–
Theo báo cáo VFA, hiện lượng lúa gạo đang tồn kho trong kho của doanh nghiệp là 1.945.582 tấn, số lượng gạo xuất theo hợp đồng đã ký trong tháng 4 và 5 là 1.341.699 tấn.
Ảnh minh họa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lại thêm nạn hạn mặn ở ĐBSCL, Chính phủ đã phải giao các bộ, ngành cân nhắc đề xuất việc xuất khẩu gạo với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực.
Quyết định vào ngày 11/4 , Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của các bộ, cho phép xuất khẩu 800.000 tấn trong 2 tháng 4 và 5. Trước mắt xuất khẩu 400.000 tấn của tháng 4, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo trước 24/5 để có quyết định phù hợp hơn cho tháng 5.
Ngày 20/4, Hiệp hội lượng thực Việt Nam (VFA) đã thực hiện báo cáo về thị trường, số lượng gạo dữ trữ trong doanh nghiệp và đề xuất một số kiến nghị về xuất khẩu gạo tháng 5 tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Báo cáo cũng cho biết, tính đến hết ngày 31/3/2020, xuất khẩu gạo tháng 3/2020 đạt 591.407 tấn, trị giá 271.514.122 USD. Tính lũy kế từ đầu năm, quý I đạt 1,517 triệu tấn gạo, trị giá 700,809 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,9% về lượng và tăng 15,5% về giá trị.
Số lượng gạo đang tồn là bao nhiêu?
Tồn kho lúa gạo đến ngày 18/4/2020 là 1.945.582 tấn, trong đó, gạo trắng và gạo thơm các loại là 1.669.391 tấn, nếp các loại (kể cả tấm nếp) là 276.191 tấn. Số lượng này được ghi nhận từ 57/92 thương nhân của VFA là 1.796.951 tấn và 13 thương nhân tham gia báo cáo là 148.631 tấn.
Tính đến ngày 18/4/2020, tiến độ giao hàng trong khuôn khổ hạn ngạch 400 ngàn tấn gạo được ghi nhận như sau:
Lượng trên cảng đã mở tờ khai được phân luồng đỏ chờ thông quan là 349.710 tấn. Lượng gạo trên cảng đã mở tờ khai nhưng chưa được phân luồng là 34.077 tấn. Lượng gạo trên cảng nhưng chưa mở được tờ khai là 173.346 tấn. Tổng cộng là 557.133 tấn.
Lượng hợp đồng đã ký còn lại nhưng chưa có kế hoạch giao/đã có kế hoạch và hàng đang tại kho là 1.341.699 tấn giao trong tháng 4 và 5, giao từ tháng 6 trở đi là 371.527 tấn.
Chủ tịch Hiệp hội VFA, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết, theo kế hoạch của Bộ Công Thương và Đoàn kiểm tra liên ngành, dự kiến xuất khẩu gạo quý I/2020 khoảng 1,7 triệu tấn, nhưng do lệnh ngưng xuất khẩu từ ngày 24/3 nên lượng xuất thực tế đến ngày 31/3 chỉ đạt 1,5 triệu tấn.
Những kiến nghị từ VFA
Trước đánh giá lượng gạo đang có trong doanh nghiệp VFA có 2 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
Một là cho phép xuất khẩu tiếp thêm 200.000 tấn để đạt kế hoạch xuất khẩu 1,7 triệu tấn quý I, đồng thời giải quyết được phần gạo của doanh nghiệp tồn cảng, tồn kho chưa đăng ký hải quan kịp ngày 12/4.
Hai là, cho đăng ký tiếp hạn ngạch sau khi trừ lượng nếp và tấm nếp (khoảng 51.000 tấn) loại khỏi hạn ngạch 400.000 tấn, để giải phóng hàng tại các cảng và kho, vì nếp không nằm trong danh mục hàng dự trữ quốc gia.
VFA cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan có những biện pháp và tạo điều kiện thông thoáng nhằm thông quan giải phóng nhanh hàng hóa đang trên các cảng (đang ùn ứ hàng hóa rất nhiều).
Đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước đến thời điểm hiện nay, VFA cho rằng tình hình dịch bệnh đã có kết quả tốt và rất khác so với thời điểm ngày 23/3, Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại nên tác động mạnh đến nguồn cung, giá gạo trên thị trường thế giới bắt đầu giảm, hạn chế xuất khẩu đã bắt đầu tác động đến giá gạo trong nước. Hơn nữa, vụ Hè Thu bắt đầu thu hoạch, vì vậy Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành điều hành cho phép xuất khẩu gạo bình thường theo Nghị định 107/2018/ND-CP ngày 15/8/2018.
Trường hợp thứ 2, VFA kiến nghị bộ, ngành sớm có phương án xuất khẩu gạo cho tháng 5 trình Thủ tướng Chính phủ góp phần tiêu thụ hàng hoá vụ Hè Thu đang vào vụ.
Hiện nay nay giá lúa trên thị trường đang sụt giảm là do tiến độ mua vào của doanh nghiệp khá thấp, phải tập trung xuất khẩu hết lượng gạo theo hạn ngạch 400 ngàn tấn trong tháng 4, chưa thể ký thêm hợp đồng mới. Trong khi đó, một số kho đầy gạo không mua thêm lượng vào để chờ quan sát tình hình thị trường. Một thương nhân ở TP.HCM cho biết: “Hiện nay trên thị trường thế giới vẫn sôi động với loại gạo thường IR 50404 (đây cũng là loại giao chỉ định mua dự trữ quốc gia). Loại thứ 2 là OM 5451, đây là loại Philippines thường mua. Dự báo, sắp tới gạo thơm sẽ ngang giá gạo OM 5451. Giá nếp trên thị trường nội địa tăng trở lại vì các doanh nghiệp xuất khẩu nếp trong tâm lý chờ Chính phủ cho xuất khẩu không hạn ngạch”. Vụ Đông Xuân đang bước vào những ngày thu hoạch cuối, dự kiến, cuối tháng 4 sẽ cạn lúa Đông Xuân. Tại tỉnh An Giang, Tiền Giang và Kiên Giang về cơ bản đã thu hoạch xong, chỉ còn lượng rất ít đang thu hoạch dứt điểm. Thương lái sẽ di chuyển xuống mua lúa thu hoạch sớm nhất vụ Hè Thu tại Đồng Tháp trong thời gian 1 tuần tới. Lúa Hè Thu dự kiến thu hoạch rộ vụ từ giữa tháng 5, tại một số huyện ở Đồng Tháp và Cần Thơ. Theo một thương nhân khác ở TP.HCM: “Philippines, Indonesia đang liên hệ muốn mua gạo cấp thấp 25% tấm, nhưng các doanh nghiệp yêu cầu họ chờ đến tháng 6, khi đó có nguồn giao dịch và xóa hạn ngạch mới có thể bàn việc mua bán”. Trong lúc chống dịch các nước nhập khẩu tăng mạnh nhu cầu các loại gạo thường và gạo mềm cơm. Vì vậy, hiện các tỉnh/thành ĐBSCL xuống giống vụ Hè Thu, Thu Đông khuyến cáo bà con chú ý đến trồng giống lúa phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, ĐBSCL có một số diện tích sắp thu hoạch trong tháng 6, nên chỉ có thể khuyến cáo bà con trồng lúa IR 50404 và lúa OM 5451 trên diện tích chưa gieo sạ và vụ Thu Đông. |
QUANG TRÍ
Nguồn: bizlive.vn