“Thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ, sôi động nhất trong nền kinh tế số”

Rate this post
Xu hướng đó thể hiện rõ trong bối cảnh các thị trường chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, và ngay cả sau khi dịch kết thúc…
giao dịch thương mại điện tử tăng mạnh

Đầu năm 2020, thế giới đã phải đối mặt với cú sốc chưa từng có mang tên Covid-19. Đại dịch trên phạm vi toàn cầu này đã gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh đặc thù ấy, các kênh bán hàng trực tuyến đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo mới đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay: “Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Tại hội thảo “Thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon – Cơ hội xuất khẩu cho Doanh nghiệp Việt” do Sở Công thương Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Hiệp hội DNNVV Hà Nội, Amazon Global Selling, Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng SHB phối hợp tổ chức sáng nay (3/11), ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam dẫn chứng báo cáo của McKinsey & Company cho biết, tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng tới 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ.
“Hơn thế nữa, trong một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc”, ông Thủy cho biết.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng cho rằng, mặc dù hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất – kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn.
“Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam”, bà Lan nói.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội dẫn chứng thêm, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử đã tăng từ 10% – 30%, có đơn vị tăng tới 50%; doanh thu bán lẻ trong thương mại điện tử của thành phố Hà Nội đang chiếm 8% trong tổng mức doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Chỉ số phát triển thương mại điện tử của Hà Nội và TP.HCM luôn là 2 thành phố dẫn đầu cả nước…
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Rõ ràng, nhu cầu của thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, khi thói quen tiêu dùng của người dân toàn cầu đang thay đổi rất lớn do đại dịch Covid-19.
Chính phủ Việt Nam cũng đang đưa ra nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và thương mại điện tử là kênh hữu hiện nhất để tiếp cận thị trường quốc tế.
Theo Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, đây là cơ hội cho tất cả mọi người, hoàn toàn có thể làm được, nhưng đồng thời, cũng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề.
“Khi làm việc với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp chưa có nhiều kiến thức nhiều về xuất khẩu thực tế, về nhu cầu của khách hàng”, ông Thủy nói.
Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, hiện Amazon đang cung cấp nhiều công cụ giúp doanh nghiệp có thể phân tích, tìm hiểu xu thế tiêu dùng, nên sử dụng sản phẩm nào, cần thay đổi, điều chỉnh gì để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhắm tới.
Theo ông Thủy, việc lựa chọn, tìm kiếm sản phẩm phù hợp là yếu tố cốt lõi để thành công.
Bên cạnh đó, bán hàng qua thương mại điện tử tương đối khác với môi trường bán hàng truyền thống, tất cả đều online, tuy nhiên, sản phẩm đến tay khách hàng là thật, việc chuẩn bị hình ảnh, chất lượng sản phẩm thật tốt là rất quan trọng.
Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho rằng, khi doanh nghiệp quyết tâm vào một thị trường mới thì cần có kế hoạch kinh doanh đầy đủ, có chiến lược phù hợp khi đưa sản phẩm vào thị trường.
Về phía cơ quan quản lý, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện Sở Công thương Hà Nội cũng đưa ra các phương hướng triển khai và nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tự tin tham gia vào sân chơi mới mẻ này như tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo, hội nghị, mở rộng thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Cùng đó, các đầu mối chức năng đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistic phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử; phối hợp với Google, Alibaba, Amazon và các sàn thương mại điện tử lớn tổ chức hội nghị kết nối về thương mại điện tử, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu…
Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển lâu năm tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Quang Vinh – CEO T&T Hoa Kỳ (chi nhánh của Tập đoàn T&T Group tại Hoa Kỳ) chia sẻ, hiện nay, khi gặp sự cố tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, khi hàng đã sang tới Hoa Kỳ thì chỉ có những đơn vị có công ty, chi nhánh tại Hoa Kỳ mới có thể hỗ trợ được.
Theo đó, ông Vinh cho biết, với những kinh nghiệm cũng như am hiểu sâu sắc về thị trường, T&T Hoa Kỳ muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận thị trường lớn đầy tiềm năng này.
“Trước mắt, T&T Hoa Kỳ sẽ cung cấp gói tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp để giải quyết sự cố khi lưu kho theo hình thức FBA (Hoàn thiện đơn hàng của Amazon); đồng thời, tư vấn miễn phí về nghiên cứu thị trường trong 1 năm đầu tiên, hỗ trợ miễn phí kết nối với các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ, nhà cung cấp, luật sư quốc tế, vận chuyển, môi giới hải quan và giảm 50% phí tư vấn thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2021”, ông Vinh cho biết.
Trong khi đó, ngân hàng SHB – ngân hàng đầu tiên hợp tác cùng Amazon Global Selling tại Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ gói tín dụng 3000 tỷ với lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon.
Được biết, hiện Amazon đang vận hành tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ với hơn 300 triệu tài khoản khách hàng. Theo đó, khi tham gia vào sân chơi này, doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ được hưởng lợi khi có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu.

LINH LINH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version