VECOM: Để các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… nộp thuế thay gian hàng liệu có khả thi?

Rate this post
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, một số quy định trong Thông tư thiếu tính khả thi và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử.
Ảnh minh họa.
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 40/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 1/6/2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh là việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.
Cụ thể, tại điểm D khoản 1 Điều 8 Thông tư 40 quy định, tổ chức là chủ sở hữu của sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.
Trong thời gian chưa thực hiện việc khai, nộp thuế thay thì các sàn giao dịch này phải có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Đánh giá về quy định này, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
VECOM nhấn mạnh, theo quy định hiện tại, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, sàn TMĐT không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT, như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng sẽ phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh.
“Như vậy, phương án này liệu có khả khi?”, VECOM đặt vấn đề.
GIẢM GÁNH NẶNG CƠ QUAN THUẾ NHƯNG LẠI TẠO GÁNH NẶNG CHO SÀN TMĐT
Ngoài ra, trong một số trường hợp các sàn TMĐT không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán ví dụ: Chotot.vn, Batdongsan.com.vn, v.v…). Các sàn này chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, các sàn này không thể kiểm soát cũng như không có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán.
Các sàn TMĐT cũng sẽ gặp khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn bởi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh, VECOM chỉ ra.
Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở nơi khác (thường là Hà Nội và TP.HCM) so với cá nhân kinh doanh trên sàn. Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.
Vì vậy, VECOM nhấn mạnh, việc yêu cầu các sàn kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân sẽ làm giảm gánh nặng cho cơ quan thuế và cho người nộp thuế, nhưng lại chuyển toàn bộ gánh nặng đó cho các sàn, vốn chỉ là một bên trung gian thương mại.
Điều này đòi hỏi các sàn sẽ phải đầu tư rất lớn cả về nhân lực, công nghệ, tài chính và thời gian để có thể thực hiện. Chưa kể những chi phí nhân lực để thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan thuế, giải đáp thắc mắc từ người bán hàng về số thuế nộp thay, giải quyết khiếu nại liên quan…
BỐI RỐI VỀ HÌNH THỨC KẾT NỐI THÔNG TIN
Về quy định cung cấp thông tin của các gian hàng, VECOM cho biết, nếu như trước đây đôi khi vẫn nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan thuế địa phương và các yêu cầu cụ thể bằng văn bản là phù hợp với pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, Đại diện Tổng cục Thuế cho biết đang xây dựng hệ thống để “kết nối thông tin theo chuẩn định dạng” với các sàn.
“Điều này đang khiến các sàn TMĐT rất bối rối vì chưa rõ hình thức kết nối thông tin và những yêu cầu của Tổng cục Thuế về việc “nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng” sẽ diễn ra như thế nào?”, VECOM đặt vấn đề.
Mỗi sàn quản lý và vận hành có đặc thù riêng, nên trong một khoảng thời gian ngắn yêu cầu chuẩn hóa với tất cả các sàn theo Tổng cục Thuế có khả thi hay không? Đây là vấn đề mà đại diện các sàn TMĐT cũng đã có ý kiến mong muốn được giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn từ Tổng cục Thuế để tránh rủi ro thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định khác liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin.
Về lộ trình áp dụng quy định mới, VECOM cho hay, từ nay đến thời điểm Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực (ngày 1/08/2021) không còn nhiều, các sàn khó có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Do vậy, VECOM kiến nghị Tổng cục Thuế kéo dài thời gian chuẩn bị và nhất quán về lộ trình áp dụng, cách thức thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của quy định.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version