CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) mới công bố tình hình kinh doanh tháng 8/2021 với doanh thu tháng 8 đạt 577,5 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020 (613 tỷ đồng). Luỹ kế 8 tháng, TNG đạt 3.544 tỷ doanh thu, tăng 16% so với 8 tháng đầu năm ngoái.
Trước đó, tháng 7, doanh thu và lợi nhuận của TNG cùng sụt giảm với mức giảm lần lượt 2% và 3% so với cùng kỳ. So với tháng 7/2021, doanh thu tháng 8 của TNG giảm 3%.
Tuy dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong tháng 8/2021 nhưng TNG cho biết vẫn tuy dụng thêm 600 lao động bổ sung kịp thời cho các nhà máy mới thành lập đồng thời tăng năng lực sản xuất cho toàn công ty.
Giá cước vận chuyển tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến TNG do công ty chủ yếu xuất FOB và các nhãn hàng chủ động việc thuê tàu, chịu cước phí vận chuyển. Tuy nhiên, sự thiếu hụt container nên các nhãn thời trang lớn ở nước ngoài bị ảnh hưởng, khó thuê tàu, có tác động đến giao hàng của TNG.
Mặt khác, các nhà máy dệt may tại Đồng Nai, Đà Nẵng, TP.HCM hiện đã giảm phần lớn công suất hoặc đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch nên các hãng đã chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may phía Bắc trong đó có TNG.
Năm 2021, TNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tương ứng tăng 7% và 14% so với thực hiện năm 2020.
Mới đây, HĐQT TNG đã thông qua nghị quyết về việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ nhận về 8 cổ phiếu mới, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3, 4/2021. Với hơn 79,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến TNG sẽ phát hành mới gần 6,4 triệu cổ phiếu mới.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDIRECT dẫn thông tin của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức do thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vắc xin cho ngành dệt may vẫn thấp. Với kịch bản tích cực COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ, hoàn thành 84% kế hoạch của Chính phủ Việt Nam cho năm 2021 (39 tỷ USD).
VNDIRECT trong báo cáo của mình cho rằng, TNG cùng với 2 doanh nghiệp khác là MSH, GIL có thể là những doanh nghiệp hưởng lợi nhất vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế, những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại. Ước tính của VNDIRECT, sự gián đoạn nguồn cung ở thị trường Ấn Độ và Myanmar sẽ đóng góp lần lượt 20% và 15% vào doanh thu của TNG và MSH trong năm 2021.
CẨM THẠCH
Nguồn: bizlive.vn