Thị trường chứng khoán thăng hoa, doanh nghiệp “ồ ạt” bán cổ phiếu quỹ

Rate this post

Nhiều tên tuổi như Petrolimex, Vinhomes, VPBank, Sacombank, TPBank, Vietjet,… đồng loạt đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu quỹ đang nắm giữ.

Nguồn cung lớn từ việc bán cổ phiếu quỹ có thể tạo ra áp lực lên diễn biến cổ phiếu trong ngắn hạn

Thị trường chứng khoán thăng hoa cùng sự sôi động chưa từng có tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai phương án bán cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn kể từ khi thị trường lên đỉnh vào cuối tháng 6. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Petrolimex, Vinhomes, VPBank, Sacombank, TPBank, Vietjet,… đều đồng loạt đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu quỹ đang nắm giữ.

Thương vụ bán cổ phiếu quỹ có giá trị lớn nhất từ đầu năm thuộc về Vinhomes (mã VHM) khi doanh nghiệp này hoàn tất bán toàn bộ 60 triệu cổ phiếu đăng ký trước đó với giá bán bình quân 108.637 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền thu về lên đến 6.518 tỷ đồng. Lô cổ phiếu trên có giá trị ghi sổ 5.550 tỷ đồng. Như vậy, Vinhomes lãi gần 1.000 tỷ đồng thương vụ này, ghi nhận vào thặng dư vốn cổ phần.

Trong một diễn biến khác, Vingroup mới đây đã đăng ký bán ra gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng 3% vốn điều lệ Vinhomes từ ngày 19/8 – 17/9/2021. Nối gót Vingroup, quỹ ngoại Viking Asia Holdings II Pte. Ltd thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) cũng đăng ký bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM trong cùng khoảng thời gian. Ước tính, Vingroup có thể thu về trên dưới 12.000 tỷ đồng trong khi Viking Asia Holdings sẽ “bỏ túi” khoảng 3.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tích cực bán cổ phiếu quỹ nhất từ đầu năm là Petrolimex (mã PLX) nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển. Theo đó, Petrolimex đã bán tổng cộng 50 triệu cổ phiếu quỹ theo 2 đợt (từ 1/3 – 30/3 và từ 25/4 – 22/6), mỗi đợt 25 triệu đơn vị. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu quỹ của Petrolimex còn lại 25,06 triệu đơn vị.

Mới đây nhất, Petrolimex lại tiếp tục đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu quỹ từ 6/8 – 3/9/2021. Ngay sau đó, cổ đông chiến lược ENEOS Corporation đã đăng ký mua vào đúng lượng cổ phiếu trên trong cùng khoảng thời gian. Trước đó, toàn bộ số cổ phiếu quỹ do Petrolimex bán ra từ đầu năm đều đã được cổ đông đến từ Nhật mua vào.

Hiện ENEOS Corporation đang sở hữu 63 triệu cổ phiếu PLX (tỷ lệ 4,87%) trong khi một thành viên khác của tập đoàn này là JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam cũng đang sở hữu hơn 103 triệu cổ phiếu PLX (tỷ lệ 8%). Được biết, “Đại gia” xăng dầu Nhật Bản từng chia sẻ kế hoạch nắm giữ 20% cổ phần tại Petrolimex.

Số lượng cổ phiếu quỹ bán ra lớn nhất thuộc về Sacombank (mã STB) khi nhà băng này bán toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ) từ 1/7 – 30/7/2021. Số tiền thu về hơn 2.438 tỷ đồng tương đương mức thặng dư vốn Sacombank có được lên đến 1.684 tỷ đồng. Sau khi thương vụ thành công, Sacombank đã hoàn tất thêm một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu Ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Một ngân hàng khác là TPBank (mã TPB) cũng đã bán toàn bộ hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 3,73% vốn điều lệ) từ 28/4 – 18/5/2021. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với giá bán bình quân 28.406 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền thu về hơn 1.113 tỷ đồng.

Mới đây nhất, VPBank (mã VPB) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt phương án chào bán 15 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được dự kiến là 150 tỷ đồng sẽ được VPBank sử dụng để bổ sung vốn cho các hoạt động cho vay. Trước khi chào bán, nhà băng này nắm giữ hơn 75 triệu cổ phiếu quỹ.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ 30/3 – 22/4/2021, Vietjet (mã VJC) đã bán thành công toàn bộ 17,77 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn với giá bán bình quân là 132.248 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị thu về hơn 2.350 tỷ đồng.

Một cái tên thu về thặng dư lớn từ bán cổ phiếu quỹ là Thép Nam Kim (mã NKG). Từ 22/6 – 5/7/2021, doanh nghiệp này đã bán toàn bộ 10 cổ phiếu quỹ với giá bán bình quân 34.080 đồng/cổ phiếu tương ứng thu về 341 tỷ đồng. Được biết, số cổ phiếu quỹ này được Thép Nam Kim mua vào từ tháng 06/2020 với tổng giá trị ghi sổ 78 tỷ đồng.

Nhằm tăng cường dòng tiền, Tài chính Hoàng Huy (mã TCH) cũng đã bán ra toàn bộ 9,7 triệu cổ phiếu quỹ từ 19/5 – 2/6/2021. Giá bán bình quân 23.042 đồng/cổ phiếu, tương ứng thu về được hơn 224 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2021 – 2022 (từ 1/4 – 30/6/2021), dòng tiền kinh doanh của TCH âm đến hơn 147 tỷ đồng.

Ngoài những cái tên kể trên, còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang triển khai bán cổ phiếu quỹ như Chứng khoán SSI (mã SSI), Petrosetco (mã PET), Mía đường Lam Sơn (mã LSS), Cao su Đồng Phú (mã DPR), Đạt Phương (mã DPG), Phú Tài (mã PTB),…

Làn sóng “ồ ạt” bán cổ phiếu quỹ ra thị trường của các doanh nghiệp thời gian gần đây sẽ mang về lượng vốn cần thiết để bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Trong dài hạn, điều này có thể mang lại lợi ích tích cực cho doanh nghiệp. Mặt khác, nguồn cung lớn từ việc bán cổ phiếu quỹ bên cạnh các hoạt động tăng vốn thông qua phát hành thêm sẽ tạo ra áp lực lên diễn biến cổ phiếu trong ngắn hạn.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version