EVN đã nhận định, nhiều dự án điện gió chỉ đăng ký để “giữ chỗ”. Cũng theo ý kiến một số chuyên gia, mức công suất điện gió có thể vận hành trước 31/10 là hơn 5.600 MW như các chủ đầu tư đăng ký với EVN là không thực tế. Dự kiến, chỉ khoảng một nửa trong số đó có thể vận hành thương mại như kế hoạch đã định.
Lý do được các địa phương đưa ra là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới chậm tiến độ vì những khó khăn như hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường…
Như tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW. Trong số này, ghi nhận 6 dự án đang được địa phương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công, gồm điện gió Trà Vinh-Hàn Quốc (giai đoạn 1) công suất 48 MW, điện gió V1-2 (48 MW), điện gió số 3 tại vị trí V1-3 (48 MW), điện gió Duyên Hải (48 MW), điện gió Hiệp Thạnh (78 MW), điện gió Đông Hải 1 (100 MW).
Theo đánh giá tỉnh Trà vinh, thì nhiều dự án trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 31/10. Do đó, tỉnh này đã kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.
Tỉnh Sóc Trăng thì kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá FIT đến hết 31/3/2022. Địa phương này có 20 dự án điện gió (tổng công suất 1.435 MW) được duyệt vào quy hoạch và tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 16 dự án (tổng công suất khoảng 1.095 MW), trong đó 11 dự án đang thi công.
Gia Lai là địa phương kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất là đến hết 31/12/2021. Tính tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió, tổng công suất khoảng 1.242 MW, đã được duyệt vào quy hoạch.
NHAT TRUNG
Nguồn: bizlive.vn