Tâm thế doanh nghiệp trong “Thời chiến”

Rate this post

Cộng đồng doanh nghiệp đã xác định chuyển sang “Thời chiến”. Nói thẳng, cái thiếu để doanh nghiệp đánh COVID chính là tiền. Nhưng nguồn lực quan trọng hơn là ”năng lượng” tích tụ và lan tỏa từ mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp và mỗi gia đình hậu phương…

Trong bối cảnh đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang dần được kiểm soát, chiến dịch tiêm vaccine được đẩy nhanh và dần mở rộng, các gói kích thích nền kinh tế phục hồi chuẩn bị được Chính phủ triển khai, nhiều tín hiệu khả quan lên đang mở ra đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp nối tinh thần tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp vừa diễn ra, ngày 28/9, với tinh thần trao đổi, chia sẻ những sáng kiến mới góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phục hồi sau thời gian dịch bệnh, Tọa đàm với chủ đề “Tái tạo năng lượng để đột phá” đã được tổ chức với sự phối hợp của CLB Doanh nhân Sao Đỏ và Tập đoàn FLC.

Buổi Tọa đàm trực tuyến có sự tham dự của gần 50 doanh nhân Sao Đỏ và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, với sự chủ trì của ông Nguyễn Cảnh Hồng – Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Eurowindow; điều phối bởi ông Phạm Đình Đoàn – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.
Đại diện diễn giả có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT; ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC…
“Chuyển sang thời chiến” là tâm thế các doanh nhân nhấn mạnh tại Tọa đàm. Có ý kiến nói thẳng, trong cuộc chiến này, cái doanh nghiệp còn thiếu để đánh COVID chính là tiền. Song, nguồn lực bền bỉ và quan trọng nhất với họ là “nguồn năng lượng” trong mỗi người, gắn với gia đình hậu phương, trong mỗi tập thể và doanh nghiệp.
“mũi tiêm” công nghệ

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ khóa I, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco đặt vấn đề: sau những khó khăn thì đại dịch COVID cũng chính là cơ hội.

Thứ nhất là người dân, người lao động được dưỡng sức, nghỉ ngơi và trải nghiệm các sở thích trong cuộc sống, quay trở lại nền tảng văn hóa bản sắc truyền thống của người Việt.

Thứ hai, đó là sự lan tỏa rộng rãi của công nghệ số khi hình thức làm việc online được áp dụng khá thành công trong thời gian qua.

“Nhân cơ hội này, tôi cho rằng chúng ta nên chuyển đổi số toàn diện trong cả hệ thống chính trị, xã hội và doanh nghiệp. Như Tập đoàn Geleximco, nhờ chiến lược điều hành bằng công nghệ số, tuy doanh số và lợi nhuận giảm nhưng chúng tôi vẫn có lãi, công nhân không bị nghỉ việc và có thu nhập ổn định”, ông Vũ Văn Tiền nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ, số hóa với doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco.

Tiếp nối câu chuyện, từ góc độ của tập đoàn công nghệ hàng đầu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng: Bối cảnh COVID-19 ở Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian tới khi Chính phủ đang chuyển từ trạng thái “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả”.

Chủ tịch FPT ví cuộc chiến COVID-19 như chiến tranh nhân dân dựa trên nền tảng rất quan trọng là văn hóa cộng đồng. Và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thiết lập sức mạnh.

Đồng thời ông Bình tin tưởng với kinh nghiệm phản ứng rất nhanh, linh hoạt, dự báo Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chiến thắng COVID-19 ngoạn mục mà hiếm quốc gia nào làm được.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình

Ông Bình ví von, nếu chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tổng thể của quân và dân thì trong cuộc chiến COVID-19, doanh nghiệp cũng cần được coi là một chủ thể, mỗi doanh nghiệp là một phường, xã.

“Ngay cả chúng ta áp dụng phương án 3 tại chỗ khi có dịch thì cũng chỉ vài tuần một tháng nhưng nếu dịch ở lại 3 năm chúng ta có 3 tại chỗ được nữa không? Vì thế chúng ta phải linh hoạt”, Chủ tịch của FPT nêu tình huống.

Ông Trương Gia Bình đưa ra ví dụ, trong chiến tranh quân lương là số một, khi mà các quyết định lại không dựa trên lương thảo thì đội quân đó sống sao? Vậy nên quay lại góc độ doanh nghiệp, chủ thể cực kỳ quan trọng là phải có “một chính sách thực sự tốt cho chống dịch, tốt cho chúng ta và cho đất nước. Phải làm thế nào an toàn, vừa rẻ tiền vừa hiệu quả”.

Quay lại ví dụ về mô hình chiến tranh nhân dân với sự quan trọng nhất là ủy quyền, linh hoạt, khi áp dụng với doanh nghiệp, người lãnh đạo phải điều hành theo cách chỉ huy, không phải của nhà quản trị.

Theo ông Bình, nếu trong cuộc chiến chống dịch chúng ta thiếu oxy thì trong doanh nghiệp cái thiếu để đánh COVID chính là tiền. Do đó, các doanh nghiệp cần đề nghị Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí lương, điện nước, mặt bằng các chi phí cố định, nhà nước phải bảo lãnh để các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay. Khi mà các doanh nghiệp bảo vệ được mặt bằng, bảo vệ được nguồn lực… thì sẽ hồi trở lại rất nhanh.

Đề cập đến công nghệ như một “vaccine” cấp thiết cho doanh nghiệp, lãnh đạo FPT cho rằng đây là “mũi tiêm” có thể bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp không chỉ trong thời dịch bệnh. Công nghệ, hay các giải pháp số sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.

“Năng lượng” là tài sản quý giá của doanh nghiệp

Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long nhìn nhận đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng bất khả khảng, không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà toàn xã hội. Chia sẻ về trải nghiệm cá nhân trong thời gian qua, ông cho biết khoảng thời gian này dành cho bản thân nhiều hơn với những sở thích tập thiền, đi du lịch…

Theo ông Thọ, đây cũng là khoảng thời gian quý giá để tái tạo năng lượng rất tốt.

Trong tam giác “cá nhân – gia đình – sự nghiệp”, ông Thọ nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng gia đình với tình yêu thương, sự tương tác có tác dụng rất tích cực trong dịch bệnh hiện nay. Theo ông Thọ, COVID-19 làm mọi thứ chậm lại cho chúng ta có thời gian để hướng nhiều hơn về bên trong.

Về quản trị doanh nghiệp, ông Thọ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp, tái cấu trúc và chuyển đổi số. Những điều này đã đem lại cho Thiên Long một sự tiếp sức rất tốt trong mùa dịch, mang lại sự tự tin, gắn kết trong tổ chức.
Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long tham dự tọa đàm theo hình thức trực tuyến tại TP.HCM.
Đồng quan điểm về chủ đề “tái tạo năng lượng”, bà Cao Thị Ngọc Dung, cố vấn CLB Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn PNJ cho rằng nguồn năng lượng là cực kỳ quan trọng với mỗi cá nhân, tổ chức.

“Tôi thấm nhuần tư tưởng của anh Trương Gia Bình, phải chuyển sang thời chiến và đó là một định hướng rất rõ. Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta phải tích tụ nguồn năng lượng, năng lượng cá nhân, đội ngũ và tổ chức. Đó là một tài sản”.

Bà Dung ví von mỗi cuộc gặp gỡ, họp mặt của CLB Sảo đỏ cũng là một cuộc truyền năng lượng.
“Với Sao Đỏ chúng ta, thì chúng ta kích hoạt năng lượng, và truyền cái năng lượng đó trong đội ngũ. Những cuộc meeting, hội thảo, bên cạnh rất nhiều thứ như công nghệ, quản trị thì tôi lưu ý đến vấn đề của anh Thọ, tôi làm được nhiều việc và năng lượng đến từ đâu…”, bà Dung nói.

Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn PNJ đề nghị các thành viên trong CLB Sao Đỏ cần tạo thêm các sự kiện để nâng năng lượng của đội ngũ Sao Đỏ được lan tỏa trong cuộc chiến lâu dài này.

“Cái quan trọng giúp chúng ta cần vượt qua là phải kích hoạt trường năng lượng và tích luỹ thêm tài sản về năng lượng. Từ cá nhân kích hoạt đến tổ chức”, bà Cao Thị Ngọc Dung nhắn nhủ.

“chiến tranh du kích”, tự lực cánh sinh

Bắt đầu với chủ đề “Đột phá”, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhìn nhận đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, thu hẹp quy mô kinh doanh, nhưng ở góc độ tích cực lại đang mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp có nhiều tiềm lực, khát vọng.

Theo ông Quyết, tiền chưa hẳn là “máu”, là nguồn sống trong thời điểm này mà được đi lại bình thường để có thể làm việc trong giai đoạn này thì với người dân, doanh nghiệp mới là “máu”. Bởi nếu cứ hạn chế đi lại như gần 2 năm vừa qua thì “lương thảo” của doanh nghiệp dù có tích lũy nhiều đến mấy cũng đến lúc cạn kiệt.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Do đó, ông Quyết bày tỏ kiến nghị với Chính phủ cho phép người dân được đi lại bằng các phương tiện giao thông một cách bình thường.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ông Trịnh Văn Quyết cho biết với FLC dù “trong thời bình hay thời chiến” thì đều ưu tiên sự uyển chuyển. Với FLC, cứ được đi lại mở cửa du lịch thì 1 tuần 1 tháng cũng quý. Trong 2 năm qua doanh nghiệp luôn tận dụng tối đa những cơ hội được đi lại như vậy.

“Dịch bệnh ở Việt Nam luôn trong tình trạng On – Off. Nếu doanh nghiệp cứ đóng cửa hoàn toàn thì không thể ứng phó được mà phải tìm cách ứng biến như thời chiến. Tức là ở tình trạng Off thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch là nếu được mở cửa thì phải làm ngay những việc gì. Để một khi mở cửa, phải tận dụng được ngay cơ hội được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp”.

Nhớ lại giai đoạn tháng 5-7 năm ngoái, ông Quyết chia sẻ hoạt động kinh doanh của FLC khi ấy còn khởi sắc hơn cả khi chưa có dịch, các phòng khách gần như kín chỗ, hàng không thì tăng cường chuyến. Để làm được điều này doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó.

Đồng thời, ngay thời điểm đó, doanh nghiệp cũng luôn phải chuẩn bị kich bản xấu nhất trong vài ba năm để khi xảy ra tình huống xấu nhất cung có thể ứng phó.

Nhưng, nếu cứ kéo dài 3 – 5 năm thì doanh nghiệp cũng không thể trụ được, may mà tình trạng dịch bệnh luôn trong tình trạng “on-off” để có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị dòng tiền, chuẩn bị “lương thảo” – Chủ tịch FLC cho biết.

“Doanh nghiệp mở ra thêm một tuần là một tuần cả gia đình có thêm nguồn sống, đóng cửa thì đồng nghĩa người lao động không có thu nhập. Nên với chúng tôi được mở một tuần cũng là quý. FLC tận dụng những thời gian quý giá dù là 1 ngày 1 tuần”, ông Quyết chia sẻ.
Nói về hoạt động hàng không của Bamboo Airways, ông Quyết cho biết đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất trên toàn cầu, Bamboo cũng không phải là ngoại lệ. Trong gần 2 năm qua, bằng sự nỗ lực phi thường, đến nay nhìn chung doanh nghiệp này vẫn kiểm soát được tình hình.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Quyết cho rằng phải luôn luôn linh hoạt, ứng biến theo tinh thần “chiến tranh du kích”, tự lực cánh sinh.

“Thực tế khi mọi người đang kiến nghị được ra đường thì chúng tôi cũng đang chuẩn bị. Vừa qua, chúng tôi đã có chuyến bay thẳng tới Mỹ lần đầu tiên ở Việt Nam. Chuyến bay thành công rực rỡ, không nghỉ bất cứ chặng nào, 13h40p, chuẩn bị kĩ lưỡng và bài bản cho các chuyến bay thẳng Mỹ về sau”, ông Quyết nói

“Từ Mỹ về chúng tôi cũng chở hàng chục tấn hàng kết quả từ chuyến công du của Chủ tịch nước. Đối với chuyến bay này tôi cảm giác lâng lâng, gần như không ngủ được chờ thời gian hạ cánh. Niềm vui tự vỡ òa vì mình làm được kỳ tích. Đó chính là năng lượng. Nhưng để làm được thì chúng tôi đã chuẩn bị hành trang rất kĩ trong gần 3 năm không mệt mỏi”, Chủ tịch Bamboo Airways chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, cũng giống như cơ thể con người yếu đi khi đối diện với virus, đối với doanh nghiệp hiện này cũng xuất hiện một loại virus mà nó đang tạo ra sức ỳ lớn đối với doanh nghiệp: Đó là virus sợ hãi.
Tiếp lời ông Hải, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhận định: “Việc gì mà Bộ Chính trị ra nghị quyết thì tôi thấy rõ ràng là các việc lớn, thể hiện rõ ràng kể cả Chính phủ và Bộ Chính trị đều biết việc đó”.
Ví dụ, gần đây Bộ Chính trị ra nghị quyết bảo vệ cho những người dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm. Ông Đoàn cho rằng “con virus sợ hãi” từng làm cho cả một quá trình dài trước đây và quá trình dịch bệnh vừa rồi, những gì liên quan đến dự án, những việc rất bức bách của doanh nghiệp thì đều dừng lại.
“Chúng ta hy vọng có nghị quyết vừa rồi, Chính phủ và các bộ ban ngành, địa phương phải biến nghị quyết thành hiện thực”, ông Đoàn kỳ vọng.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Theo đó, các cơ quan truyền thông cùng doanh nghiệp cần tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ là lấy dân, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm thì đưa tất cả những ách tắc của doanh nghiệp cho vào luồng xanh để giải quyết nhanh, quyết liệt như vừa rồi Chính phủ ứng phó với COVID vậy. Cần giải quyết “cục máu đông” để khơi thông kinh tế, khơi thông đời sống, hoạt động trở lại là cần thiết.

Trong thời gian vừa qua CLB Sao Đỏ vẫn thường xuyên liên kết, hoạt động mật thiết và trở thành tập thể đoàn kết. Qua việc này các thành viên của CLB cần có những trao đổi gần gũi gắn kết hơn nữa để hợp tác trong các doanh nghiệp Sao Đỏ trở thành luồng xanh để hợp tác hơn nữa, đoàn kết để bứt phá, vượt qua đại dịch.

3 chữ “bền” của người lãnh đạo doanh nghiệp

Mở đầu câu chuyện của mình, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ về kỷ niệm lần đầu tiên sang Mỹ để đi học vào năm 1995 với chuyến bay dài 3 ngày để tới San Francisco. Bà Thanh bày tỏ sự khâm phục và tự hào với chuyến bay thẳng đầu tiên của Bamboo Airways mang “lũy tre” sang Mỹ.

Đồng thời, bà Thanh gửi tặng các thành viên trong CLB Sao Đỏ ba chữ “BỀN” mà theo bà rất ý nghĩa và có giá trị. Đó là “Bền lòng – Bền chặt và Bền chí”.

“Bền lòng” là tinh thần tuyệt với của người lãnh đạo Sao Đỏ trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
“Bền chặt” là giá trị kết nối của các doanh nghiệp trong CLB với người lao động và với cộng đồng, cùng với những giá trị đột phá, sáng tạo.
“Bền chí” là ý chí, sự kiên cường cùng trí tuệ của doanh nghiệp và người lãnh đạo.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam
Qua đợt rung lắc này, bà Thanh cho rằng các doanh nhân Sao Đỏ đã thể hiện một nền quản trị vững vàng và cần cải thiện, cải tạo nền tảng này vững hơn nữa trong thời gian tới.
Theo bà Thanh, phát triển bền vững hiện không chỉ còn mục tiêu của doanh nghiệp, doanh nhân Sao Đỏ mà là đã trở thành giá trị của doanh nghiệp. Phát triển bền vững khi chuyển từ mục tiêu trở thành giá trị thì bên cạnh nguồn lực về kinh tế, trong giai đoạn đại dịch chúng ta đã nhìn thấy rất rõ ràng nguồn lực, nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp.
Đề cập đến chương trình “Siêu thị mini 0 đồng” do CLB Doanh nhân Sao Đỏ xây dựng, bà Thanh khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Sao Đỏ đang hướng đến xây dựng và kiến tạo những giá trị của sự bền vững.
Cuối cùng, đề cập đến nội dung nghị quyết về phục hồi kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, bà Thanh cho biết nghị quyết này có hẳn một chương về “chiến lược phục hồi sau COVID-19” và đề nghị các doanh nhân trong CLB Sao Đỏ hãy đồng hành cùng cơ quan của Chính phủ trong quá trình xây dựng văn bản này để đưa tiếng nói của “Sao Đỏ” vào thực tế.
Kết lại phần chia sẻ, bà Thanh nhìn nhận, khi doanh nghiệp lớn phục hồi sau dịch, ngay lập tức họ tạo ra nguồn thu cho ngân sách, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, từ đó đảm bảo an sinh xã hội. Còn điều doanh nghiệp cần hiện nay vẫn là “cơ chế thông thoáng, vướng mắc được giải quyết kịp thời”.

TUẤN VIỆT

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version