Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp FDI được “xướng tên”

Rate this post
Trong số 100 doanh nghiệp phát triển bền vững, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp FDI như: Heineken, Nestlé, Lee&Man, Unilever, Coca-Cola Việt Nam…
Lễ công bố 100 doanh nghiệp phát triển bền vững
Trong số 100 doanh nghiệp phát triển bền vững mà Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa công bố, nhiều tên tuổi đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Cty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, Cty TNHH Nestlé Việt Nam, Cty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam,…
Theo VCCI, đây là những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp FDI, cũng có sự góp mặt của đại diện khối doanh nghiệp trong nước như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland, Bảo Việt,…
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Lễ công bố
Năm 2020, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động, CSI 2020 đã được nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.
Thông qua việc cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể hệ thống các thông tin về quản trị doanh nghiệp bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ, từ đó có thể cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp thì Bộ chỉ số CSI và Chương trình cũng nhận được sự ghi nhận to lớn của Chính phủ về tính hiệu quả và tác động tích cực trong việc thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp. Cụ thể, trong các chính sách quan trọng của Chính phủ về phát triển bền vững, như Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019, Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững Khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay gần đây nhất là Nghị quyết 136/NQ-TTg ngày 25/09/2020, đều được lồng ghép nội dung về tiếp tục thực hiện chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững và nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để CSI có thể thực sự đến gần hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp ở từng quy mô khác nhau, VCCI sẽ sớm nghiên cứu xây dựng thêm các phiên bản điều chỉnh của Bộ chỉ số CSI dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp lớn.
Trước bối cảnh nhiều cơ hội xen lẫn những khó khăn, thách thức, để tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, VCCI đã có đề xuất thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; nghiên cứu và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp; lan rộng Bộ chỉ số đến các doanh nghiệp trong mạng lưới đối tác.
Bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao, Heineken Việt Nam đại diện các doanh nghiệp chia sẻ tại Lễ trao giải
Mới chỉ 15% doanh nghiệp tiếp cận PTBV
Mặc dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp tiếp cận thông tin và chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo mô hình phát triển bền vững song một thực tế đáng báo động là mới chỉ 15% số doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 diễn ra cùng ngày, bà Bùi Thu Thuỷ, Cục Phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhìn vào thực tế cộng đồng doanh nghiệp Việt nam, việc ứng dụng mô hình kinh doanh bền vững mới chỉ tập trung ở 4-5% doanh nghiệp lớn và vừa.
Còn với doanh nghiệp nhỏ, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng vấn đề này rất xa vời và cho rằng đó là trách nghiệm của riêng Chính phủ.
Điều này cho thấy hầu hết doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững mới chỉ dừng lại ở doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn đa quốc gia chứ chưa phổ biến rộng rãi ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, việc lan toả thông tin về phát triển bền vững và chuyển thành hành động ngay trong cộng đồng doanh nghiệp đã là một thách thức rất lớn nhưng đây là việc phải làm.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần có hành lang pháp lý cụ thể cho vấn đề này.
“Những doanh nghiệp nào đi ngược phải bị xử lý, doanh nghiệp nào phát triển bền vững thì phải được hỗ trợ, tôn vinh”, Phó Thủ tướng nói.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version