– Ngay sau khi nhận được email thông báo hệ thống WeFit, WeWow phá sản, hàng loạt người dùng đã tìm cách liên hệ với tổng đài hay đặt câu hỏi trên fanpage chính thức của hệ thống này.
CEO & Founder WeFit – Khôi Nguyễn trong buổi ra mắt ứng dụng
Từng được coi là “Uber trong lĩnh vực phòng tập” khi ra mắt ứng dụng kết nối người dùng và hàng nghìn điểm tập thể hình, đến nay WeFit (sau đổi tên thành WeWow) đã chính thức dừng hoạt động và nộp đơn xin mở thủ tục phá sản.
Theo đó, sáng 11/5 hệ thống này đã gửi email đến khách hàng tuyên bố dừng hoạt động. Trong thông báo gửi tới khách hàng, công ty này cho biết, do gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính do tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn hoạt động đã cạn kiệt hoàn toàn. Do đó, công ty không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình, buộc phải dừng hoạt động tất cả các sản phẩm.
Trước đó, từ ngày 30/4, Công ty cổ phần công nghệ Onaclover (đơn vị sở hữu thương hiệu WeWow, WeFit) cũng đã có văn bản gửi tới các cá nhân tổ chức là cổ đông, chủ nợ của công ty. Văn bản nêu rõ: “Onaclover xin được gửi lời xin lỗi và rất tiếc phải thông báo rằng Onaclover không còn khả năng thanh toán nợ đến hạn do quá khó khăn về tài chính và đã lâm vào tình trạng phá sản”.
Vào ngày 29/4, Onaclover đã chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Onaclover tại Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội theo các quy định của pháp luật. Theo đó, kể từ ngày 29/4, các chủ nợ, các tổ chức, cá nhân liên quan và các cổ đông của Onaclover liên hệ trực tiếp với Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình.
Quyền lợi khách hàng có được đảm bảo?
Nhiều người dùng bày tỏ lo ngại về quyền lợi trên fanpage CSKH của WeWow
Liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền lợi của khách hàng sau khi công ty này nộp đơn phá sản, nhiều người dùng đã bày tỏ lo ngại về quyền lợi của mình sau khi hệ thống tuyên bố phá sản.
Đồng thời, nhiều người dùng cũng thông tin về việc hệ thống trừ tiền, trừ điểm tập ngay trong giai đoạn cách ly xã hội khi toàn bộ các phòng tập đều đóng cửa.
Trả lời báo chí, đại diện WeFit cho biết để giải quyết các vấn đề phát sinh đối với các khách hàng vẫn còn quyền lợi sau 10/5, đơn vị này đang làm việc với các bên thứ ba để có thể chuyển đổi quyền lợi cho khách hàng hoặc tìm ra giải pháp thỏa thuận tốt nhất.
Được biết, ứng dụng WeFit chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản.
Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, WeFit đã nhận được sự quan tâm từ các khách hàng, đối tác, và giới truyền thông. Công bố của công ty đã có mạng lưới hoạt động tại hơn 1.000 địa điểm ở Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, từ trước khi công bố phá sản, đơn vị này đã bị tố nợ tiền đối tác hay lừa đảo khách hàng từ tháng 3/2020. Theo đó, nhiều chủ cơ sở làm đẹp và phòng tập thể hình đã tố cáo hệ thống này nợ đọng kể từ cuối tháng 3. Nhằm trấn an đối tác, đơn vị này lại thay đổi chính sách rút ngắn thời gian tập của khách như từ 2 năm xuống 4 tháng hay từ 60 buổi tập giờ chỉ còn 6 buổi nếu lựa chọn gói Fit24h,…
HẠ AN
Nguồn: bizlive.vn