TISCO, ám ảnh mang tên dự án mở rộng hàng nghìn tỷ đồng rỉ sét

Rate this post
Quý 3/2020 TISCO đạt mức lợi nhuận chỉ vừa vặn thoát lỗ với 415 triệu đồng sau thuế, 9 tháng đầu năm lãi 16 tỷ đồng và dự kiến hết năm 2020 lợi nhuận trước thuế có thể đạt được là 32,8 tỷ đồng.
năm 2020 lãi trước thuế gần 33 tỷ đồng

Nhờ những yếu tố hỗ trợ thuận lợi từ vĩ mô, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng khởi sắc trong quý 3/2020 và 9 tháng đầu năm 2020. Trong khi POM là trường hợp duy nhất còn lỗ, mặc dù khoản lỗ đã được thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ năm trước thì CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã TIS) cũng vừa vặn thoát lỗ với khoản lợi nhuận sau thuế 415 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu thuần TISCO đạt 7.009 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 60% xuống còn 16 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 14,5 tỷ đồng.

Báo cáo cũng ghi nhận, chi phí xây dựng dở dang của TISCO “chôn” tại dự án cải tạo mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2 là 5.580 tỷ đồng, chiếm hầu hết tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TISCO.

Thông tin mới nhất từ TISCO cho biết, dự kiến năm 2020, TISCO đạt doanh thu 13.105 tỷ đồng, đạt 97% so với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ sau khi đã điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để sát với tình hình thực tế và lợi nhuận trước thuế là 32,8 tỷ đồng.

Năm 2021, ban lãnh đạo TISCO nhận định, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trước áp lực cạnh tranh ngành hết sức gay gắt do khoảng cách chênh lệch cung cầu ngày càng lớn, các dây chuyền sản xuất thép xây dựng có công suất lớn, đầu tư hiện đại đã đi vào hoạt động khiến cho nguồn cung dồi dào, với giá cạnh tranh. Do đó, TISCO đặt mục tiêu tổng doanh thu 12.989 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2020, lợi nhuận 38,9 tỷ đồng.

19 bị can bị đề nghị truy tố, thất thoát hơn 830 tỷ đồng

Với TISCO câu chuyện về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên đã “đeo bám”, ám ảnh doanh nghiệp này trong thời gian dài. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ở dự án này và một số đơn vị có liên quan. Đồng thời, chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 19 bị can.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên được khởi công từ tháng 9/2007, đầu tư, xây dựng dở dang, dừng thi công từ quý I/2013 có tổng mức đầu tư tăng cao (từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104,9 tỷ đồng); gặp khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng; Hợp đồng EPC giữa TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được; Tổng công ty Thép Việt Nam phải bảo lãnh đối với khoản vay của TISCO cho Dự án, Ngân hàng Vietinbank từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với khoản vay này.

Đến hết năm 2019, theo báo cáo tài chính trước kiểm toán vốn chủ sở hữu là 1.890 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.097 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.133 tỷ đồng, lãi 52 tỷ đồng.

Trong báo cáo tổng kết kết quả xử lý tồn tại yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương được Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 5/2020, liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, báo cáo cho biết, do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất, kinh doanh của TISCO ngày một giảm dần.

Dự án đã tăng vốn hơn 110% nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ 9 năm 6 tháng, do đó Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại trong vụ án này là hơn 830 tỷ đồng.

Theo đề án 1468 có 3 Phương án xử lý được đề ra là: (1) Bán dự án, (2) Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án, (3) Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu TISCO, ưu tiên lựa chọn Phương án 3 (thoái vốn nhà nước, tái cơ cấu TISCO). Tuy nhiên, do vướng mắc với nhà Tổng thầu MCC của Trung Quốc, tranh chấp hợp đồng EPC vẫn chưa được giải quyết, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã từ chối giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam cho TISCO tại ngân hàng này.

Trong bản kết luận điều tra được ban hành bởi Thanh tra Chính phủ tháng 2/2019 từng chỉ ra, bản hợp đồng giữa TISCO và MCC có hiệu lực từ tháng 9/2007 tuy nhiên, sau 18 tháng MCC không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và bản kế hoạch tổng tiến độ V2.0-20080220 ngày 20/10/2008 của MCC (sau đó ký nhiều phụ lục giãn tiến độ): chậm bàn giao thiết kế cơ sở cả 7 hạng mục thuộc phần E từ 1 tháng đến 4 tháng; chậm bàn giao thiết bị cả 7 hạng mục thuộc phần P từ 25 tháng đến 45 tháng; chuyển đổi một số nội dung công việc của phần P sang phần C (theo báo cáo ban đầu của TISCO, giá trị trên 50 tỷ đồng), hưởng phí quản lý phần C không đúng.

Cung cấp nhiều máy móc, thiết bị có giá trị lớn nhưng sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật, không chuyển tên đơn vị hưởng bảo lãnh hợp đồng… chưa hoàn trả TISCO tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, chi phí tiếp nhận, bảo quản trông coi thiết bị và giá trị thiết bị rỉ sét là vi phạm hợp đồng EPC, quy định pháp luật về đầu tư, Điều 22 Nghị định 209 về tiêu chuẩn quản lý chất lượng hàng hoá…

Thời điểm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chỉ đạo TISCO, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) rà soát lại toàn bộ các Hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký với MCC, thực tế triển khai, làm rõ căn cứ pháp lý, trách nhiệm của các bên, khả năng khởi kiện MCC, đề xuất giải pháp tổng thể dự án sau thanh tra.

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version