Xu hướng mua bán, sáp nhập dự báo sẽ tăng mạnh

Rate this post
Xu thế kinh doanh số, cắt giảm chi tiêu và nhân sự, thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị… và đặc biệt xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) dự báo sẽ tăng mạnh.
Toàn cảnh tọa đàm
Đánh giá về bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc mở cửa lại nền kinh tế vào cuối quý 2/2020 đã giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại vào quý 3/2020 với sự hồi phục được ghi nhận ở cả phía cung và phía cầu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn thấp nhưng đã có những dấu hiệu khả quan.
Tại Tọa đàm “Bình thường mới – Tìm kênh đầu tư hiệu quả” được tổ chức ngày hôm nay, các chuyên gia trong ngành tài chính, kinh tế đã phân tích những nhận định về xu hướng đầu tư trong thời gian tới.
KINH TẾ HỒI PHỤC CẢ Ở PHÍA CUNG VÀ PHÍA CẦU
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 3/2020 ước đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý 3 giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 2011 – 2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức tăng của quý 2/2020 (0,39%).
Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 2,12% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các ngành tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm trong quý 3/2020.
Ông Tú Anh cho biết, mục tiêu giảm thất nghiệp, giữ công việc cho người lao động cũng không đạt được. Số lượng việc làm được phục hồi, nhưng chủ yếu là việc làm trong khu vực phi chính thức, trong khi việc làm khu vực chính thức mặc dù có tăng trong quý 3/2020, nhưng vẫn giảm 1,75 triệu việc làm so với quý 3/2019. Số người lao động mất việc chán nản không đi tìm việc làm vẫn gia tăng (lực lượng lao động giảm).
Số lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên các mức độ mất việc làm, nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… tính đến tháng 9 năm 2020 là 31,8 triệu người, tăng thêm khoảng 1 triệu người so với cuối tháng 6/2020 (theo điều tra của Tổng cục thống kê)…, trong đó 68,9% số lao động bị giảm thu nhập ở mức nhẹ, 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% phải nghỉ hoặc tạm ngừng việc.
Trong bối cảnh hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ, các biện pháp về giảm thuế thu nhập nhìn chung không có tác dụng lớn như kỳ vọng.
Cái khó khăn và cần nhất đối với doanh nghiệp lúc này là hỗ trợ vốn thực để duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, song đến nay ngoài các chính sách về thuế, phí và các biện pháp từ các tổ chức tín dụng thì Nhà nước chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ tài chính đủ lớn (chẳng hạn, bảo lãnh tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi có mục tiêu, tăng vốn cho doanh nghiệp nhà nước…) để doanh nghiệp có được nguồn vốn cần thiết nhằm không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn tạo thế, lực tận dụng cơ hội phát triển bứt phá cho chu kỳ kinh tế mới sau khi dịch bệnh qua đi.
Ông Tú Anh cho biết thêm, mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện các nguy cơ mới đối với nền kinh tế, đòi hỏi cơ quan điều hành phải có sự chủ động chuẩn bị để ứng phó.
SÁU XU HƯỚNG ĐẦU TƯ KINH DOANH MỚI
Trong bối cảnh đó, dòng chảy tiền đang vào những lĩnh vực nào và lý do đằng sau nó ra sao, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chia sẻ 6 xu hướng đầu tư – kinh doanh mới trong và sau dịch Covid-19.
Thứ nhất, xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn: Trong thời gian gần đây, việc phát triển Vaccine Covid-19 đã đạt được những tiến bộ tích cực. Tuy nhiên, đến nay, tính khả thi, hiệu quả và khả năng sản xuất, phân phối lượng lớn Vaccine vẫn là một vấn đề nan giải.
Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số quốc gia, diễn biến còn phức tạp khiến chỉ số rủi ro thị trường (VIX) tại thị trường chứng khoán phái sinh Chicago (Mỹ) – chỉ số thể hiện nỗi sợ hãi và niềm tin của nhà đầu tư – đến hết ngày 4/11/2020 tăng 120% so với đầu năm và tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, nhà đầu tư đã và đang thực hiện chiến lược đầu tư an toàn hơn, đa dạng hóa danh mục đầu tư. Một trong số đó là kim loại quý vàng (trong vòng một năm qua, giá vàng thế giới tăng khoảng 26%).
Những ngày gần đây, giá vàng trên thị trường quốc tế càng tăng mạnh hơn do những lo ngại bất ổn xảy ra sau cuộc bầu cử tại Mỹ. Cùng với vàng, trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng Yên Nhật (JPY) tiếp tục là những tài sản trú ẩn an toàn được các nhà đầu tư lựa chọn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Vàng thế giới, tổng nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu (vàng thỏi, tiền vàng và các quỹ hoán đổi danh mục – ETFs chuyên đầu tư vàng) trong 9 tháng đầu năm 2020 lên tới 1.630 tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2019.
Lượng vàng dự trữ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng tăng, đến hết quý 2/2020 đạt khoảng 35.000 tấn, tăng 1% so với cuối năm 2019 và 2,4% so với cuối năm 2018.
Tại Việt Nam, do niềm tin vào triển vọng nền kinh tế và kết quả kiểm soát dịch Covid-19 mà giao dịch thị trường vàng trong nước không có nhiều đột biến dù giá vàng cũng tăng nhanh theo xu hướng chung của thế giới.
Đến ngày 6/11/2020, giá vàng SJC mua vào là 56,3 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố sẵn sàng các kịch bản ứng phó, can thiệp thị trường nếu cần thiết – dù khả năng là không cao.
Theo CEIC, dự trữ ngoại hối bằng vàng của Việt Nam đến hết tháng 6 năm 2020 là khoảng 641 triệu USD, tăng 25% so với cuối năm 2019 và 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ hai, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) dự báo sẽ tăng mạnh: Dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản, phải tái cơ cấu toàn diện, hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác.
Một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, lưu trú, hàng không (hàng loạt các hãng hàng không đã tuyên bố phá sản tự nguyện hoặc nộp đơn xin bảo hộ phá sản như hãng Virgin Australia ngày 21/4/2020; hãng Aeromexico – hãng hàng không lớn của Mexico ngày 30/6/2020; ngày 5/8/2020 là hãng hàng không Anh – Virgin Atlantic Airways)…
Theo Euromonitor International (tháng 9/2020), sau khi chững lại trong giai đoạn dịch Covid-19, dự báo hoạt động M&A Đông Nam Á sẽ tăng vọt vào năm tới, hơn cả Mỹ và Trung Quốc – 2 nước vốn dẫn đầu về số lượng giao dịch M&A toàn cầu (chiếm tới 38%) giai đoạn 2015 – 2019. Trong đó, các quốc gia như Ấn Độ, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh (khoảng 26%), nhất là trong lĩnh vực dịch vụ truyền thông, mạng lưới phân phối, bán lẻ, bất động sản…
Tại Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng nhìn chung các giao dịch M&A đã có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19, tuy nhiên, trong dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài và kể cả trong nước vẫn rất quan tâm để tìm kiếm cơ hội.
Nhiều thương vụ tiếp tục xuất hiện, điểm hình như nhà đầu tư Thái Lan mua lại Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa, Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát và Công ty cổ phần Kim loại màu và Nhựa đồng Việt (Dovina), cuối năm 2019, KEB Hana trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% của BIDV, VietinBank bán 50% cổ phần tại công ty cho thuê tài chính, Tập đoàn Masan mua lại Vinmart, Vinmart+ và Vineco từ Tập đoàn Vingroup, Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên cũng như kế hoạch hợp tác với Vinamilk trong mảng đồ uống, Thaco Group tái cấu trúc và đầu tư vào mảng nông nghiệp từ Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương Group.
Ngoài ra, còn một số thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Thứ ba, xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự: Thống kê cho thấy nhiều công ty đã và đang thực hiện cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt (một phần khác là do xu thế ứng dụng thành quả CMCN 4.0).
Chỉ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, khoảng 3 triệu người Canada đã mất việc, tuy nhiên, tình hình đã cải thiện trở lại khi 64% trong số này đã trở lại làm việc những tháng gần đây. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế dự đoán, việc khôi phục 1,1 triệu việc làm còn lại có thể sẽ là thách thức do tình hình kinh doanh còn khó khăn.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 5/2020 đã tăng cao lên mức kỷ lục 13,3% (cao hơn mức 9,5% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, theo CitiResearch). Đến hết tháng 10/2020, con số này đã giảm xuống song vẫn ở mức cao (khoảng 7,9%).
Xét trên toàn cầu, theo ước tính của ILO (tháng 9/2020), trung bình trong 3 quý đầu năm 2020, đã có khoảng 11,7% số giờ làm việc toàn cầu bị mất đi so với quý 4/2019, tương đương với khoảng 334 triệu việc làm toàn thời gian. Những ngành chịu tác động lớn bởi dịch Covid -19 như hàng không, bán lẻ, sản xuất công nghiệp, du lịch, nhà hàng… đã cho nhiều nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong khi đó, các công ty cung cấp hàng hóa thiết yếu, thực phẩm (như Walmart, Domino Pizza, thương mại trực tuyến…) lại đang tuyển dụng một lượng nhân sự lớn do nhu cầu (nhất là thương mại điện tử) tăng cao.
Xu thế cắt giảm nhân sự được kỳ vọng sẽ giảm dần khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khi các nhà máy, doanh nghiệp trở lại làm việc, nhưng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020 – 2021.
Theo dự báo của ILO (tháng 9/2020), với kịch bản cơ sở, dự báo số giờ làm việc bị mất đi trên toàn cầu trong quý 4/2020 sẽ là khoảng 8,6% so với quý 4/2019, tương đương với 245 triệu việc làm toàn thời gian.
Tại Việt Nam, nhiều công ty phải đối mặt với những quyết định nhân sự khó khăn, bao gồm cả việc sa thải hoặc cắt giảm lương. Theo khảo sát của Adecco Việt Nam (tháng 8/2020), 30% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết giảm số nhân viên từ 1 – 20% và 16% số doanh nghiệp thậm chí cắt giảm 21 – 40% số nhân viên. Đáng chú ý, lĩnh vực truyền thông có 46% số doanh nghiệp cắt giảm 20% nhân viên và 38% doanh nghiệp giảm bớt 21 – 40% lượng nhân sự. Các lĩnh vực không sa thải nhân viên (hoặc sa thải rất ít) là công nghệ thông tin (55%), tài chính và bảo hiểm (54%).
Để giảm thiểu rủi ro do đại dịch, hơn 58% các công ty đã hoãn tất cả các hoạt động tuyển dụng. Các giải pháp giảm chi phí lao động khác bao gồm hoãn đợt đánh giá kết quả công việc và tăng lương (37%). Ngoài ra, các công ty cũng hủy các chương trình thực tập, giảm giờ làm, yêu cầu nghỉ không lương tạm thời, ngừng gia hạn hợp đồng.
Tính chung cả nước, tình hình lao động, việc làm đã có dấu hiệu dần phục hồi từ quý 3/2020, thu nhập của người làm công hưởng lương dần cải thiện. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2020 vẫn ở mức cao (khoảng 2,27%) cao hơn 0,11 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,7%, cao gần gần gấp đôi so với con số 1,32% cùng kỳ năm trước.
Thứ tư, xu thế kinh doanh số: Đại dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức vận hành (như họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, thương mại điện tử…).
Kết quả khảo sát tháng 3 của McKinsey (với 2.500 người Trung Quốc) cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển phương thức bán và tiếp thị sản phẩm từ trực tiếp sang thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử.
Dịch Covid-19 chính là động lực thúc đẩy công tác chuyển đổi số vốn đã được các doanh ngiệp nhắc đến trong thời gian dài nhưng lại chưa thực sự được triển khai một cách mạnh mẽ. Quá trình này sẽ định hình và điều chỉnh toàn bộ công nghệ, cách làm việc và học tập của thế giới (làm việc tại nhà/từ xã trở nên dễ chấp nhận hơn). Những tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.
Tại Việt Nam, tiêu dùng, ăn uống tại nhà, sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trở thành thói quen trong “bình thường mới”. Theo kết quả khảo sát của Nielsen (tháng 7/2020), 63% số người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.
Thứ năm, xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị: Theo khảo sát của Garter (tháng 5/2020), có tới 1/3 số doanh nghiệp đầu chuỗi đã chuyển một phần hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát của PwC với 578 giám đốc điều hành Mỹ (tháng 9/2020), khoảng 46% trong số này cho biết “hoàn toàn đồng ý” với việc Chính phủ Mỹ nên tăng cường sản xuất các sản phẩm thiết yếu tại Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Như vậy có thể thấy, một số doanh nghiệp đã tìm giải pháp như tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế (trong hoặc ngoài nước) dù không bù đắp được ngay và nhiều, tập trung vào thị trường nội địa cùng với việc xúc tiến thương mại điện tử. Xu thế này cũng là chất xúc tác để các công ty đa quốc gia quyết định dịch chuyển đầu tư, cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, theo tổ chức xúc tiến Nhật Bản – JETRO (tháng 7/2020), đã có khoảng 30 doanh nghiệp Nhật Bản công bố dự kiến rời Trung Quốc sang Đông Nam Á, 15 trong số đó sẽ sang Việt Nam.
Thứ sáu, bài học nhãn tiền từ dịch Covid-19 cho thấy, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm lo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Đây là điều đáng mừng và quốc gia nào sớm coi đây là quốc sách sẽ có được sức đề kháng tốt hơn, nhiều khả năng phát triển bền vững và hài hòa hơn. Nhiều nước đã bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư phát triển y tế dự phòng, nghiên cứu và sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế cùng với các chương trình bảo vệ môi trường trung – dài hạn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tăng cường hoặc chuyển hướng đầu tư vào sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe và dược phẩm…
Tại Việt Nam, theo khảo sát định kỳ của Nielsen, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng trong 4 quý liên tiếp (từ quý 2 năm 2019 đến quý 1/2020). Sang đến quý 2/2020, tiêu chí “Sự ổn định của công việc” đã vượt qua “Sức khỏe” để giành lấy vị trí này. Song, sức khỏe vẫn là một trong 2 mối quan tâm lớn nhất với tỷ lệ gần một nửa số người khảo sát (44%, dẫn đầu các nước trên thế giới). Xu hướng này dự kiến sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, do người tiêu dùng sẽ ngày càng tìm kiếm sự đảm bảo nhiều hơn sau đại dịch.
Cuối cùng, đối với riêng lĩnh vực dịch vụ tài chính, không chỉ mang lại những tác động tiêu cực như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm, dịch Covid-19 cũng mang lại 3 điểm tích cực.
Thứ nhất, giúp đẩy nhanh hơn xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo số liệu mới nhất từ NHNN (đến tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm 2019), số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng tương ứng 29,7% và 15,8%, giá trị thanh toán qua Internet tăng 39,1%, thanh toán qua mobile banking tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị; và dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.
Thứ hai, dịch Covid-19 đã đẩy mạnh hơn xu hướng Fintech, Bigtech thâm nhập vào thị trường tài chính, tạo sức ép cạnh tranh khiến ngành ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình số hóa.
Thứ ba, những thay đổi cơ bản trong hành vi khách hàng dẫn tới những như nhu cầu mới về sản phẩm, dịch vụ.
“Đây là cơ hội để các tổ chức tài chính rà soát, phát triển các sản phẩm của mình để phục vụ tốt hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông Lực nhấn mạnh.
“Hiện tại, tôi nhìn thấy đây là cơ hội cơ hội tái cấu trúc hoạt động, danh mục đầu tư, cơ hội đột phá, cơ hội đổi mới, sáng tạo, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng sau dịch bệnh và cơ hội thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số”, ông Lực nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, 3 nguyên tắc được TS. Lực gợi ý là đa dạng hóa danh mục/kênh đầu tư; không dùng đòn bẩy quá nhiều; tránh tâm lý bầy đàn. Đặc biệt, phòng ngừa rủi ro với việc tránh đầu tư đa cấp, cho vay qua apps với lãi suất khủng; cảnh giác không bị lừa với lãi suất quá hấp dẫn, tiền cho không… và nâng cao hiểu biết, kiến thức về tài chính, đầu tư…
Ông Lực khuyến nghị các kênh đầu tư cá nhân chính là gửi tiền tiết kiệm; đầu tư vàng, ngoại tệ; đầu tư chứng khoán; đầu tư bất động sản; đầu tư khởi nghiệp, góp vốn cổ phần…

NGỌC DIỆP

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version