Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 9.200 tỷ đồng

Rate this post

Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu (quỹ BOG) đến hết 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng; cao hơn số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2019 là hơn 6.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính mới công bố số dư quỹ bình ổngiá xăng dầu đến thời điểm 31/12/2020 cho thấy con số này đã tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2020 và đạt 9.234 tỷ đồng.

Trong năm 2020 đã có thời điểm số dư quỹ này đạt trên 10.000 tỷ đồng (đến hết ngày 30/9/2020). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để kiểm soát dịch bệnh Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội thời điểm nửa đầu năm và điều này ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng xăng dầu, đồng thời xăng dầu thế giới cũng giảm mạnh do nguồn cung dư thừa và nhu cầu bị ảnh hưởng bởi dịch.

Liên quan đến cơ chế hoạt động của Quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý liên quan đến dự thảo Thông tư quy định phương pháp xác định các yếu tố hình thành giá cơ sở xăng dầu.

Theo đó, tại dự thảo, Bộ Tài chính vẫn giữ mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn dự kiến là 300 đồng/lít, kg xăng dầu được tính vào giá bán xăng dầu.

Tuy nhiên, mức trích lập quỹ này không cố định mà sẽ có tăng, giảm theo diễn biến của thị trường. Và tại dự thảo thông tư lần này, Bộ Tài chính đưa ra quy định về điều kiện tăng, giảm mức trích lập, chi sử dụng quỹ đơn giản hơn so với quy định hiện hành. Cụ thể, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ thấp hơn 300 đồng/lít/kg khi các yếu tố hình thành giá như giá xăng, dầu thế giới… biến động làm giá cơ sở kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở liền kề.

Mặt khác, trường hợp giá xăng dầu tăng có thể tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân thì mức trích lập quỹ cũng giảm so với mức 300 đồng/lít/kg.

Còn để tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn 300 đồng/lít/kg, Bộ Tài chính cho rằng khi giá cơ sở thấp hơn so với giá cơ sở kỳ điều hành liền kề, hoặc căn cứ vào số dư của quỹ và tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá.

Đối với việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Tài chính, thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, đồng thời, việc tăng giá bán có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống người tiêu dùng trong nước.

Thương nhân đầu mối chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương. Nghiêm cấm sử dụng quỹ để kinh doanh hoặc cho mục đích khác.

Việc bỏ hay tiếp tục duy trì quỹ bình ổn xăng dầu trước nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia, cũng như đại diện các doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, trong một trả lời tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng cho biết, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu rất dễ cho nhà điều hành nhưng nhưng ở Việt Nam có khái niệm “lạm phát kỳ vọng”, chỉ cần giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng cũng tăng, ảnh hưởng đầu vào doanh nghiệp, ảnh hưởng CPI do vậy việc sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết.

CẨM THẠCH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version