Thoái vốn tại Sabeco, VEAM: Không cần nhanh mà phải đúng thời điểm lợi ích cao nhất

Rate this post
Mặc dù nhiều doanh nghiệp, trong đó có Sabeco, VEAM có tiến độ thoái vốn bàn giao về SCIC còn rất chậm nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VGP
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tiến độ thoái vốn bàn giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cùng Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn quan tâm thực hiện các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về thoái vốn cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước trong thẩm quyền của bộ, trong đó có các doanh nghiệp như Sabeco, VEAM…
Đối với Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp này đã có một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% số vốn Nhà nước, số tiền thu được khoảng hơn 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. “Đây là thương vụ được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, nếu không nói là thiệt”, ông nói.
Hiện, tại Sabeco Nhà nước còn 36% vốn. Tuần trước, Bộ Công Thương đã bàn giao số vốn còn lại 36% này cho tương đương 2.308 tỷ đồng để SCIC tiếp nhận làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, tiếp tục thực hiện thoái vốn.
“Quan điểm là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Còn đối với VEAM, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, doanh nghiệp này có đặc thù ngoài lĩnh vực kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính là các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh chỉ chiếm 7% nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM.
Do đó, nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7.000 tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 5 năm lợi nhuận).
“Bộ Công Thương dù trước đó đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, khi Thủ tướng đồng ý mới thoái vốn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết và tái khẳng định “Bộ Công Thương quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước”.
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về NSNN để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50.000 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào NSNN. Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, đã có 211.500 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ vào NSNN, đạt 85% kế hoạch. Như vậy, trong năm 2020, số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng.
Trong năm 2020, số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng.
Dự kiến, trong trường hợp thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP trong quý III/2020 thì nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 là 42.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn khá chậm trong giai đoạn 2016-2019 và 8 tháng đầu năm 2020 khiến việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 4 tháng còn lại năm 2020 khó khả thi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch chuyển từ Quỹ về NSNN.

HOÀNG HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version