Tình trạng thiếu container rỗng và cước phí cao còn kéo dài hết quý I/2021

Rate this post
Các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ bằng mọi giá đã gây tâm lý căng thẳng, thúc ép các doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận chi phí cao để xuất được hàng.
Ảnh minh họa.
VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cần lên kịch bản ứng phó với tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước tăng cao được dự báo là sẽ kéo dài đến tháng 2-3/2021.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tình trạng thiếu container rỗng và cước phí cao đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản.
VASEP cho hay, việc gián đoạn nguồn cung và tồn kho thấp, khả năng vận chuyển hàng hoá có thể bị gián đoạn bất kỳ khi nào khiến các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ bằng mọi giá đã gây tâm lý căng thẳng, thúc ép các doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận chi phí cao để xuất được hàng.
Mặt khác, năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương lý giải, vào thời điểm cuối năm, ngành nông sản, thuỷ sản đang vào mùa cao điểm giao dịch (kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau) nên lượng hàng xuất khẩu rất lớn.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, đã sẵn sàng giao hàng nhưng phải chờ hãng tàu thông báo tập kết khiến thời gian giao hàng bình quân chậm khoảng 7-10 ngày. Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ngoài cước phí đang phải trả cao gấp đôi so với thông thường, các hãng còn phải trả thêm phụ phí mùa cao điểm để được xuất khẩu ngay.
Do tác động của dịch Covid-19, nhiều quốc gia giãn cách xã hội khiến năng lực xử lý hàng của các cảng ở Châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm, nhiều hãng tàu cắt chuyến gây nên sự thiếu thụt chuyến và chỗ trở hàng.
Trong khi, Châu Âu và Bắc Mỹ lại tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam do năng lực sản xuất của khu vực Mỹ Latinh, Đông Âu và Nam Á giảm sút.
Việc container rỗng tồn đọng tại Bắc Mỹ và Châu Âu trong khi thiếu hụt tại Trung Quốc và Đông Á khiến giá thuê container bị đẩy lên cao. Việc này đang gây tác động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Mặc dù, việc tăng cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam áp dụng phương thức “bán FOB” nhưng việc hàng hoá phải lưu kho chờ xuất khấu gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, chi phí lưu kho bãi bị đội lên từ 5-10% lô hàng.
Còn với doanh nghiệp “bán C&F” hoặc “bán CIF” thì việc phải trả thêm từ vài trăm cho đến hàng nghìn USD/cont làm chi phí xuất khẩu gia tăng đột biến, các khoản chi này không được dự tính trước và tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại, thua lỗ.
Việc tăng giá cước thuê tàu cũng gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng như phí xếp dỡ, phí mất cân bằng container, phụ phí mùa cao điểm,…
Để giải quyết tình trạng này, mới đây Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cũng gửi công văn hoả tốc tới các hãng tàu vận tải biển container đề nghị các hãng tàu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc thực hiện việc niêm yết giá theo Nghị định 146/2016/NĐ-CP, cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển.
Đồng thời, các hãng tàu biển phải có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong giai đoạn cao điểm như hiện nay.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các hãng tàu công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Cũng như giám sát, điều hành không để cá nhận lợi dụng trực lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version