Thay đổi cách tính giá cơ sở có làm giảm giá xăng?

Rate this post
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc bổ sung giá sản xuất của xăng dầu trong nước vào giá cơ sở là rất cần thiết.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó bổ sung Điều 38a về công thức giá cơ sở xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.
Theo đó, Giá cơ sở xăng dầu = Giá xăngnhập khẩu * tỷ trọng nhập khẩu + giá xăng sản xuất * tỷ trọng sản xuất
Trong đó: Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hàng quý; tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá cơ sở của quý tiếp theo.
Định kỳ hàng quý, trên cơ sở số liệu cung cấp về sản lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý), cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở.
Giá xăng nhập khẩu = Giá xăng dầu thế giới + chi phí đưa về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập Quỹ bình ổn giá + lợi nhuận định mức + chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) + phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu được xác định từ cơ cấu tỷ trọng gồm cả 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây.
Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Như vậy, các kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ cách nhau 10 ngày, thay vì 15 ngày như đang áp dụng.
Việc rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ giúp giá xăng trong nước bám sát hơn với diễn biễn thị trường trong nước.
THUẾ, PHÍ CHIẾM TỚI 42% GIÁ XĂNG DẦU
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc bổ sung giá sản xuất của xăng dầu trong nước vào giá cơ sở là rất cần thiết.
Hiện nguồn cung xăng dầu nhập khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 80% trên tổng lượng xăng dầu và nguồn cung từ xăng dầu trong nước chiếm 20%. Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu cơ sở chỉ dựa vào xăng dầu nhập khẩu là chưa phản ánh đầy đủ.
Tuy nhiên, để điều hành giá xăng dầu thì việc cần nhất hiện nay là xem xét giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu trong giai đoạn này chứ việc thay đổi cách tính giá cơ sở cũng không làm giảm giá xăng.
Hiện, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố: Giá xăng thế giới, quỹ bình ổn và thuế, phí, 3 yếu tố này như 3 van của bình chứa giá xăng dầu và chỉ khi “xả bớt” mới có thể giúp giá xăng dầu hạ nhiệt.
“Với giá xăng thế giới, Việt Nam không thể làm gì để tác động lên yếu tố này. Vì vậy, chỉ còn 2 “van” là quỹ bình ổn và thuế, phí”, PGS, TS. Ngô Trí Long nói.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc, khi giá xăng thấp doanh nghiệp sẽ phải trích vào quỹ bình ổn để khi giá xăng cao sẽ rút ra nhằm giữ giá xăng ở mức ổn định. Vì vậy, sau nhiều lần trích quỹ, hiện quỹ bình ổn còn đang âm trên 1.500 tỷ đồng nên rất khó cho các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, để giá xăng dầu hạ nhiệt nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vẫn phải tiếp tục trích vào quỹ bình ổn song mức trích sẽ là không nhiều. Cuối cùng, chỉ còn yếu tố thuế là có thể điều chỉnh trong giai đoạn khó khăn này.
Để hạ nhiệt giá xăng, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, trong đó vai trò của Bộ Công Thương là chống thất thu, chống buôn lậu, nhập lậu xăng dầu bởi mỗi lít xăng dầu có tới 42% là thuế, phí nên các tiểu thương sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu. Chỉ khi thu đầy đủ thuế từ các nhà nhập khẩu mới góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách sau khi giảm thuế.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần tập trung vào nhiều loại thuế khác đang thất thu như thuế thương mại điện tử thì cần đẩy mạnh truy thu, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Các nhà máy sản xuất xăng dầu thì cần tăng cường sản xuất, nâng cao công suất tăng nguồn cung và nộp thuế cho ngân sách để bù đắp lại phần thiếu hụt do giảm thuế.
Chỉ khi ngân sách đảm bảo nguồn thu thì mới có dư địa để giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu, khi đó người dân mới được hưởng lợi và góp phẩn ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ông Long phân tích.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version