VNDirect: Lợi nhuận doanh nghiệp tăng 23%, VN-Index sẽ chạm mốc 1.180 điểm trong năm 2021

Rate this post
VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 khi P/E bình quân 12 tháng của VN-Index sẽ duy trì ổn định ở mức P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần và dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23%.
vn-index sẽ chạm mốc 1.180 điểm trong năm 2021

CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) mới công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021. Dẫn dữ liệu của Bloomberg tính tới ngày 30/11/2020, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E bình quân 12 tháng (TTM P/E) đạt 16,3 lần, cao hơn mức P/E 15,0 lần vào đầu năm 2020. P/E bình quân 12 tháng hiện tại đã nhỉnh hơn so với P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần. So sánh trong khu vực, P/E bình quân 12 tháng của Việt Nam thấp hơn so với các thị trường lân cận; tuy nhiên TTCK Việt Nam hiện vẫn đang thuộc nhóm thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã lên nhóm thị trường mới nổi.

VND ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong coverage của VND là 36% so với cùng kỳ.

“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 nhờ các yếu tố sau: kỳ vọng TTM P/E của VN-Index sẽ duy trì ổn định ở mức P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần; dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1,8% trong năm 2021”, báo cáo của VND nêu.

Tiềm năng tăng giá bao gồm TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ Thị trường Cận biên sang Thị trường Mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/21, TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/21 và vắc-xin Covid-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến.

Rủi ro giảm giá bao gồm kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.

VND cũng đưa ra dự báo khối lượng giao dịch bình quân có thể tăng 12-14% so với cùng kỳ trong năm 2021, thúc đẩy bởi các yếu tố như NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021; Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn nước ngoài từ các quỹ thị trường cận biên đổ vào TTCK Việt Nam khi Việt Nam được MSCI nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm 2021.

Trong năm 2020, thanh khoản tăng mạnh là điểm nhấn của TTCK Việt Nam nhờ “sự bùng nổ của nhà đầu tư F0”. Giá trị giao dịch bình quân trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh 42% so với cùng kỳ đạt 6.811 tỷ đồng do dòng tiền trong nước đổ vào thị trường chứng khoán tăng vọt. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK), các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mở mới tổng cộng 288.372 tài khoản mới trong 10T20 (+54% so với cùng kỳ).

Theo đánh giá của VND, nhìn chung trong 11 tháng đầu năm 2020, TTCK Việt Nam ghi nhận kết quả tốt hơn so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á và chỉ số tham chiếu thị trường cận biên của MSCI. Các cổ phiếu nhiều tác động mạnh nhất đến thị trường được chỉ ra là thép, ngành hóa chất, tài chính ngân hàng, sản xuất thực phẩm và điện lực.

kinh tế phục hồi mạnh mẽ, gdp 2021 tăng 7,1%

Liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam, VND đưa ra dự báo GDP Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021 với tăng trưởng được lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,1% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,8% sv cùng kỳ và ngành dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Lý giải cho dự báo tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng, theo VND, việc mở cửa các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm như máy tính, điện thoại, máy móc và thiết bị.

Thứ hai, trong bối cảnh Trung Quốc đang dần đánh mất hình ảnh và sự ưu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế lý tưởng nhờ lợi thế lớn về mặt địa lý khi Việt Nam nằm gần chuỗi sản xuất đặt tại miền Nam Trung Quốc.

Hơn thế nữa, trong 11 tháng đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy được năng lực đối phó với khủng hoảng và các sự kiện bất ngờ một cách ấn tượng khi vừa ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, vừa đảm bảo sức khỏe của người dân và đồng thời duy trì được chuỗi sản xuất hoạt động liên tục. Một số doanh nghiệp đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư ở Việt Nam, có thể kể đến như Google (GOOGL US), Microsoft (MSFT US), HP (HPQ US) và Dell (DELL US).

“Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực xây dựng sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các khoản đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch Covid-19 và các công ty tư nhân dự kiến sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đoạn phía Đông đường cao tốc Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1)”, nhóm chuyên gia VND cho biết.

Cũng theo VND, áp lực lạm phát có thể giảm trong năm 2021 với CPI bình quân chung năm 2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ (so với dự phónG CPI bình quân chung năm 2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ và mục tiêu CPI bình quân năm 2021 của Chính phủ đặt ra ở mức 4% so với cùng kỳ).

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version