Thế Giới Di Động và nhiều quyết định gây bức xúc giữa đại dịch

Rate this post
Thế Giới Di Động đã đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng của đối tác, bán giá hàng hoá cao hơn giá niêm yết giữa dịch bệnh, giảm tỷ lệ chia cổ tức trong khi không thay đổi chính sách ESOP….
Lãnh đạo MWG từng cho biết, tiền thuê mặt bằng là “biến động”, không phải “chi phí cố định”, MWG đã lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê
Đơn phương giảm giá thuê mặt bằng, giảm cổ tức nhưng giữ nguyên ESOP

Như đã đưa tin, một đối tác cho Thế Giới Di Động (mã MWG) thuê mặt bằng tại Bình Định mới đây đã có công văn phúc đáp công văn của Thế Giới Di Động về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tại công văn này, chủ thuê mặt bằng cho biết, không đồng ý với những công văn được gửi bởi MWG về việc điều chỉnh giảm trừ thanh toán chi phí mặt bằng liên quan đến dịch, cụ thể không đồng ý giảm giá thuê mặt bằng theo Hợp đồng đã ký ngày 16/1/2020.

Dù biết đại dịch COVID-19 diễn ra ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp tuy nhiên không phải vì vậy mà Thế Giới Di Động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm mà không quan tâm đến ý kiến người cho thuê nhà.

Vị này cũng cho biết, nếu Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản đã ký ngày 16/1/2020 ông sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.

Cũng theo vị này, giá thuê mặt bằng được nêu rõ tại Điều 4 của hợp đồng và Điều 9 Cam đoan của các bên “không có điều khoản nào nêu rõ việc Thế Giới Di Động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng” khi xảy ra dịch COVID-19 tại An Nhơn và chưa có sự đồng ý của người cho thuê mặt bằng.

Trước đó, Thế Giới Di Động từng có công văn gửi đối tác đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng thậm chí không tính tiền thuê và thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa, áp dụng từ 1/1 đến 1/8/2021 và tiếp tục áp dụng cho đến khi hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Việc miễn, giảm tiền thuê mặt bằng là một trong những phương án nhằm bảo vệ dòng tiền của MWG khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Tại sự kiện Shark Tank Forum diễn ra tháng 11/2020, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG từng cho biết, tiền thuê mặt bằng chính là chi phí cố định, không thay đổi được. Thế Giới Di Động nói cố định nhưng theo ông nó là “biến động”. “Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê”, ông Tài từng chia sẻ. Thời điểm này, Việt Nam cũng đã trải qua thời gian giãn cách tương đối dài vì dịch bệnh bùng phát năm 2020 và không có quá nhiều lùm xùm cũng như phản ứng gay gắt từ phía chủ cho thuê mặt bằng.

Ông Tài cũng cho biết: “Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?”.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra gần như cả quý 3/2021, MWG đã tạm đóng cửa hoặc hạn chế 70% tổng số điểm bán TGDĐ/ĐMX trên toàn quốc và 50% tổng số cửa hàng BHX tại TP.HCM, một số tỉnh phía Nam không phục vụ khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi.

Trong khi thông điệp truyền đến các đối tác cho thuê mặt bằng, ông Tài từng nói: “Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ”, trước đó, tại ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 6/2020 khi cổ đông đặt câu hỏi về chính sách ESOP, ông Tài nói “Nếu quý cổ đông cảm thấy bực bội với chính sách ESOP này thì cân nhắc việc nên tiếp tục đầu tư vào MWG hay đầu tư vào 1 cổ phiếu khác mang lại cho cổ đông cả tiền và niềm vui”.

Cũng theo ông Tài, ESOP là một yếu tố quan trọng sống còn và là bí kíp cho sự phát triển của MWG. MWG chưa thấy có gì khác có thể thay thế hoàn hảo ESOP nên ESOP sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới.

ĐHĐCĐ năm 2021, MWG duy trì chính sách ESOP với tỷ lệ phát hành 2,2% giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá thời điểm này là 130.000 đồng/cổ phiếu tương đương giá thị trường 1.300 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với số tiền cán bộ nhân viên của MWG phải chi ra để sở hữu số cổ phiếu 10,25 triệu cổ phiếu.

Để “ưu tiên đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh”, MWG đã giảm tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt tuy nhiên, MWG quyết định vẫn giữ nguyên chính sách ESOP.

Việc giảm tỷ lệ chia cổ tức được quyết định từ 10% về 5% (tương đương 01 cổ phiếu nhận 500 đồng). Với số lượng cổ phiếu lưu hành MWG dự kiến chi trả khoảng 237,6 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức lần này.

Điểm tích cực trong kết quả kinh doanh của MWG là MWG vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ trong bối cảnh một số doanh nghiệp cùng ngành ghi nhận lợi nhuận âm.

Giữa dịch bệnh Bách Hoá Xanh bán giá cao hơn giá niêm yết

Thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam, một số cửa hàng Bách Hoá Xanh, thành viên của Thế Giới Di Động đã bị phạt vì bán cao hơn so với giá niêm yết.

Bách Hoá Xanh đưa ra các lý do như do chi phí vận chuyển tăng, tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao; chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng, nhiều nhân viên phải đi cách ly hoặc trong vùng phong toả không thể tiếp tục công việc; chi phí lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho tài xế và nhân viên kho…

Tuy nhiên, lý giải của Bách Hoá Xanh không khiến người tiêu dùng đồng cảm, thậm chí làn sóng tẩy chay Bách Hoá Xanh còn rộ lên sau thông tin này. Với thực trạng hàng hết hạn vẫn được bày bán, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết, khi siêu thị kinh doanh ngày càng nhiều hàng việc này cũng dễ xảy ra, thời gian vừa qua do quá tập trung vào việc khác nên đã để xảy ra sai sót và Bách Hoá Xanh đổi trả với hàng hết hạn.

Cùng thời điểm, một số doanh nghiệp như Saigon Co.op, lại bù lỗ để giữ giá và giảm giá hàng hoá.

Số liệu đến hết tháng 8/2021, Bách Hoá Xanh ghi nhận doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Kênh bán hàng qua website có số lượng đơn hàng gấp 4,5 lần và doanh thu gấp 5,2 lần so cùng kỳ 2020.

Theo ước tính của SSI Research, doanh thu Bách Hoá Xanh năm 2021 có thể đạt 31.289 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vào năm 2022 được dự báo sẽ giảm xuống còn 39% tương ứng đóng góp 43.525 tỷ đồng doanh thu cho MWG.

CẨM THẠCH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version