Rủi ro và cơ hội “kẻ tám lạng người nửa cân”, năm 2021 chọn ngành nào đầu tư?

Rate this post
Cơ hội đầu tư năm 2021 sẽ có xu hướng quay về những ngành cơ bản thiết yếu là đầu vào quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn mới…
VCBS vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021. Theo dự báo của VCBS, tăng trưởng GDP năm 2021 vào khoảng 6,5% đến 7%. Mức tăng trưởng này đến từ cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể so với mặt bằng thấp của năm 2020. Doanh thu bán lẻ hàng hóa sẽ tiếp tục phục hồi sau khi các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã cho thấy hiệu quả, quá trình thích nghi với chế độ “bình thƣờng mới”, giúp cho nhu cầu tiêu dùng trở lại nhiều hơn thậm chí cả tại các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo vẫn là chỉ báo quan trọng đối với sức khỏe của ngành sản xuất, vốn có đóng góp mức đóng góp đáng kể vào GDP đã cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cùng với đó, việc duy trì thành công sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng chính sách nhất quán của chính phủ trong thu hút đón đầu dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc, góp phần thúc đẩy đầu tư từ cả 2 khu vực công tư. VCBS đánh giá dòng vốn FDI được kỳ vọng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo.
Lạm phát năm 2021 được VCBS đánh giá cũng khá thuận lợi với mức tăng dự báo từ 3 tới 3,5%. Tỷ giá năm 2021 cũng được đánh giá tiếp tục ổn định và sẽ biến động không quá 2%.
VCBS cho rằng tăng trưởng tín dụng 2021 được dự báo sẽ tăng thấp hơn 2016-2017, nhưng gần tương đương 2018 -2019. Tín dụng sẽ tập trung phần lớn vào các TCTD có chất lượng tài sản tốt, và tín dụng sẽ kém khả quan đối với các TCTD chưa xử lý xong nợ tồn đọng.
Cũng theo dự báo của VCBS, lãi suất huy động năm 2021 có thể giảm 50 điểm so với cuối năm 2020 và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Lãi suất cho vay có thể giảm 30-50 điểm do độ trễ giữa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ mất ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn khi các ngân hàng ưu tiên chất lượng tín dụng.
“quay về những ngành cơ bản thiết yếu”
VCBS cho biết, năm 2020 đã đã chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu cũng như thị trường chứng khoán lớn trên thế giới do tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19. Những sự kiện lớn trên thế giới đã xảy ra trong năm 2020 vẫn sẽ để lại nhiều hậu quả và rủi ro tiềm ẩn trong năm 2021.
Ở chiều ngược lại, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định – trong đó điểm sáng là tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ – cùng với mặt bằng lãi suất thấp trên toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trƣởng hàng đầu và là động lực chính nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Trong bối cảnh tương quan giữa rủi ro và cơ hội là “kẻ tám lạng người nửa cân”, VCBS dự báo xu hướng đầu tư trong năm 2021 sẽ quay về những ngành cơ bản thiết yếu, là đầu vào quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài, quá trình công nghiệp hóa (và số hóa) của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu là: Điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện); Sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá); và Sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Đây đồng thời cũng là các nhóm ngành được hưởng lợi từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam cũng như sự hồi phục chung của tổng cầu nền kinh tế nội địa.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khác trong khuôn khổ các hiệp thương mại tự do được ký kết trong thời gian qua cũng như trong tương lai gần, tiêu biểu là nhóm cảng biển – logistics. Đây đồng thời cũng là những nhóm ngành phụ trợ cho hoạt động chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh hơn trong đó có Việt Nam.
VCBS cũng cho rằng các cơ hội riêng lẻ cũng đến từ các doanh nghiệp có yếu tố ứng dụng công nghệ mới. Quá trình ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn vào sản xuất kinh doanh và “số hóa” trong nền kinh tế Việt Nam là tất yếu và không thể đảo ngược. Do đó, cho dù mọi quá trình thay đổi từ cũ sang mới luôn luôn mang lại rủi ro nhưng tiềm năng của sự tăng trưởng năng suất, kết quả kinh doanh và hiệu quả đầu tư mà việc ứng dụng công nghệ mới mang lại vẫn vượt trội hơn nhiều so với các rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi.
Điểm nhấn cuối cùng trong năm sau là các doanh nghiệp riêng lẻ có “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn,…
vn-index có thể tăng trưởng 15% trong năm 2021
Về diễn biến TTCK năm 2021, VCBS kỳ vọng triển vọng và quy mô thị trường cổ phiếu của Việt Nam vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhất định so với năm 2020, nhưng tốc độ sẽ phần nào bị hạn chế do hầu hết các yếu tố hỗ trợ cho quy mô thị trường trong nửa cuối năm 2020 được dự báo sẽ không gia tăng về cường độ và thậm chí là suy yếu trong năm 2021.
VCBS dự báo mức cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 8%-15% so với cuối năm 2020, tuy nhiên sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” và diễn biến cụ thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu.
VN-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một “nền” giá cao hơn nhưng biên độ dao động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong năm) của VN-Index sẽ vào khoảng 120-150 điểm và không lớn như năm 2020, còn HNX-Index dao động trong biên độ ~20 điểm.
Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2021 được dự báo tiếp tục cải thiện so với năm 2020, đạt bình quân khoảng 400-410 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 5% yoy. Giá trị giao dịch được kỳ vọng đạt mức tăng khoảng 8% tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 6.900-7.000 tỷ đồng trên cả ba sàn.

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version