Tân Long và chiến lược nâng tầm chuỗi giá trị hạt gạo Việt

Rate this post
Để khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam, mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Sản lượng lúa của Việt Nam từ 42 – 45 triệu tấn/năm, sản lượng gạo từ 26 – 29 triệu tấn/năm, xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu đã tăng hơn so với trước.
Tuy nhiên, những thay đổi ngày càng nhanh của thị trường thế giới đã cho thấy sự “hụt hơi” trong việc tiếp cận xuất khẩu và phát triển thị trường lúa gạo trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại gạo Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Châu Âu và của một số thị trường nhập khẩu lúa gạo khác.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan chào bán với mức giá thấp, Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao, các nước nhập khẩu tăng cường đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, cung vượt cầu gây áp lực tiêu thụ lúa gạo của nước ta… Vấn đề cấp bách đặt ra là cây lúa và người trồng lúa đang cần được tiếp sức trong cuộc chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh doanh nông nghiệp” bằng các bài toán kinh tế.
Song song với việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo quốc gia, mỗi nhà “kinh doanh nông nghiệp” cần sớm chính quy hóa sản xuất lúa gạo. Bởi, hiện các nước nhập khẩu cũng đa dạng hóa nguồn cung tránh phụ thuộc vào một thị trường. Vì vậy, đối với Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ, tối ưu hóa nguồn cung.
Để thích ứng “kép” trong sản xuất lúa gạo và nâng cao thu nhập cho nông dân, cần phải đẩy nhanh tiến độ liên kết, phát triển mạnh các hợp tác xã, tạo cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cánh đồng lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cần chú trọng định vị thương hiệu, nâng cao chất lượng để tăng cường năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng bền vững.
Đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hạn chế trồng lúa phẩm chất thấp, dần chuyển sang sử dụng giống lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường và tín hiệu tích cực là những năm gần đây, Việt Nam đã sản xuất được các giống lúa chất lượng cao, được thế giới công nhận. Nhưng để phát huy giá trị các giống lúa đó thành thương hiệu cho ngành gạo Việt Nam cần có cơ chế liên kết sản xuất hiệu quả hơn. Nông dân sản xuất lúa gạo xuất khẩu cũng phải hình thành tư duy sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Nghĩa là, việc tổ chức sản xuất phải hội tụ đủ chất lượng giống tốt, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và các kỹ thuật canh tác đạt chứng nhận quốc tế.
Chất lượng lúa gạo được duy trì ổn định là nền tảng cơ bản để xây dựng thương hiệu riêng cho từng loại gạo Việt Nam. Khi đã có thương hiệu, giá trị hạt gạo bán ra thị trường tăng lên thì lợi nhuận của người trồng lúa cũng sẽ được nâng lên tương xứng.
Xuất phát từ tâm huyết phải mang đến cho người dùng những sản phẩm gạo không chỉ ngon mà còn phải an toàn, ngay từ năm 2016, Tập đoàn Tân Long đã thực hiện chương trình bao tiêu cánh đồng, hợp tác cùng nông dân sản xuất lúa gạo theo đơn đặt hàng. Mô hình này nhằm đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng, không tồn đọng dư lượng bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trên sản phẩm gạo.
Vì vậy, sản phẩm gạo A An của Tân Long đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất, chất lượng tương tự đối với gạo do Tập đoàn xuất khẩu tại Hàn Quốc, Đài Loan, với quy trình kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu chuẩn kiểm định xay xát theo tiêu chuẩn US No.1 – US No.3 của Mỹ, chứng nhận HACCP – hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn thế giới.
Cũng chính vì vậy, thương hiệu gạo A An đã nhanh chóng chinh phục thị trường trong nước, được nhiều tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long chia sẻ: “Không chỉ đồng hành cùng người nông dân trong mô hình hợp tác xã kiểu mới, chúng tôi còn là cầu nối thúc đẩy cho ngành nông nghiệp lúa gạo phát triển, đặc biệt phải là nông sản an toàn, canh tác theo quy trình mới, hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đấu trộn và có nguồn gốc rõ ràng. Thấu hiểu nỗi lo của người tiêu dùng trong vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi sản xuất gạo A An gắn với cuộc sống người Việt mỗi ngày, không vì lợi nhuận mà xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng.”
Tập đoàn Tân Long đã chú trọng đầu tư lớn vào xây dựng nhà máy chế biến, toàn bộ hạ tầng, công nghệ đều được liên kết hợp tác nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu từ châu Âu giúp tối ưu hoạt động chế biến, lưu trữ sản phẩm lúa gạo an toàn, giữ nguyên chất lượng. Quy mô và năng lực của Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long được đầu tư tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang có tổng diện tích 16.000ha (lớn nhất Đông Nam Á); Công suất sấy: 4.800 tấn/ngày; Công suất lưu trữ bằng SILO thép: 240.000 tấn/80 SILO; Công suất xay xát – đánh bóng – tách hạt: 1.600 tấn lúa khô/ngày.
Ngoài ra, tập đoàn Tân Long còn khuyến khích bà con tăng gia sản xuất, kết hợp mô hình luân canh tôm – lúa. Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, mô hình tôm – lúa hạn chế sử dụng hoá chất, giảm chi phí sản xuất trên lúa giúp ổn định môi trường sinh thái và cải thiện thu nhập cho người luân canh.

MỸ LINH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version