Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ đồng năm 2020, bay quốc tế vẫn phải… chờ

Rate this post
Quý 4/2020 Vietnam Airlines chỉ còn lỗ hơn 400 tỷ đồng, tuy nhiên do những quý trước đó thường xuyên duy trì khoản lỗ nghìn tỷ đồng nên cả năm 2020 VNA lỗ hơn 11.000 tỷ đồng.

Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất do đại dịch COVID-19 đặc biệt đối với Vietnam Airlines (VNA, mã HVN). Trong năm 2020, việc hạn chế về biên giới khiến hầu như không có các chuyến bay quốc tế thường xuyên trong khi đó thị trường trong nước đang dư cung. Tổng quy mô đội bay của các hãng hàng không nội địa giảm nhẹ trong năm 2020 do tình trạng dư cung và nhu cầu thấp trong thị trường nội địa.

Vietnam Airlines trong tài liệu ĐHĐCĐ năm 2019 khi đánh giá về những điểm khó khăn, ngoài việc đề cập đến khó khăn do môi trường kinh doanh còn nhắc đến tình hình thị trường chịu sức ép cạnh tranh từ 2 hãng hàng không khác là Bamboo Ariways và VietJet. Theo Vietnam Airlines, Bamboo Airways tăng quy mô đội tàu bay khai thác, cao hơn 2 lần dự báo của Tổng công ty và VietJet, với mục đích giữ slot và giành thị phần nội địa đã liên tục tăng tải đặc biệt trên các đường bay trục, trục lẻ và triển khai giảm giá mạnh.

Thực tế, năm 2020, tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways) giảm 38% so với cùng kỳ, đạt 337.000 chuyến bay trong năm 2020. Trong đó, Bamboo Airways là hãng hàng không duy nhất có tốc độ tăng trưởng chuyến bay dương với mức tăng 35% so với cùng kỳ nhưng chủ yếu là do hãng hàng không này mới gia nhập thị trường vào tháng 1/2019 và dần dần nâng công suất cho đến tháng 12/2019. Tuy nhiên, các chuyến bay của Bamboo đã giảm 33% so với cùng kỳ trong tháng 12/2020.

VIETNAM AIRLINES BÁO LỖ 11.000 TỶ ĐỒNG, DÒNG TIỀN KINH DOANH ÂM

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 và cả năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu quý 4/2020 là 8.202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp 515 tỷ đồng, giảm 63%. Mặc dù mức giảm lên đến 65% nhưng đây vẫn là con số “khởi sắc” trong năm 2020 do quý 4/2020 Việt Nam hầu như đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, các đường bay nội địa hầu như đã ổn định, hãng hàng không cùng với các doanh nghiệp Bất động sản du lịch, các công ty lữ hành du lịch bắt tay nhau ra nhiều combo du lịch với mức giá hấp dẫn.

Mặc dù chi phí vận hành đã được cắt giảm mạnh, nhưng Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế -422 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ 372 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 55 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2020, doanh thu 40.613 tỷ đồng, giảm 69%; lỗ sau thuế 11.098 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 9.260 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần hoạt động kinh doanh âm 6.379 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần hoạt động đầu tư dương 3.271 tỷ đồng do đẩy mạnh thu hồi công nợ, phải thu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 1.797 tỷ đồng, do tăng cường đi vay.

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua việc giải cứu Vietnam Airlines với gói giải cứu lên đến 12.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, 4.000 tỷ đồng Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho Vietnam Airlines vay ngân hàng thương mại với lãi suất tái cấp vốn là 0% tức gián tiếp hỗ trợ cho Vietnam Airlines mỗi năm 160 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng tăng vốn thông qua chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

BAY QUỐC TẾ VẪN PHẢI… CHỜ

Báo cáo thường niên năm 2019 của Vietnam Airlines cho biết, đến hết năm 2019, VNA có mạng đường bay quốc tế gồm 61 đường bay đến 33 điểm thuộc 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh việc mở đường bay mới, tăng cường khai thác đến kgu vực thị trường trọng điểm Đông Bắc Á cũng như tăng thị trường Trung Quốc, Vietnam Airlines đã linh hoạt điều chỉnh phương án khai thác giữa các nhóm đường bay Đức, Nhật, Hàn Quốc, Úc.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi các tuyến bay nội địa đã phục hồi hoàn toàn vào quý 4/2020, đến những ngày cuối tháng 1/2021, đúng thời điểm di chuyển Tết Nguyên đán 2021 COVID-19 lại trở lại tại 1 số tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai… tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của khách hàng và doanh thu của các hãng hàng không. Đến thời điểm hiện tại, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đang tạm dừng hoạt động.

Hàng không năm 2021 sẽ vẫn là 1 năm khó khăn bởi không còn dư địa hồi phục cho đến khi các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại.

“Cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại, chúng tôi cho rằng tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ ít có thêm sự cải thiện”, báo cáo triển vọng thị trường hàng không do công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đưa ra nhận định.

Mirae Asset cho biết, caác chuyến bay quốc tế có thể sẽ mở lại ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhưng khả năng bùng phát trở lại, các quy định kiểm dịch mới (chỉ cho nhập cảnh khi đã tiêm vaccine)… sẽ kéo dài quá trình hồi phục lưu lượng khách vận chuyển về mức 2019.

Tương tự, trong báo cáo của SSI Research, tổ chức này cũng cho biết, ngành hàng không có thể phục hồi khi các vắc xin được sử dụng trên quy mô lớn tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2021. Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022.

Năm 2021, SSI Research ước tính ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách (đạt khoảng 34% mức trước Covid).

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version