cầu nhập khẩu tôm của nhiều thị trường trên thế giới tăng, đặc biệt ở những thị trường lớn.
Tuy nhiên, gần đây dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến nhiều tỉnh phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng bị tác động, nhiều nhà máy phải giảm công suất hoạt động.
Dự báo, xuất khẩu tôm trong quý 3/2021 sẽ chậm lại cho tới khi dịch được khống chế thành công, xuất khẩu tôm sẽ phục hồi mạnh, do nhu cầu thị trường thế giới đang ở mức cao và sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất định cùng với những ưu đãi về thuế từ các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và UKVFTA.
Theo cam kết từ các hiệp định, một số chủng loại tôm của Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế theo lộ trình đã cam kết.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version