PVCFC: Giảm mục tiêu xuất khẩu, tập trung thị trường trong nước để hạ nhiệt giá phân bón

Rate this post
PVCFC quyết định dừng và giảm kế hoạch xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế để tập trung phục vụ nội địa, hạ nhiệt giá phân bón đang tăng cao.
Sản phẩm phân bón Cà Mau ​
Đầu năm 2021, thị trường phân bón lại được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn thách thức khi mà lượng hàng tồn kho cao, tình hình thiên tai như hạn mặn tại ĐBSCL, hạn hán tại khu vực Đông Nam bộ – Tây Nguyên, lũ lụt tại khu vực Miền Trung, miền Bắc có khả năng tái diễn, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, xu hướng đổi cây trồng tại ĐBSCL,… Điều này tác động không nhỏ đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch bán hàng của các đơn vị trong ngành phân bón khi mà nguy cơ về việc tồn ứ hàng hóa nghiêm trọng rất có thể xảy ra như trong quý 1/2020.
Vì lo ngại vấn đề này, ngay từ cuối năm 2020 một số nhà sản xuất phân bón trong nước đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu giao hàng trong quý 1/2021 để giảm tồn kho, cân đối cung cầu trong nước.
Tuy nhiên, từ giữa vụ Đông Xuân 2020/2021 đến nay giá phân bón liên tục tăng cao, và hiếm có khi nào giá phân bón lại tăng 2 vụ liền như vậy. Giá phân tăng làm cho chi phí sản xuất của người nông dân tăng cao, để tiết kiệm bà con đã giảm bớt lượng phân bón sử dụng.
Vụ lúa Đông xuân 2020/2021, chi phí sản xuất khoảng 2 triệu đồng/công ruộng (1.000m2), trong đó, chi phí phân bón chiếm 35% giá thành sản xuất. Giá phân bón trong vụ Hè Thu tăng cao nhưng chi phí phân bón tương đương vụ Đông Xuân, do bà con giảm sử dụng, nhưng năng suất lúa Hè Thu lại khá thấp so với vụ Đông Xuân nên có nhiều khả năng nông dân không có lãi.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ thì cây lúa được cho là loại nông sản có lợi thế hơn cả nên người dân đã mở rộng diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, ngay khi vụ Hè Thu 2021 đang thu hoạch thì giá lúa tươi lao dốc và giảm khoảng 1.000 đ/kg so với vụ Hè Thu năm ngoái, và hiện nay thị trường lúa gạo vẫn rất trầm lắng là nỗi lo lớn của người nông dân.
PVCFC tập trung phục vụ thị trường trong nước, hạ nhiệt giá phân bón
Trong kế hoạch, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) sẽ tiếp tục vận hành tối đa công suất, dừng các hoạt động xuất khẩu để tập trung vào thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung đầy đủ, chất lượng, nhanh chóng đến bà con, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.
Giai đoạn tháng 3, 4 và cuối năm 2020, PVCFC tồn kho tới 200 ngàn tấn phân ure do nông dân Tây Nam Bộ bỏ vụ 3, giá ure rớt xuống 5.900 đồng/kg, mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất từ 200 – 300 đồng/kg tại thời điểm đó, và người nông dân Campuchia cũng bỏ vụ, lãnh đạo PVCFC phải sang tận các nước châu Phi để tìm thị trường xuất khẩu và bán cho được hàng.

Sang năm 2021, từ giữa quí 1, nhận định nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ, nên PVCFC đã chủ động dừng/giảm mục tiêu kế hoạch xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế để nỗ lực tối đa, tập trung phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và thị trường có hệ thống phân phối truyền thống. Các thị trường đã xác lập đối tác như: Ấn độ, Srilanka, Philipine, Bangladest, Myamar… PVCFC đều tạm dừng không chào bán.

Đến hết 5 tháng đầu năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định với mức công suất trung bình 105%, đạt mức sản lượng ure quy đổi hơn 380 ngàn tấn, và đã cung ứng toàn bộ ra thị trường. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bà con nông dân, công ty đã nhập khẩu và cung ứng ra thị trường gần 70 ngàn tấn các sản phẩm khác như NPK, Kali,…
Đại diện PVCFC cho biết, lâu nay công ty luôn xác định khu vực ĐBSCL là thị trường mục tiêu số 1 của đơn vị nên luôn ưu tiên phân phối các sản phẩm tại khu vực này để đáp ứng nhu cầu mùa vụ của bà con vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ các loại phân bón tại khu vực này đạt 260 ngàn tấn, tăng 14% so với kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2020. Trong đó riêng sản phẩm ure và các sản phẩm gốc ure do công ty sản xuất chiếm 210 ngàn tấn, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
“Là một doanh nghiệp với chiến lược vươn tầm ra khu vực và thế giới, ngoài việc đảm bảo nguồn cung phân bón cho thị trường trong nước, PVCFC cũng đã xây dựng các kịch bản để từng bước tìm kiếm, mở rộng thị trường ra một số nước.
Tuy nhiên, việc thực thi kế hoạch thì luôn có sự ứng biến linh hoạt theo hướng ưu tiên thị trường trong nước, đồng hành với người tiêu dùng cuối cùng là Nông dân Việt nam.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục vận hành tối đa công suất, dừng các hoạt động xuất khẩu để tập trung vào thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung đầy đủ, chất lượng, nhanh chóng đến bà con, góp phần hạ nhiệt giá phân bón”, lãnh đạo PVCFC cho khẳng định.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version