Vietnam Airlines được Chính phủ cho vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%

Rate this post
Theo Nghị quyết 194/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, Vietnam Airlines sẽ được Chính phủ cho vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%
Ảnh minh họa.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 194/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nghị quyết nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không muộn hơn ngày 31/12/2021.

Ngài ra, Chính phủ cũng chấp thuận cho Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ đồng thời giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.

Để triển khai các nội dung của Nghị quyết 194, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và xác định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro phù hợp đối với các khoản cho Vietnam Airlines theo Nghị quyết 194.

Tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay xem xét và quyết định việc cho vay theo Nghị quyết này và quy định của pháp luật; theo dõi riêng khoản vay theo Nghị quyết này; thỏa thuận với Vietnam Airlines về lãi suất, phí, sổ tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay…, phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines và tình hình tài chính của doanh nghiệp này vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với Vietnam Airlines.

Tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay cũng có trách nhiệm trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầy đủ, đúng hạn.

Phía Vietnam Airlines được yêu cầu bảo đảm thực hiện các giải pháp đúng mục đích, mục tiêu và đúng quy định của pháp luật. Không để xảy ra hiện tượng trục lợi từ các chính sách tại Nghị quyết này.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines diễn ra hồi cuối tháng 12/2020, Vietnam Airlines dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu, kiện toàn hội đồng quản trị và chủ trương kêu gọi các cổ đông cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.

Theo báo cáo thường niên 2019, nhà nước (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đang là cổ đông lớn nhất tại VNA với tỷ lệ sở hữu 86,19%, cổ đông chiến lược ANA Holdings Inc sở hữu 8,77%, tổ chức khác nắm giữ 2,31% và cá nhân nắm giữ 2,73%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 được VNA đặt ra tại ĐHĐCĐ là doanh thu hợp nhất đạt 40.586 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng trong khi năm 2019 lã 2.517 tỷ đồng.
Được biết, kế hoạch kinh doanh dựa trên ước tính Tổng công ty sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Năm 2020, số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Số lượng hàng hóa là 204.800 tấn.
Đồng thời dựa trên phương án được vay 12.000 tỷ đồng của Chính phủ thời hạn 3 năm và VNA chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version