Tổng giám đốc Buhler Việt Nam: Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng

Rate this post
Tập đoàn Buhler đặt mục tiêu Buhler Việt Nam phải trở thành một trong những trung tâm cho các hoạt động của khu vực Đông Nam Á.
Ông Phan Thanh Nhật, TGĐ công ty TNHH Buhler Việt Nam

Buhler hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1970 dưới hình thức văn phòng đại diện tại TP.HCM. Đến năm 2012, công ty này đã chính thức khai trương văn phòng bán hàng và dịch vụ, tích cực đóng góp một cách hiệu quả vào sự tăng trưởng của nền kinh tế bằng cách giới thiệu và mang lại các công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và vật liệu tiên tiến.

Ngoài ra, Buhler cũng đã tham gia vào một liên doanh với công ty địa phương và bắt đầu với công nghệ mới trong ngành chế biến gạo, một trong những trọng tâm chính của Chính phủ Việt Nam.

Ông Phan Thanh Nhật, Tổng giám đốc công ty TNHH Buhler Việt Nam cho biết, hiện Buhler đã xây dựng hoàn thiện bộ máy vận hành doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm tất cả các chức năng như: bán hàng, dịch vụ, kỹ thuật, quản lý dự án, R&D, công nghệ và một nhà máy rất hiện đại sản xuất ra các máy móc đạt chất lượng tương đương với các máy móc được sản xuất tại Châu Âu.

Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng và Buhler Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm cho các hoạt động của Đông Nam Á cho các doanh nghiệp. Trò chuyện với , ông Nhật chia sẻ, chúng tôi nhận thấy một tương lai tươi sáng cho Buhler tại Việt Nam.

Vì sao ông có đánh giá lạc quan trên?
Khu vực FDI đã trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, và doanh nghiệp FDI đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 thì hầu hết doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI bởi nguồn vốn gián đoạn, tác động từ các tập đoàn mẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Hầu hết các công ty đều bị ảnh hưởng ít nhiều, lớn nhỏ, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cơ cấu, tinh giản bộ máy nhân sự, cắt giảm chi phí… Cùng với đó là các đơn hàng lớn từ các quốc gia khác giảm mạnh khiến cho nguồn hàng trang thiết bị, linh kiện ảnh hưởng do chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện.
Tại Việt Nam, quốc gia điển hình thành công trong kiểm soát tốt dịch Covid-19. hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước có cơ hội hồi phục nhanh chóng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Trong 3 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Covid-19 ảnh hưởng ra sao tới hoạt động của Buhler, thưa ông?
Trên thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và Việt Nam đã làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư.
Buhler là công ty hoạt động trong ngành sản xuất máy móc, cung cấp các giải pháp công nghệ cho khách hàng nên không nằm ngoài tình trạng khó khăn chung, khi khách hàng của Buhler chủ yếu là các công ty sản xuất và chế biến nông sản sau thu hoạch hay các công ty sản xuất linh kiện, sản phẩm công nghệ chất lượng cao như kính cường lực, khuôn trục …
Khi buộc phải thu hẹp các dây chuyền sản xuất, tạm hoãn các dự án đầu tư xây dựng và lắp đặt các dây chuyền sản xuất mới, nhất là bộ phận trực tiếp sản xuất vì họ vẫn phải đi làm trong thời gian cách ly xã hội hoặc hạn chế do yếu tố công việc, không thể làm việc tại nhà cũng như đảm bảo về việc kết nối, trang thiết bị làm việc cho một bộ phận nhân viên làm việc tại nhà.
Ngoài ra, việc đưa các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam để hỗ trợ khách hàng cũng gặp khó khăn, do thời gian cách ly và chi phí tăng đã ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Việc cung cấp các linh kiện, máy móc cho các đơn hàng trong nước bị ảnh hưởng do vấn đề nhập khẩu và tình hình dịch ở các nước trong khu vực và Trung Quốc.
Kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc “vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế” giúp cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng an tâm khôi phục hoạt động nhanh chóng và tốt hơn ở nhiều quốc gia khác.
May mắn là đến nay mọi việc cũng qua, Buhler không phải cho một công nhân nào nghỉ việc vì Covid-19, không cắt giảm lương, đảm bảo các phúc lợi của người lao động.
Khó khăn nhất và những vấn đề Buhler quan tâm nhất hiện nay?
Nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, nhất là Hiệp định RCEP có hiệu lực trong thời gian tới, sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, đồng thời là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất nông sản tại Việt Nam.
Về lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cái nhìn tổng thể, toàn diện về chất lượng sản phẩm nông sản sạch và đầu tư dây chuyền trang thiết bị máy móc để đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu của các thị trường lớn trên thế giới, tạo lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường thế giới cho hàng hóa nông sản Việt Nam, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt nhất là mặt hàng lúa gạo. Và đây cũng là cơ hội thị trường cho Buhler, được tham gia vào những giá trị chuỗi này.
Chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ Việt Nam có các chính sách phù hợp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, để thu hút lao động địa phương quay trở lại Long An hoặc lao động từ các nơi khác tới tỉnh Long An, như Bình Dương, Đồng Nai, đặc biệt là công nhân hoặc thợ tay nghề cao, giúp các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, bắt kịp cơ hội hồi phục sau Covid-19.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version