Vietnam Airlines xin đặc cách không huỷ niêm yết khi âm vốn chủ sở hữu

Rate this post

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hiện đang niêm yết trên HoSE và có thời gian tăng khá sốc lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu nhờ “game” giải cứu, sau đó điều chỉnh về hơn 25.000 đồng/cổ phiếu.

Việc tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng nhằm “chữa cháy” cho VNA trước áp lực thanh toán đang đè nặng

Trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp ngày 26/9, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA – mã HVN) đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu, thông tin trên Zing cho biết.

Bên cạnh đó, hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.

Theo quy định của Luật Chứng khoán nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines lỗ ròng hợp nhất 8.421 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến thời điểm 30/6/2021 là 17.772 tỷ đồng. Điều này khiến cho Vietnam Airlines âm vốn chủ hơn 2.750 tỷ đồng.

Mới đây, Vietnam Airlines đã tăng vốn lên 22.182 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng nhằm “chữa cháy” cho hãng hàng không quốc gia trước áp lực thanh toán đang đè nặng.

Vietnam Airlines sử dụng 8.000 tỷ đồng sau khi phát hành để (1) Trả nợ vay đến hạn cho các tổ chức tín dụng 2.050 tỷ đồng; (2) Thanh toán nợ quá hạn và nợ đến hạn cho các đối tác, nhà cung cấp 3.950 tỷ đồng; (3) Bổ sung vốn lưu động 2.000 tỷ đồng để đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Ngoài kế hoạch huy động 8.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ được bổ sung thanh khoản thông qua gói vay ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng từ ba ngân hàng là MSB, SHB và SeABank.

Ngày 13/9, SCIC cho biết đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Giao dịch nhằm thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với “game” giải cứu, cổ phiếu HVN trên thị trường bất ngờ nổi sóng mạnh mẽ từ đầu tháng 9 với nhiều phiên trần liên tiếp, có thời điểm lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu tăng không đi kèm thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh khiến HVN nhanh chóng quay đầu giảm giá. Ngay trong phiên 15/9, nhiều nhà đầu tư phải chứng kiến mức lỗ 13% ngay trong phiên khi HVN từ mức giá trần đóng cửa giảm về sát giá sàn.

CẨM THẠCH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version