“Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác”

Rate this post
Theo ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, 3 yếu tố tạo nên chiến dịch marketing thành công là thông điệp phù hợp, thu hút sự tham gia của các bên, khẳng định cái mình truyền thông.
Thu hút du khách bằng cách tăng giá trị trải nghiệm du lịch, thay vì chỉ giảm giá

Ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết trong năm 2020, sau những đợt bùng phát dịch bệnh, Bộ phát động hai chương trình truyền thông là Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn. Bộ thống nhất tổ chức các sự kiện truyền thông, gặp gỡ báo chí, tọa đàm. Bộ Văn hóa – du lịch thu hút sự đồng lòng tham gia của các ủy ban trong cả nước cũng như cộng đồng cơ quan truyền thông. Cơ quan truyền thông luôn sát cánh, giữ vai trò quan trọng trong các chiến lược marketing. Hai chương trình được tổ chức đó đã rất thành công và vẫn còn nguyên giá trị tới thời điểm hiện tại.

Ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam.

“Chúng ta đã tạo hiệu ứng truyền thông mà mỗi người làm du lịch đều thấm nhuần, được nhân dân, lãnh đạo ủng hộ. Sau đợt bùng phát lần thứ nhất, chúng ta thấy cầu du lịch quá thấp, cần phải kích cầu, người Việt Nam cần được khơi gợi cảm hứng đi du lịch và chúng ta đã thành công” ông khẳng định. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát lần thứ hai, khách du lịch hoảng loạn, việc hủy tour xảy ra trên diện rộng, dẫn tới tâm lý e ngại. Vì vậy, ở chiến dịch thứ hai, Bộ tập trung truyền thông về “an toàn”. Chiến dịch du lịch được đổi mới, tăng giá trị trải nghiệm của du lịch, thay vì chỉ giảm giá.

Theo ông Đức, có 3 yếu tố tạo nên chiến dịch marketing thành công. Thứ nhất là thông điệp, nội dung phù hợp. Thứ hai là sự điều phối, thu hút sự tham gia của các bên như: cơ quan nhà nước, truyền thông, doanh nghiệp… để thu hút du khách. Thứ ba là phải khẳng định cái mình truyền thông như: điểm đến an toàn, sản phẩm thực sự hấp dẫn…

Thừa Thiên Huế xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du khách

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương này đã có sẵn nhiều kế hoạch, kịch bản phát triển du lịch trở lại.

Mặc dù bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tỉnh đã chủ động có kế hoạch phục hồi du lịch từ rất sớm trong đó, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Nhiều hoạt động tuyền truyền xây dựng hình ảnh Huế là một điểm đến an toàn để mọi người yên tâm du lịch đã được triển khai. Địa phương cũng đã lên kịch bản xử lý cho từng trường hợp có thể xảy ra. Truyền thông đến các cơ sở lưu trú, du lịch, áp dụng 5K, quét mã QR, ứng dụng công nghệ để du khách biết các điểm đến tại địa phương.

Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách kích cầu để du khách tiếp cận, giảm giá vé, dịch vụ; tổ chức tái khởi động ngành du lịch Thừa Thiên Huế, mở đầu cho chuỗi hoạt động, kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách để phục hồi và phát triển cho các doanh nghiệp phát triển du lịch. “Huế sẽ cố gắng tiếp tục trở thành điểm đến an toàn và có các sản phẩm mới hơn”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị nhiều sản phẩm hấp dẫn để kích cầu du lịch

Ông Nguyễn Văn Thi – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa khẳng định chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải nhanh chóng phục hồi du lịch an toàn, bền vững để chuẩn bị cho mùa cao điểm. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ là tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch đặc sắc. Thanh Hóa cũng đang có lễ hội festival đường phố, du lịch biển Hải Tiến… cùng nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tỉnh cũng đang tổ chức sự kiện Hoa hậu Hòa bình Việt Nam nhằm lựa chọn ra người đi thi Hoa hậu Hòa bình thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thi – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực là các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai, phát triển du lịch mới, đáp ứng xu hướng thị trường; ưu tiên đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Lãnh đạo cũng hướng dẫn đơn vị doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh tập trung, dành nhiều combo hấp dẫn tăng chất lượng, giảm tối đa giá thành để kích cầu du lịch. Vừa qua, tỉnh cũng tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu người Việt Nam cũng như đón các chuyên gia nước ngoài.

Trả lời câu hỏi về phương án của Thanh Hóa trong tình hướng dịch bệnh bùng phát, ông cho biết, tỉnh đang tiếp tục phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ văn hóa xã hội. Dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp không được chủ quan, tuân thủ quy trình phòng chống tại các cơ sở du lịch, nếu vi phạm, tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp, người dân luôn chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án dự phòng để chống dịch bất cứ lúc nào, đồng thời, tuyên truyền để thay đổi thái độ, hành vi của người dân. Ông cũng cho biết, lãnh đạo luôn chỉ đạo cơ sở ngành, địa phương sẵn sàng tiếp ứng, tập trung nguồn lực công nghệ để thực hiện nhiệm vụ kép: chống dịch và phát triển kinh tế để đưa du lịch Thanh Hóa đến gần hơn với cả nước và quốc tế.

Tỉnh cũng triển khai dự án tiêm vaccine và sẵn sàng đón khách cách ly. Trên thực tế, Thanh Hóa có 3,6 triệu dân nhưng chỉ có một ca mắc Covid-19 từ năm 2019.

An toàn, chất lượng dịch vụ và chi phí là những tiêu chí cần chú trọng trong thời gian tới

Mở đầu phiên thảo luận với chủ đề Sức bật thị trường nội địa, nhà báo Hoàng Trang đã đặt câu hỏi tới bà Hương Trần Kiều Dung – Phó chủ tịch FLC về những tiêu chí mà một doanh nghiệp cần phải chú trọng trong gia đoạn tới để phát triển du lịch.

Vị đại diện tập đoàn FLC cho biết, theo khảo sát mới đây của VnExpress, 53,4% người tham gia khảo sát dự định đi nghỉ từ tháng 5 đến tháng 9; 30,2% cho biết đã sẵn sàng du lịch trong tháng 3 và tháng 4, vậy việc còn lại là các doanh nghiệp sẽ làm thế nào để làm thu hút khách hàng.

Bà Hương Trần Kiều Dung – Phó chủ tịch Tập đoàn FLC

Bà Kiều Dung nhận định, Covid đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến du lịch, tại Việt Nam, 90% doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động, 40 – 60 % những người làm trong ngành du lịch không có, mất việc làm. Tuy vậy, trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt 50 triệu lượt khách du lịch nội địa. Mặc dù tâm lý e dè nhưng người Việt vẫn đi du lịch, điều này nhờ sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghệp, nỗ lực của địa phương, chính sách của cơ quan nhà nước.

Dưới góc độ là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Phó chủ tịch tập đoàn FLC đưa ra ý kiến cho rằng, các cơ quan nhà nước nên tiếp tục phát động các chương trinh du lịch nội địa. Truyền thông tổng thể sẽ giúp người dân tiếp cận du lịch trong nước. Đồng thời, cần bổ sung thêm ngày nghỉ – ngày du lịch Việt Nam, bố trí sát vào các kỳ nghỉ hiện hữu.

Đối với các doanh nghiệp du lịch, yếu tố: An toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí cần phải đặt lên hàng đầu. Về mặt an toàn, doanh nghiệp cần nỗ lực tạo ra các điểm đến an toàn cho du khách, phục vụ đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến.

Về chất lượng dịch vụ, năm 2020, 50% nhân sự trong ngành du lịch mất việc, vì vậy cần phải tập trung đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự trong tập đoàn, nâng cấp, tạo nên nhiều hạ tầng du lịch. Trong năm 2021, FLC sẽ khai trương thêm ít nhất 3 khu du lịch quy mô lớn tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ để tiếp cận dịch vụ thuận tiện hơn.

Về mặt chi phí, từ 2020, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp để tạo ra gói sản phẩm liên kết hợp lý cho người tiêu dùng, ví dụ combo bay, nghỉ dưỡng và chơi golf đc nhiều khách hàng đón nhận. Mở thêm nhiều đường bay ngách đến Côn Đảo, Rạch Giá, Kiên Giang hay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn.

Năm 2021, cần phải tiếp tục kích cầu du lịch, để người dân sẵn sàng đi du lịch trong nước. Với 100 triệu dân, 30% chưa từng đi du lịch, nhu cầu và tiềm năng còn rất lớn.

Câu lạc bộ doanh nghiệp liên kết nhằm kích cầu du lịch

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow kiêm Chủ tịch câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ, cho biết du lịch phát triển kéo theo các lĩnh vực vận tải, lưu trú và sản phẩm địa phương…, đồng thời, phát triển và giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế vùng và nâng cao sự tôn trọng lẫn nhau giữa các địa phương, quốc gia.

Tại Việt Nam, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần đẩy mạnh du lịch và xem xét mở cửa du lịch quốc tế.

Ông cũng khẳng định du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế. Các ngành như lưu trú, dịch vụ… cần tạo mối liên kết chặt chẽ. Theo đó, câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ đang triển khai chính sách liên kết chung giữa các doanh nghiệp hành không, lữ hành… để kích cầu du lịch.

Với chủ đề Sức bật thị trường nội địa và Mở cửa du lịch quốc tế – Sẵn sàng nguồn lực, ông kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ có lối đi, giải pháp mới để phát triển hơn nữa trong giai đoạn hậu Covid-19.

Phục hồi du lịch không có nghĩa là quay trở lại như trước khi Covid-19 diễn ra

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ sau đại dịch Covid-19, khi nhắc tới sự phát triển của du lịch và kinh tế Việt Nam, mọi thứ đã thay đổi. Trước đây, khi nói tới phục hồi, mọi người thường bàn tới sự quay trở lại, tức là những thứ đã có trước đây. Nhưng bây giờ phục hồi không có nghĩa là quay trở lại của ngày hôm qua. Sau Covid-19, mọi người trở nên yêu và trân trọng giá trị cuộc sống hơn.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Không ít người thay đổi quan điểm, họ hưởng thụ cuộc sống, trải nghiệm và đi du lịch nhiều hơn. Hình thức du lịch cũng thay đổi, thay vì tới những nơi phồn hoa, nhiều trung tâm thương mại mua sắm, giờ họ tìm về những vùng nông quê, gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy, các công ty du lịch cũng cần tạo nên dịch vụ du lịch mới, đáp ứng giá trị sống của con người. Đó là hạnh phúc phải được đặt lên hàng đầu. Việt Nam có thế mạnh với nền văn hóa gắn liền cùng thiên nhiên, sở hữu vẻ đẹp tiềm ẩn, cần khai phá, và chúng ta cần phát triển tiềm năng này. Đặc biệt, hiện tại, du lịch nội địa đang phát triển mạnh mẽ.

Ông Lộc cho rằng Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Việt Nam là không gian đủ lớn để người dân khám phá, không cần phải đi ra bên ngoài. “Tôi đề nghị chúng ta cùng phát động cuộc thi về những sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc với tên gọi như: Khám phá Việt Nam hay Đất nước ta. Chúng ta sẽ tìm ra câu chuyện để phát triển du lịch bằng cách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp cho người dân trong nước lẫn thế giới đều biết đến và muốn đến khám phá, trải nghiệm ở từng vùng đất của Việt Nam”, ông nói.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định trước khi trở thành một đất nước hùng cường, từng người dân, lãnh đạo cần phải hiểu đất nước này. Đây cũng được coi là nền tảng để phát triển du lịch, bên cạnh các chính sách giảm giá nhằm thu hút du khách.

Giai đoạn 2021 – 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm phát triển

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tổ chức sự toạ đàm du lịch Việt Nam 2021 – 2023. Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai các chương trình kích cầu nội địa và đón khách quốc tế. Năm 2020, trước sự bùng phát của Covid-19, du lịch từ ngành tăng trưởng nhanh đã trở nên ngưng trệ, đóng băng, nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch tự đánh giá và chọn lựa lại các ưu tiên phát triển, chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ảnh Vnexpress

Việt Nam đã nhanh chóng khống chế thành công nhiều làn sóng dịch bệnh trong năm 2020 và trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất năm 2020. Bộ trưởng nhận định, đây là thế mạnh, đòn bẩy để phát triển trở lại.

Trong năm 2020, Việt Nam vẫn được gọi tên trong nhiều hạng mục giải thưởng du lịch như: điểm đến di sản, điểm đến ẩm thực hàng đầu. Điều này khẳng định sức hút của du lịch Việt vẫn được duy trìu và khẳng định.

Việt Nam đã hai lần triển khai chiến dịch Hai lần kích cầu du lịch nội địa, “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam – an toàn, hấp dẫn”. Nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch COVID-19 tới ngành du lịch. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.

Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 – 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất 2,5 – 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.

Để phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng đề nghị buổi toạ đàm nên tập trung thảo luận các nội dung: Phối hợp để vừa phục hồi, vừa an toàn phòng chống dịch, phản ứng nhanh khi dịch có nguy cơ bùng phát; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm với sản phẩm hiện có; Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, hình thành liên minh kích cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh khi du lịch quốc tế quay trở lại, tích cực truyền thông đến các thị trường mục tiêu (trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương), lựa chọn thí điểm một số thị trường áo dụng hộ chiếu vaccine.

=====================

Tọa đàm “Cơ hội phục hồi của Du lịch Việt Nam năm 2021-2023” do Tổng cục Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn.

Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch; ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành; lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Phú Thọ cùng các chuyên gia về du lịch, kinh tế và nhiều doanh nghiệp uy tín về du lịch, lữ hành, hàng không trên toàn quốc.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các bên sẽ cùng thảo luận về hướng đi cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh khi du lịch nội địa đang chuẩn bị đón mùa cao điểm hè 2021, với những dấu hiệu tích cực. Ngoài ra là câu chuyện mở cửa thị trường du lịch quốc tế, đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho toàn ngành.

Tọa đàm gồm hai phiên với chủ đề Sức bật thị trường nội địa và Mở cửa du lịch quốc tế – Sẵn sàng nguồn lực.

(Tiếp tục cập nhật)

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version