Từng như thỏi nam châm hút vốn, vì sao khối ngoại lại liên tục bán ròng “viên kim cương” VNDiamond?

Rate this post

Khả năng tăng trưởng của các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong rổ VNDiamond bị ảnh hưởng đáng kể bởi làn sóng COVID bùng phát lần thứ 4.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND của VNDiamond bất ngờ bị bán ròng trong tháng 8

Sau khi bất ngờ mua ròng hơn 4.900 tỷ đồng trong tháng 7, khối ngoại đã bắt đầu trở lại xu hướng bán ròng thời gian gần đây. Tính đến hết phiên 20/8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9 phiên liên tiếp, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu tháng 8 lên đến 5.550 tỷ đồng.

Áp lực bán ròng của khối ngoại có một phần không nhỏ đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra khá mạnh trên các quỹ ETF, nổi bật là 3 quỹ ETF lớn nhất thị trường gồm Fubon FTSE Vietnam ETF, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF.

Bên cạnh cú “quay xe” bất ngờ của Fubon FTSE Vietnam ETF, “viên kim cương” DCVFM VNDiamond ETF cũng bất ngờ bị bán ròng ròng 419 tỷ đồng từ đầu tháng 8. Trước đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND của VNDiamond đã liên tục được mua ròng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021.

Số liệu tính đến hết ngày 20/8/2021

Trong danh mục VNDiamond, nhóm Ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (40,1%), tiếp theo sau lần lượt là Công nghệ (16,6%), Bán lẻ (14,8%) và Dệt may và thiết bị tiêu dùng (10%),… Các cổ phiếu thành phần trong các nhóm ngành trên như FPT, MWG, PNJ, TCB, VPB,…. đều đã tăng mạnh so với đầu năm dẫn đến áp lực chốt lời là không thể tránh khỏi.

Quá trình điều chỉnh của các cổ phiếu thành phần đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của quỹ. Trong tháng 7, VFMVN Diamond ETF cũng ghi nhận hiệu suất đầu tư âm gần 1%. Điều này phần nào ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của quỹ.

Tỷ trọng ngành và các cổ phiếu trong danh mục của VNDiamond cuối tháng 7/2021

Bên cạnh đó, khả năng tăng trưởng của các “viên kim cương” có tỷ trọng lớn trong rổ VNDiamond cũng bị đặt dấu hỏi lớn trong bối cảnh làn sóng COVID thứ 4 đang tác động tiêu cực đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp.

Trong nửa cuối tháng 7, chuỗi TGDĐ/ĐMX có gần 2.000 cửa hàng (chiếm khoảng 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng. Lợi nhuận tháng 7 của MWG giảm đến 29% so với cùng kỳ. MWG cho biết, nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh khó đạt được.

Trầm trọng hơn, PNJ thậm chí còn lỗ 32 tỷ đồng trong tháng 7. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc và TP.HCM và các tỉnh phía Nam bắt buộc phải kéo dài và nâng cao mức độ giãn cách xã hội, đến cuối tháng 7 PNJ đã tạm đóng 274 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội.

Trong khi đó, FPT vẫn ghi nhận tăng trưởng nhờ mảng dịch vụ IT (chuyển đổi số). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của 2 trụ cột còn lại là dịch vụ viễn thông và giáo dục đều có sự chững lại do các gián đoạn liên quan đến dịch COVID-19.

Khó khăn khiến hàng loạt doanh nghiệp trong các ngành trọng yếu đã cầu cứu Chính phủ, đề xuất ngân hàng giảm lãi suất. Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, các Ngân hàng thương mại cũng đã cam kết giảm lãi suất cho vay với hơn 24.000 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất cho vay được đánh giá sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Trong một báo cáo mới đây, Dragon Capital cho rằng quý 3 này, Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm do đây là quý phản ánh gần như mọi tác động tiêu cực của đại dịch COVID. Quỹ ngoại này dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể ở mức 3,7%.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version