T&T Group và mục tiêu làm chủ nguồn cung ứng điều thô trong nước

Rate this post
Năm 2019, T&T Group tham gia ngành điều bằng hợp đồng nhập khẩu 176.000 tấn điều thô ký với Chính phủ Tanzania. Đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới và cũng từ đó, T&T Group chính thức trở thành nhà nhập khẩu điều thô lớn nhất nước.
Ông Trương Sỹ Bá, Giám đốc Dự án kinh doanh Điều thuộc T&T Group
15 năm liên tiếp từ 2006, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến.
Tuy nhiên, sản lượng điều trong nước rất thấp, hàng chục năm qua, Việt Nam phải nhập khẩu điều thô trực tiếp từ các nước trên thế giới, hoặc nhập khẩu nội địa từ các công ty của nước ngoài như Ấn Độ, Singapore… đưa hàng vào Việt Nam.
Năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn điều thô, cộng với sản lượng trong nước khoảng 400.000 tấn, như vậy, riêng nước ta đã sử dụng đến 50% tổng sản lượng điều thô thế giới (khoảng 4 triệu tấn/năm).
Lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam cũng chiếm từ 70 đến 80% trong tổng sản lượng điều nhân cung cấp cho thế giới. Châu Phi, đặc biệt là các nước Tây Phi từ lâu là khu vực cung cấp nguồn nguyên liệu điều thô quan trọng nhất cho Việt Nam.
Từ một doanh nghiệp “ngoại đạo”, năm 2019, T&T Group tham gia ngành điều bằng hợp đồng nhập khẩu 176.000 tấn điều thô ký với Chính phủ Tanzania. Đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới và cũng từ đó, T&T Group chính thức trở thành nhà nhập khẩu điều thô lớn nhất nước.
Nhịp sống doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng với ông Trương Sỹ Bá, Giám đốc Dự án kinh doanh Điều thuộc T&T Group xoay quanh vấn đề trên.
Được biết cái khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi mua điều thô buộc phải trả trước đến 98% giá trị hợp đồng cho bên bán trong khi chưa biết chắn về chất lượng đơn hàng họ mua?
Các vấn đề tồn đọng của ngành điều lâu nay như việc doanh nghiệp nước ngoài bán điều thô cho các công ty trong nước yêu cầu phải thanh toán trước đến 98% giá trị đơn hàng, trong khi người mua Việt Nam chưa biết chắc chắn chất lượng hàng mua. Có thể có những lô hàng chất lượng rất xấu nhưng bên bán vẫn đóng container giao và người mua vẫn phải nhận, vì đã lỡ thanh toán đến 98% giá trị đơn hàng!
Theo hợp đồng, tiền thiệt hại chất lượng giảm sẽ được trừ vào 2% còn lại, nhưng tiền thiệt hại do chất lượng kém thường lớn hơn (khoảng 10%) số tiền 2% mà khách hàng được giữ lại. Câu chuyện đòi ngược đối tác nước ngoài do thiệt hại về chất lượng cực kỳ khó khăn và đã có nhiều doanh nghiệp đã kiện ra tòa nhưng cũng vẫn không đòi được!
Kể từ khi T&T tham gia vào thị trường điều thô, nhập từ nước ngoài và chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ đầu nguồn trước khi đem về Việt Nam. Vì vậy, người mua tại Việt Nam có thể đến tận kho ngoại quan xem hàng thấy chất lượng đảm bảo mới đồng ý mua và trả tiền.
Trong trường hợp nếu có xảy ra vấn đề về chất lượng thì việc giải quyết giữa hai bên cũng cực kỳ dễ dàng mà cũng không phải mất quá nhiều thời gian như nhập khẩu từ nước ngoài hay mua hàng C&F. Đặc biệt, T&T lại là một doanh nghiệp uy tín trong nước, coi trọng chữ tín trong cam kết sản phẩm.
Ông nhận định như thế nào về diễn biến thị trường điều thô trong nước và trên thế giới trong năm 2020?
Đầu năm năm 2020, xảy ra dịch Covid-19 khiến giá điều thô có lúc rớt rất sâu, giá nhập khẩu về Việt Nam dao động từ 820 – 850 USD/ tấn. Đây là mức giá thấp nhất lịch sử của ngành điều.
Nhiều người nghĩ rằng, dịch Covid-19 xảy ra khiến tiêu thụ nhân điều yếu đi nhưng thực tế không phải vậy, 6 tháng đầu năm xuất khẩu điều nhân của Việt Nam tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến nhu cầu điều thô để sản xuất điều nhân xuất khẩu tăng mạnh và đẩy giá điều thô tăng cao trong thời gian qua.
Qua đó cho thấy, giá điều thô rơi tự do là do yếu tố tâm lý lo ngại dịch Covid-19 thị trường thế giới sẽ giảm sức tiêu thụ điều nhân. Nhưng từ khi xuất hiện hợp đồng đình đám thứ hai của T&T mua 150.000 tấn với Chính phủ Bờ Biển Ngà (IVC), thông qua Liên Minh Các Hợp Tác Xã xuất khẩu Bờ Biển Ngà (GIE), sau hợp đồng mua 176.000 tấn đầu tiên thì thị trường điều thô đã bật tăng rất mạnh lên mức 1.200 USD/ tấn. Nhờ vậy các doanh nghiệp trong ngành điều ai đã mua được “sóng” giá thấp đều có lời.
Ông từng nói với các doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân là: “Khi chưa có nguồn điều thô trong tay thì đừng nên bán xa (bán tương lai), như vậy sẽ dễ mua rủi ro cho bản thân doanh nghiệp”. Ông có thể nói rõ hơn về lời khuyên này?
Trước tiên tôi xin nói tại sao tôi dùng từ bán tương lai, vì cách làm này dễ mang mua rủi ro cho chính mình. Bởi vì bán xa chính là lúc chúng ta chưa nhận định được tương lai giá điều thô sẽ ở mức nào mà chốt giá bán xa nhân điều như vậy, nếu may mắn giá điều thô trên thị trường sụt giảm thì có lời, vì thông thường tâm lý của những người bán xa là kỳ vọng giá điều thô sẽ xuống, nếu giá không xuống sẽ bị lỗ.
Do vậy, tôi khuyên mọi người khi nào nắm nguồn điều thô trong tay và tính được giá thành sản phẩm rồi hãy bán và bán gần thì sẽ ít rủi ro hơn. Vì từ khi có sự tham gia của T&T vào thị trường điều thô thì ít, nhiều giá điều thô trong nước cũng bình ổn hơn và có xu hướng tăng giá nhiều hơn. Đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi và đó là điều tôi muốn chia sẻ với các doanh nghiệp chế biến nhỏ lẻ.
Đối với một số doanh nghiệp, những nhà thầu, những nhà rang chiên lớn ký hợp đồng dài hạn thì họ phải tính toán làm sao để có giá bán phù hợp. Những doanh nghiệp lớn này đã có thời gian tích lũy nên tiềm lực kinh tế cũng đã mạnh, nếu nhỡ có vấn đề gì xảy ra thì họ vẫn trụ vững, còn đối với những những doanh nghiệp nhỏ là tiềm lực kinh tế hạn chế, bán tương lai xa sẽ rất rủi ro cho bản thân của doanh nghiệp.
T&T dự kiến sẽ nhập khẩu điều thô trong năm 2021 là bao nhiêu, bằng hay tăng cao hơn so với 2020?
Năm 2020, T&T có kế hoạch nhập khẩu 450 ngàn tấn điều thô, đến hết tháng 10 đã nhập được 353.000 tấn, chiếm 78% kế hoạch. Năm 2021, T&T sẽ nhập khẩu 600.000 tấn điều thô và chính thức tham gia thu mua điều thô nội địa của người nông dân trồng điều Việt Nam.
Chúng tôi tăng lượng nhập khẩu qua từng năm là nhằm giúp các doanh nghiệp chế biến nhân điều trong nước phát triển bền vững trong chuỗi giá trị ngành hạt điều toàn cầu, T&T Group cũng đang nỗ lực hết sức mình để ổn định giá điều thô trên thị trường và thiết lập giá giao dịch điều thô hợp lý.
Vì ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group đặc biệt mong muốn mua thật nhiều hàng nội địa Việt Nam cũng như trên thế giới để bình ổn giá thị trường, để không còn xảy ra câu chuyện “được mùa mất giá”, giúp ổn định thu nhập của người nông dân trồng điều Việt Nam, và góp phần làm ổn định hơn chuỗi giá trị sản xuất cung ứng ngành điều được bền vững và hiệu quả. Đó chính là cái tâm, cái tầm, cái đức và tâm nhìn của một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông sản.
Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version