Thời điểm vàng để người Việt khám phá vẻ đẹp Việt

Rate this post

Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19. Đây là thời điểm phù hợp nhất để ngành du lịch tận dụng cơ hội phát triển du lịch nội địa, hình thành thói quen, sản phẩm tốt cho cả những năm tiếp theo.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo “Thời điểm vàng để khám phá vẻ đẹp Việt Nam” diễn ra tại FLC Sầm Sơn chiều 16/5
Phát biểu tại Hội thảo “Thời điểm vàng để khám phá vẻ đẹp Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Lê Quang Tùng cho biết, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18,5 triệu lượt, trên tổng doanh thu, du lịch nội địa chỉ chiếm 45%, còn lại là từ khách quốc tế.
Tuy nhiên, người Việt Nam cũng có xu hướng đi du lịch nước ngoài và chi tiêu rất nhiều. Đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng thị trường du lịch nội địa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Lê Quang Tùng nêu các hạn chế và cách khắc phục cho du lịch nội địa trong thời gian khó khăn
Hiện có ba chính sách hỗ trợ tiền tệ, tài khoá và hỗ trợ người lao động, trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách cho người lao động mất việc làm tạm thời, triển khai còn gặp khó khăn.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những chính sách tiền tệ, tài khoá (miễn giảm thuế, thuế đất…) làm sao triển khai hiệu quả. Trước đó, chúng tôi báo cáo Thủ tướng các chính sách chỉ tương đối, do đó thời gian tới cần tập hợp các chính sách”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết.
Ông Tùng cũng chỉ ra hai vấn đề lớn là du lịch an toàn và làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Do đó, từ hệ thống chính quyền địa phương đến các doanh nghiệp cần kích cầu tiêu dùng nội địa, cần tính đến các biện pháp cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa…
Đặc biệt, làm du lịch phải có liên kết. Nếu không có chia sẻ với nhau như hàng không không chia sẻ với khách sạn, nhà hàng thì sẽ sụp đổ rất nhanh chóng.
“Nhưng điều may mắn là trong đại dịch, chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau những rủi ro, không may… Chúng tôi mong muốn sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương với các bộ ban ngành để những chính sách được triển khai chặt chẽ hơn”, ông Tùng nói.
Tiếp đó, các địa phương thực hiện các kế hoạch phục hồi như Quảng Ninh, Huế… đều triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Chúng ta cần đánh giá cụ thể trước khi báo cáo chính phủ. Nếu không chia sẻ với các doanh nghiệp, chúng ta sẽ sụp đổ nhanh chóng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways
Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu
Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Bamboo Airways nhấn mạnh, bản thân người làm du lịch cũng chưa muốn khách nước ngoài đến Việt Nam do dịch bệnh còn chưa được kiểm soát. Chỉ cần vài ba trường hợp, mọi thành quả đều trở về số 0.
“Thà rằng như thế còn hơn không phục vụ được khách trong nước”, ông Quyết nói.
Ngành du lịch cần cố gắng tận dụng thời điểm vàng này để người dân Việt Nam đi du lịch Việt Nam và khi đã hình thành thói quen cho du khách thì nhu cầu này sẽ được nhân lên trong những năm tiếp theo.
“Cá nhân tôi dù đã đi rất nhiều nước, nhưng nhìn lại thì yêu nhất, thích nhất vẫn là đi du lịch tại Việt Nam. Cảnh sắc, dịch vụ du lịch của Việt Nam hơn hẳn rất nhiều quốc gia khác, chỉ có điều cách tiếp cận và quảng bá của chúng ta còn chưa thực sự tốt”, ông Quyết khẳng định.
Để buổi thảo luận thực sự trở thành một khẩu hiệu giúp ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Quyết cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí hãy hỗ trợ ngành du lịch không những vượt qua khủng hoảng sau dịch…
“Mỗi một cây bút có thể viết về một địa danh du lịch nào đó, mỗi một bài báo, một cây bút sẽ tạo được hàng trăm, hàng nghìn công ăn việc làm cho địa phương đó”, ông Quyết nhấn mạnh.
FLC và Vinpearl rất được du khách yêu thích
Phân tích về tâm lý thị trường khách nội địa, ông Nguyễn Trung Công – Giám đốc điều hành iVIVU cho biết, FLC và Vinpearl là hai doanh nghiệp được rất nhiều du khách yêu thích trong năm vừa rồi.
Bên cạnh đó, du khách có thể nhìn thấy sự cải tiến lớn của nhiều doanh nghiệp du lịch sau thời gian giãn cách xã hội. Các thương hiệu mang chuẩn mực dịch vụ quốc tế như Novotel, Movenpick, Melia… chuyển hướng phục vụ khách Việt nhiều hơn khách nước ngoài. Bên cạnh đó, không ít đơn vị hình thành phong cách riêng như phong cách cổ điển như The Anam, Victoria, Anantara… Hay các thương hiệu sang trọng cũng xuất hiện nhiều tại Việt Nam.
Hiện nay, các bạn trẻ còn có xu hướng tìm tới homestay, quán cà phê… Những loại hình này không đòi hỏi đầu tư nhiều, mà cần sự sáng tạo. iVIVU đóng vai trò nền tảng kết nối nhà cung cấp với khách hàng, hoạt động với mô hình combo du lịch, được nhiều người quan tâm tới.
Những combo du lịch tiêu biểu được khách hàng yêu thích trong thời gian hiện là Combo vé máy bay – khách sạn – đưa đón sân bay, combo vé máy bay – vui chơi – ăn các bữa trong ngày… với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhiều sản phẩm tour dành cho khách Tây giờ được nhiều du khách Việt lựa chọn như: Hành trình 4 ngày 3 đêm ngược dòng Mekong trên du thuyền sang trọng Victoria Mekong, Hot combo 3 ngày 2 đêm trên du thuyền vintage Emeraude Classic và FLC Hạ Long Luxury Resort…
Đây là thời điểm vàng khám phá du lịch Việt Nam vì dải đất hình chữ S kiểm soát tốt dịch bệnh; nhiều tour, combo du lịch giá tốt chưa từng có; thời tiết thuận lợi; thiên nhiên trở nên trong lành và sạch sẽ hơn, đa dạng các loại hình du lịch.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version