Vì sao bất động sản giữ ngôi vị thứ 2 về thu hút vốn ngoại trong nhiều năm?

Rate this post
Lũy kế đến tháng 5/2020, vốn FDI đầu tư Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 58,32 tỷ USD, chiếm 15,49% tổng vốn FDI, chỉ đứng sau ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ảnh minh họa.
Đại dịch COVID-19 quy mô toàn cầu ảnh hưởng rõ rệt tới dòng Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 13,88 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Hoạt động kinh doanh Bất động sản (BĐS) chứng kiến sự sụt giảm mạnh tới 42% xuống 801,25 triệu USD.
So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia điển hình, Chính phủ quyết liệt và đẩy lùi dịch Covid-19 thành công. Do đó, sự sụt giảm của FDI vào Bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam chung có thể xem là bước lùi trong ngắn hạn.
Nhiều nguyên nhân hút dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực BĐS. Trước hết, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, giúp thị trường BĐS giữ được sự ổn định cần thiết.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu nhập người dân được nâng lên qua các năm, đặc biệt có lực lượng lao động trẻ cao, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng nhanh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và những khu vực tập trung các khu công nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam có đường bờ biển hơn 3.000km với rất nhiều cảnh quan và bãi tắm đẹp có thứ hạng nhất nhì trên thế giới, có nhiều vùng sông núi thuận lợi cho xây dựng khu nghỉ dưỡng; các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng đang có rất nhiều vị thế đầu tư BĐS, hứa hẹn đem lại hiệu quả đầu tư cao. Đây sẽ là động lực tiếp tục thu hút nhà đầu tư ngoại đến với Việt Nam.

Lũy kế đến tháng 5/2020, vốn FDI đầu tư Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 58,32 tỷ USD, chiếm 15,49% tổng vốn FDI, chỉ đứng sau ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục là 2 khu vực có thị trường Bất động sản (BĐS) phát triển sôi động nhất cả nước. Nhiều doanh nghiệp ngoại đã tham gia các dự án với cơ cấu sản phẩm quy mô và đa dạng, bao gồm khu đô thị, căn hộ, nhà liền đất, sàn thương mại – bán lẻ, văn phòng… Một số tên tuổi có thể kể đến như Phú Mỹ Hưng, Gamuda, Capital Land, Hongkong Land, Lotte, Keangnam, Sumitomo…
Cánh cửa đã mở cho bất động sản Khu Công nghiệp
Theo FPTS, từ năm 2000, dân số đô thị bùng nổ mạnh mẽ và tốc độ tăng này được dự báo kéo dài 50 năm. Năm 2025, tổng dân số Việt Nam dự báo đạt 99,33 triệu người, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2000-2025 là 1% nhưng thấp hơn so với mức tăng CAGR của dân số đô thị là 3%.
Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn thông qua ký các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA giúp mở ra cánh cửa cho nền sản xuất Việt Nam chuyển đổi từ việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao.
Thực tế, sự xuất hiện của COVID-19 còn đẩy nhanh quá trình tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng này đang mở ra cánh cửa rất rộng, đòi hỏi nguồn cung lớn về bất động sản khu công nghiệp.
Hơn nữa, thời gian qua, có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Điều này cho thấy BĐS vẫn luôn và sẽ là lĩnh vực có sức hút nhà đầu tư ngoại.
Hiện Tập đoàn Sembcorp Industries với sự hiện diện của chuỗi Khu Công nghiệp VSIP ở một loạt các tỉnh thành như Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Hải Dương… được xem là một trong “tay chơi” lớn trong lĩnh vực phát triển Khu công nghiệp. Và trong thời gian tới, sẽ không loại trừ có sự xuất hiện nhiều hơn của nhà đầu tư ngoại tham gia phát triển Bất động sản Khu công nghiệp thông qua góp vốn mua cổ phần.
Theo Savills, khi nguồn cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung, đặc biệt là ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm, với tỷ lệ lấp đầy đạt 75% tại các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, sự cạnh tranh đối với các khu sản xuất có vị trí gần các các thành phố lớn và cảng biển lớn ngày càng tăng lên.
Cùng với một loạt các đơn vị sản xuất quốc tế mới, mang đến cho các chủ đầu tư quyền đượ•c chọn các khách thuê phù hợp, từ đó lựa chọn các công ty đa quốc gia trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Phân khúc bất động sản công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng gấp 10 lần của FDI trong thập kỷ qua. Nguồn cung đất tốt đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất sắp tới với sự gia tăng các hình thức cho thuê và nhiều giải pháp khác.
Các nhà phát triển Bất động sản đến từ nước ngoài có tên tuổi tại Việt Nam
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (tên cũ là Công ty TNHH Liên Doanh Phú Mỹ Hưng) được thành lập ngày 19/5/1993, là liên doanh giữa 2 công ty:
Công ty TNHH Một Thành Viên Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC – Việt Nam, tên cũ là Công ty Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận) và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings (trước đây là Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D – Đài Loan)).
Dự án tiêu biểu: Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” nổi bật của Việt Nam vào năm 2008.
Gamuda Land: đến từ Malaysia được thành lập vào năm 1995, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad, một trong những tập đoàn lớn về hạ tầng và xây dựng của Malaysia.
Gamuda Land hiện sở hữu nhiều khu đô thị tại Malaysia, Việt Nam, Úc, Singapore trên tổng diện tích khoảng 2.500ha và tổng giá trị đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Dự án tiêu biểu: Gamuda City và Celadon City

Hongkong Land là một thành viên của tập đoàn Jardine Matheson, sở hữu và quản lý hơn 850.000m2 văn phòng và trung tâm thương mại cao cấp tại nhiều thành phố lớn của châu Á, chủ yếu ở Hongkong, Singapore và Bắc Kinh.

Một số dự án tiêu biểu: Thủ Thiêm River Park, The Marq, The Nassim…
Capitaland là thương hiệu từ Singapore với hàng loạt các siêu phẩm căn hộ cao cấp, hạng sang tại Việt Nam.
Dự án tiêu biểu: Seasons Avenue, The Vista, The Krista, PARCSpring
VSIP: được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ là 946 tỉ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Singapore do SembCorp dẫn đầu sở hữu chiếm 51% và Việt Nam do Becamex IDC (BCM) nắm giữ 49%.
VSIP chiếm khoảng 9% thị phần Khu công nghiệp. Hiện nay, VSIP có 7 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 6.000 ha và tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 85%.
Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, kinh doanh kỳ nghỉ dưỡng. Dự án Alma trên diện tích 30 ha ở Bãi Dài, Bắc Cam Ranh, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

QUÂN MAI

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version