– Với việc khánh thành giai đoạn 1 nhà máy gạo Hạnh Phúc, Tập đoàn Tân Long đã tìm được lời giải cho bài toán xử lý cấp bách hạt lúa sau thu hoạch tại An Giang và mở ra kỳ vọng cho nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng lúa sản xuất theo VietGAP của Tập đoàn Tân Long
Từ nhiều năm nay, vấn đề logistics luôn là một thách thức lớn trong việc vận chuyển nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thách thức này không chỉ gây trở ngại cho người nông dân mà còn tác động lớn đến tâm lý nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với mong muốn tìm lời giải cho bài toán khó này, những năm trở lại đây một số tập đoàn đã bắt đầu xây dựng những nhà máy có quy mô lớn, hiện đại tại vựa lúa phía Nam, và gần đây nhất là nhà máy có diện tích lớn nhất châu Á, công suất đạt 1.000 tấn gạo/ngày của Tập đoàn Tân Long.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc – Ảnh: Nguyễn Huyền
Nhà máy công suất lớn có thể xử lý hạt lúa tươi trong “8 giờ vàng”
Trò chuyện với nhân ngày khánh thành giai đoạn 1 nhà máy gạo Hạnh Phúc tại An Giang, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long đã chia sẻ về mục đích và hướng đi của nhà máy này để góp phần giải bài toán về khâu vận chuyển và chế biến hạt lúa sau thu hoạch ở ĐBSCL.
Ông Trương Sỹ Bá cho biết, khi quyết định đầu tư nhà máy gạo Hạnh Phúc ở An Giang lãnh đạo Tân Long rất trăn trở vì khi đặt nhà máy trên cánh đồng rồi thì sẽ giải quyết khâu thị trường như thế nào?
Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là hầu hết sản lượng gạo của nhà máy sẽ vận chuyển bằng đường thủy về TP.HCM để xuất khẩu hoặc chuyển ra Bắc và đi các tỉnh/thành khác trong cả nước. Do vậy, bài toán logistics về tiêu thụ không ảnh hưởng lớn đến nhà máy gạo Hạnh Phúc.
Ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long
“Vấn đề sau thu hoạch là bài toán lớn nhất và nan giải nhất của ĐBSCL hiện nay, vì mùa vụ ở ĐBSCL thường ngắn và diễn ra cùng lúc dễ gây quá tải trong các khâu vận chuyển phơi sấy, tồn trữ… làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa”, ông Trương Sỹ Bá trăn trở và cho biết, khi nhà máy gạo Hạnh Phúc đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết tốt các vấn đề này.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, nhà máy Hạnh Phúc với công suất lớn và hiện đại sẽ hút hàng nghìn tấn lúa chứa trên che trong vòng vài phút giúp quay vòng nhanh phương tiện, trong khi đó nếu giải phóng ghe lúa theo phân phối truyền thống phải mất từ 4 đến 5 giờ, cộng với việc nhà máy gạo nằm tại 5 vùng nguyên liệu lớn sẽ giúp giải quyết tốt bài toán thời gian vận chuyển lúa tươi về nhà máy.
“Để chất lượng hạt lúa tươi không bị thay đổi, sau khi gặt xong trong vòng “8 giờ vàng” lúa được đưa vô lò sấy, nếu quá 24 giờ lúa không được sấy trữ kịp thời hạt gạo chuyển sang màu vàng và giá trị thương mại bị giảm đi 5%”, ông Trương Sỹ Bá cho biết.
Cũng theo ông Trương Sỹ Bá, bài toán liên quan đến nhà máy gạo Hạnh Phúc là xử lý cấp bách hạt lúa sau thu hoạch, còn vấn đề tiêu thụ sẽ được giải quyết từ từ trong năm chứ không đột biến như khi thu hoạch, vì các silo của nhà máy có khả năng dự trữ một lượng lúa rất lớn, giúp giải quyết bài toán thị trường rải đều ra trong năm.
Vị trí nhà máy thuận lợi để nông dân bán sản phẩm
Chia sẻ thêm về lý do chọn An Giang để xây dựng nhà máy gạo, trong khi 13 tỉnh/thành ở ĐBSCL đều có trồng lúa, ông Nguyễn Chánh Trung – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc khẳng định, vị trí Tân Long chọn đặt nhà máy là trung tâm của 5 vùng lúa lớn nhất ĐBSCL, vùng nguyên liệu này có diện tích gần 300.000 ha, cộng với 6 triệu ha của toàn khu vực, với vị trí này chúng tôi mong muốn tạo thuận lợi nhất khi bà con bán sản phẩm cho nhà máy.
Ông Nguyễn Chánh Trung cho biết, Tân Long hiện có 5 nhà máy gạo trang bị công nghệ truyền thống, và nhà máy gạo Hạnh Phúc được trang bị công nghệ tiên tiến hiện đại bậc nhất châu Á. Trong chiến lược phát triển gạo nội địa thương hiệu gạo A An, sắp tới tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng nhà máy gạo Vì Dân tại tỉnh Hậu Giang có quy mô và tầm cỡ như nhà máy gạo Hạnh Phúc, và tôn chỉ của tập đoàn là khi tham gia vào chuỗi liên kết cánh đồng mẫu lớn ở miền Tây sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân.
Ông Nguyễn Chánh Trung – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc
Theo ông Nguyễn Chánh Trung, từ năm 2017, Tân Long đã bắt đầu canh tác bao tiêu các cánh đồng lúa Japonica đầu tiên để sản xuất ra gạo Nhật xuất khẩu, và đến năm 2018, 2019, 2020 tham gia canh tác bao tiêu giống lúa ST24, ST25 và gạo hữu cơ.
“Khi đặt vấn đề bao tiêu với nông dân những giống lúa chưa được trồng nhiều ở ĐBSCL, nhưng được người tiêu dùng thế giới lẫn trong nước đánh giá cao, chúng tôi đã tích cực mời các hợp tác xã, các tác giả cung cấp giống hợp tác và kích thích bao tiêu để bà con tự tin sản xuất”, Chủ tịch Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc cho biết.
“Mặt hàng gạo A An chất lượng luôn được niêm yết giá nên chúng tôi hoàn toàn chủ động về mặt giá thành, chỉ có gạo xuất khẩu và gạo phổ thông hay những mặt hàng gạo thơm chất lượng không cao cấp lắm chúng tôi sẽ mua theo giá cạnh tranh trên thị trường có lợi cho bà con. Chúng tôi tự tin đang làm tốt chuỗi giá trị hạt gạo cho người nông dân”, ông Trung nói thêm.
Ngoài ra, trong hai năm 2018, 2020 Tân Long đã tổ chức chương trình liên kết “cánh đồng hạnh phúc”, cùng với nông dân và các nhà khoa học đi tìm những phương pháp canh tác hiện đại và giảm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm của tập đoàn mà còn rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có được sản phẩm an toàn khi xuất khẩu sang thị trường giám sát chặt chẽ vấn đề dư lượng thuốc BVTV.
Về mục tiêu của Tân Long trong những năm tới, ông Nguyễn Chánh Trung cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 mong muốn cung cấp thị trường trong nước khoảng 300.000 tấn gạo túi mang thương hiệu A An, và đến năm 2030 có thể cung cấp trên 600 nghìn tấn.
Theo lãnh đạo Tân Long, đây là con số khá lớn, bởi một doanh nghiệp xuất khẩu gạo với quy mô trên 500 ngàn tấn/năm sẽ phải huy động rất nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, trong 5 năm qua điều khác biệt ở Tân Long phải tự sấy, trữ, bảo quản và duy trì nhịp độ cung cấp đều đặn gạo A An ra thị trường trong suốt cả năm.
Ông Nguyễn Chánh Trung cho biết, theo tính toán sơ bộ đến năm 2023, khi nhà máy gạo Hạnh Phúc hoạt động 100% công suất cũng chỉ cung ứng ra thị trường từ 200.000 đến 240.000 tấn gạo thành phẩm chất lượng cao nên phải cần thêm hạ tầng. Hiện nay tại Đồng Tháp, tập đoàn đã có nhà máy (vào dạng lớn nhất nhì miền Tây trước đây) chứa được lúa khô và gạo bán thành phẩm, hai nhà kho khá lớn ở quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), một kho khác ở tỉnh Kiên Giang.
“Hiện nay, Tân Long cũng đang chủ động trong vấn đề xử lý lúa khô để đảm bảo cung ứng cho thị trường nội địa, nhưng chúng tôi rất mong chờ nhà máy gạo Hạnh Phúc đi vào hoạt động để tăng cường năng lực cung ứng quanh năm và mạnh dạn tự tin tăng quy mô tiêu thụ”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc tin tưởng.
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn: bizlive.vn