Quý 1/2021, giá lúa gạo và hồ tiêu biến động không theo quy luật

Rate this post
Quý 1/2021, trên thị trường giá lúa gạo và hồ tiêu có nhiều biến động trái với thông lệ hàng năm, và diễn biến giá của 2 mặt hàng này không theo một quy luật nào càng khiến cho người bán, người mua lẫn nhà xuất khẩu khó đoán định.
Ảnh minh họa.
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2021 ước 4,12 tỷ USD. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,64 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì gạo và hồ tiêu là 2 mặt hàng có biến động giá nhiều nhất trong Quý I/2021.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG KHÔNG BẰNG NHẬP KHẨU
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Agrotrade), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3 năm 2021 ước đạt 4,12 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,64 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,59 tỷ USD, tăng 10,2%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3%;
Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 89 triệu USD, tăng 34,7%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 41,6%.
Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 54,4%), châu Mỹ (32,2%), châu Âu (11,8%), châu Đại Dương (1,8%) và châu Phi (1,5%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 3 năm 2021 đạt 3,02 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 7,74 tỷ USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 47,4%), châu Mỹ (29,5%), châu Âu (6%), châu Phi (4,9%) và châu Đại Dương (5,4%) đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
TỪ CUỐI THÁNG 3/2021, XUẤT KHẨU GẠO SẼ SÔI ĐỘNG HƠN
Agrotrade cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2021 ước đạt 450 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại xuất khẩu, trong hai tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,9% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 30,8%; gạo nếp chiếm 26,3%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,9%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines chiếm 68,6%, Cuba chiếm 11,2% và Ghana chiếm 4,5%.
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines chiếm 29,8%, Ghana chiếm 21,4% và Bờ Biển Ngà chiếm 9,9%. Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm 84,1%, Malaysia chiếm 5,4% và Philippines chiếm 5,2%. Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Philippines chiếm 13,7%, Đảo quốc Solomon chiếm 13,7% và Trung Quốc chiếm 10,9%.
Trong tháng 3/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo Việt Nam đạt 547 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 02/2021 và tăng 19,1% so với tháng 3/2020. Tính bình quân trong Quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547USSD/tấn.
Nguyên nhân tăng là do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của các đối tác nước ngoài tăng cao. Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng 401 USD/tấn vào cuối tháng, hiện gạo Ấn Độ đang có giá thấp nhất trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất nên khả năng cạnh tranh tương đối cao so với các nước còn lại.
Trong khi đó, giá gạo Thái Lan đạt mức 538 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 509 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do tỷ giá giảm.
Nhìn lại 3 tháng đầu năm, giá lúa tại ĐBSCL không biến động nhiều, với các mức giá ở thời điểm hiện tại xấp xỉ đầu tháng 1, khi bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân thị trường mới sôi động hơn, giá lúa diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3/2021 sẽ sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu.
CUỐI VỤ NGUỒN CÙNG GIẢM, GIÁ TIÊU SẼ TĂNG MẠNH HƠN
Trong số các nông sản xuất khẩu tiêu là mặt hàng có sự biến đổi giá lớn nhất, tiêu tăng giá ngay khi mới thu hoạch và tăng nóng khi đang thu hoạch rộ. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá tiêu trong nước tăng mạnh nhưng cũng có đôi lúc giảm do điều chỉnh thị trường. Dự kiến cuối tháng 4, vụ thu hoạch tiêu sẽ kết thúc.
Giá tiêu hôm nay 14/4/2021 dao động trong khoảng 70.000 – 73.500 đồng/kg. Trên thế giới, giá tiêu Ấn Độ giảm nhưng vẫn neo ở mức cao.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 70.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 70.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá tiêu đang ở mức 73.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Còn tại Bình Phước tiêu được thu mua với mức 72.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi – Ấn Độ giảm 125 rupee/tạ, ở mức 40.250 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 8/4/2021 đến ngày 14/4/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 313,04 VND/INR.
Theo số liệu của Agrtrade, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3/2021 ước 30 nghìn tấn, đạt 86 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 60 nghìn tấn và 174 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2021 là Hoa Kỳ, Ấn Độ và Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống nhất với 38% thị phần.
Nguồn Vinanet

Hai tháng đầu năm 2021, thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 2,92 lần. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2.891 USD/tấn, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung, trong cả quý I/2021, giá tiêu trong nước biến động tăng với mức tăng từ 16.000 – 18.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu tăng do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu có khởi sắc. Diễn biến rất khác so với các vụ trước. Cuối tháng 4/2021 thu hoạch kết thúc giá tiêu vẫn tăng hay ổn định lại vẫn là câu hỏi lớn?

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version