Sản xuất trong nước dư cung nhập khẩu phân bón vẫn tăng

Rate this post
Bốn nhà máy lớn: Ninh Bình, Hà Bắc, Phú Mỹ, Cà Mau sản xuất khoảng 2,5 triệu tấn đạm (ure)/năm, tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn/ăm, dư cung 500 ngàn tấn/năm nhưng nhập khẩu ure vẫn tăng, buộc các nhà máy phải tìm đường xuất khẩu ure thừa.
Sản xuất phân bón ure tại nhà máy Đạm Cà Mau
Nhu cầu sử dụng phân bón cho các loại cây trồng trên cả nước xấp xỉ 10 triệu tấn các loại, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 6 triệu tấn, phân hữu cơ khoảng 4 triệu tấn. Trong 6 triệu tấn phân vô cơ phân ure chiếm khoảng 1,8 triệu tấn. Sản xuất ure trong nước dư cung và đang xuất khẩu.
Nhập khẩu phân bón chủ yếu thị trường Trung Quốc
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại vụ Hè Thu 2021 đã xuống giống gần 1 triệu hecta/1,550 triệu ha kế hoạch, tương đương diện tích hàng năm. Dự kiến cuối tháng 5/2021 xuống giống lúa Hè Thu 2021 sẽ cơ bản hoàn thành còn lại một ít sẽ qua tháng 6.
Tổng nhu cầu phân bón cho các loại cây trồng trên cả nước ước tính khoảng 10 triệu tấn các loại, trong đó phân vô cơ khoảng 6 triệu và phân hữu cơ khoảng 4 triệu tấn. Các loại cây trồng trên cả nước cần khoảng 1,8 triệu tấn/năm (cây lúa ĐBSCL cần khoảng 600 ngàn tấn phân ure/năm), DAP cần 950 tấn/năm, Kali cần khoảng 250 ngàn tấn/năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong 105 ngày đầu năm 2021 đạt 1.144.394 tấn, trị giá 307,022 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 2,17% về lượng và tăng 11,01% về trị giá.
Riêng trong quý 1/2021 đạt 985.876 tấn, kim ngạch 263,73 triệu USD, giá trung bình 267,5 USD/tấn, tương đương với số lượng phân bón nhập khẩu quý 1/2020 nhưng tăng 7,3% về kim ngạch và tăng 7,3% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng phân bón nhập khẩu tuy có tăng nhưng không mạnh như thời gian trước đây là do giá phân bón quốc tế tăng cao. Việt Nam nhập khẩu phân bón từ khoảng 20 thị trường, trong đó top 6 nhà cung cấp chủ chốt gồm Trung Quốc, Nga, Belarus, Israel, Hàn Quốc và Canada chiếm tổng cộng khoảng 80% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có khoảng 50% đến từ Trung Quốc.
Trong tháng 3/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh 77,9% về lượng, tăng 100,7% về kim ngạch và tăng 12,8% về giá so với tháng 2/2021, đạt 223.215 tấn, tương đương 61,85 triệu USD, giá 277 USD/tấn. Tính chung, cả quý 1/2021 nhập khẩu 467.841 tấn, trị giá 123,44 triệu USD, giá trung bình 263,9 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 11,2%, 25,2% và 12,7%, chiếm 47% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 2 đạt 98.504 tấn, trị giá 25,1 triệu USD, giá trung bình 254,8 USD/tấn, giảm 16,9% về lượng, giảm 8,5% về kim ngạch nhưng tăng 10% về giá so với cùng kỳ; riêng tháng 3/2021 nhập khẩu từ thị trường này lại tăng mạnh 71,9% về lượng, tăng 44% kim ngạch nhưng giảm 16% về giá so với tháng 2/2021, đạt 48.395 tấn, trị giá 11,55 triệu USD, giá trung bình 238,8 USD/tấn.
Đứng thứ 3 là thị trường Nga đạt 62.973 tấn, trị giá 21,22 triệu USD, giá trung bình 337 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 3,7% kim ngạch nhưng giảm 0,7% về giá so với quý 1/2020; riêng tháng 3/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường Nga tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 2/2021, với mức tăng tương ứng 20%, 32,5% và 10,3%, đạt 19.069 tấn, trị giá 6,71 triệu USD.

Nhập khẩu phân bón 3 tháng đầu năm 2021

Nguồn VITIC
Giá phân bón trong nước tăng theo giá thế giới
Giá phân bón giá phân bón quốc tế tăng kéo giá phân bón các loại trong nước đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Giá phân bón trong nước đang tăng mạnh là nỗi lo của người nông dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL khi sản xuất vụ Hè Thu 2021 đang bắt đầu.
Ông Đặng Hữu Chơn, kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay hầu hết các loại phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, giá ure đang bán ra 525 ngàn đ/bao (50kg), tăng 200 ngàn đ/bao so với cùng kỳ năm 2020, phân DAP (Philippines) hiện dao động từ 730 – 750 đ/bao (50kg) tăng 130 ngàn đ/bao, và Kali có giá 365 ngàn đ/bao, tăng 60 – 70 ngàn đ/bao so với cùng kỳ năm 2020.
Giá phân bón trên thị trường quốc tế gần đây tăng mạnh do chi phí nguyên liệu tăng kết hợp với giá ngũ cốc tăng thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao giữa lúc hoạt động vận chuyển khó khăn do dịch Covid-19 gây tốn kém chi phí vận chuyển.
Từ tháng 2/2021, giá phân bón các loại đều tăng mạnh, khoảng 5 – 15%, trong đó tăng mạnh nhất là giá urea, ở mức 14,6%. Với xu hướng giá dầu mỏ đang tăng, khí gas vẫn ở mức cao, đặc biệt giá nông sản cao giữa bối cảnh dịch Covid-19, dự báo giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tuần tới.
Cụ thể, tuần cuối tháng 4, giá phân DAP trung bình là 629 USD/tấn, Kali 433 USD/tấn, tăng khoảng 1% so với một tháng trước đó. Giá ure ở mức 513 USD USD/tấn, tăng 2%. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, giá Kali hiện nay đắt hơn 17%, ure đắt hơn 33%, DAP đắt hơn 52%.
Trước đó, quý 1/2021, chỉ số giá phân bón quốc tế đã tăng 24%, dẫn đầu giá ure và DAP đã tăng gần 30% do nhu cầu mạnh và chi phí nguyên liệu tăng; kali tăng giá ít hơn do nguồn cung dồi dào. Do giá liên tục tăng nhanh trong nhiều tháng qua, hiện giá bán lẻ tất cả các loại phân bón đều cao hơn so với một năm trước.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version