Nới tầm nhìn quản trị rủi ro để giữ nhịp kinh doanh liên tục khi COVID-19 ngày càng phức tạp và chưa hết bất thường

Rate this post

Quản lý kinh doanh liên tục từng bị xem nhẹ trước đây, nhưng hiện nay lại đóng vai trò quan trọng và ngày một được ưu tiên trong hoạt động kinh doanh…

Gần hai năm kéo dài của dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 vừa qua đã cho thấy thực tế hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và toàn diện về quản trị rủi ro và khủng hoảng.

Với doanh nghiệp, hậu quả nặng nề của dịch bệnh kéo theo sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Sản xuất bị ngưng trệ, sự gián đoạn của chuỗi lao động cùng với chi phí đầu vào liên tục tăng trong lúc doanh thu sụt giảm đã như những “cơn sóng dữ” trùm qua ngưỡng chịu đựng của hầu hết các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực.

Để sống chung và “thích ứng, an toàn, hiệu quả” với đại dịch, đồng thời chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối phó với môi trường kinh doanh đầy biến động, doanh nghiệp cần đánh giá lại khả năng sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng. Trong đó, quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả cũng như xây dựng một chương trình quản lý kinh doanh liên tục nhằm hạn chế đến mức tối thiểu những đứt gãy… đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Đó là những nhận định của các chuyên gia đến từ Deloitte và HSBC Việt Nam tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý Kinh doanh liên tục – Vaccine bảo vệ doanh nghiệp” vừa diễn ra.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn diện hơn về Quản trị rủi ro – Quản trị khủng hoảng
Dẫn kết quả từ một khảo sát gàn đây được Deloitte thực hiện, ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc Khối dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro Deloitte Việt Nam nhận định hầu hết các công ty hiện đang đánh giá các rủi ro hiện hữu chỉ ở mức trung bình và cho mục tiêu ngắn hạn mà chưa quản trị cho các mục tiêu tương lai.
Theo đó, công tác quản trị rủi ro của các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu được triển khai theo hướng tự phát và thường tập trung nhiều vào việc ghi chép thông tin rủi ro.
Ông Ivan Phạm cho rằng đa phần các doanh nghiệp trước đây đều không chú ý đến vấn đề Quản trị khủng hoảng. Một số doanh nghiệp còn tự đặt câu hỏi: “Khủng hoảng chưa xảy ra thì tại sao chúng ta phải quản trị nó?!”.

Tuy nhiên, với diễn biến quá nhanh và đột ngột của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, theo vị chuyên gia của Deloitte, chắc chắn các doanh nghiệp không nhiều thì ít cũng đều chú ý đến các hoạt động này. Từ quản trị doanh nghiệp tới quản trị khủng hoảng rồi để có hoạt động Quản lý kinh doanh liên tục là điều bất cứ doanh nghiệp cũng hướng tới.

Phần trình bày của ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc Khối dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro Deloitte Việt Nam
Đáng chú ý, ông Ivan Phạm cho rằng cùng một sự kiện xảy ra đôi khi có thể tùy vào góc nhìn của doanh nghiệp mà là rủi ro hay cơ hội. Trong đó, rủi ro sẽ được phân loại và tập trung vào 4 điểm: Rủi ro chiến lược, Rủi ro tài chính, Rủi ro hoạt động và Rủi ro tuân thủ.
Nói về sự khác biệt giữa quản trị khủng hoảng và rủi ro bình thường, chuyên gia của Deloitte cho biết khủng hoảng là những rủi ro rất hiếm xảy ra và khi nó xảy ra sẽ ngay lập tức trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp. Ví dụ như là gián đoạn, tạm ngừng hoạt động hay thậm chí phải đóng cửa công ty.
Với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đa số tập trung vào các rủi ro có thể phát sinh do công nghệ thông tin, nhân sự hay các nhà cung cấp (khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy).
Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt nhìn chung còn khá yếu trong xây dựng kịch bản xử lý khủng hoảng. “Hầu hết doanh nghiệp đều đang coi ứng phó với COVID là chủ yếu, nhưng ngoài dịch bệnh còn những sự kiện khác thì sao?”, ông Ivan Phạm đưa ra câu hỏi mở.
Do đó, Phó tổng giám đốc Khối dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro của Deloitte Việt Nam khẳng định: “Đây chính là thời điểm doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo hướng quản trị rủi ro hiện đại và cách nhìn nhận đúng đắn về quản trị rủi ro bao gồm quản trị khủng hoảng để xây dựng kế hoạch quản trị rủi ro hiệu quả và hoạt động liên tục khi khủng hoảng xảy ra”.
Toàn bộ doanh nghiệp phải đồng hành cùng quá trình này

Nói về phương pháp và cách tiếp cận của Deloitte với xây dựng Chương trình Quản lý hoạt động kinh doanh liên tục (BCM), ông Edmund Wong, CEO Khối dịch vụ tư vấn Quản trị rủi ro – Deloitte Singapore cho biết hướng tiếp cận cần dựa trên mối liên quan giữa: Cơ sở vật chất, trang thiết bị – Công nghệ – Nguồn nhân lực cũng như bên thứ 3. Sau đó là cách triển khai những điều này một cách hiệu quả về mặt chi phí.

Theo ông Edmund Wong, sau khi xây dựng được kế hoạch, quy trình và chiến lược cho việc phục hồi thì tất cả các phòng ban, bộ phận trong doanh nghiệp cần phải được trực tiếp tham gia vào quá trình này.
Ông Edmund Wong nhận thấy, trong giai đoạn giãn cách do COVID-19 xảy ra, việc làm việc tại nhà cũng có thể rất hiệu quả nếu được chuẩn bị tốt và có nhận thức rõ ràng. Nếu như các nhân viên thường xuyên được tập huấn, nâng cao nhận thức, hiểu rõ việc mình đang làm và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp thì khi có sự cố xảy ra doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội hơn để vượt qua.
Khách mời tham gia cuộc tọa đàm, CEO Phạm Nguyên Foods, ông Christian Leitzinger chia sẻ thời điểm khó khăn nhất với doanh nghiệp này là khi hai trong số các nhà cung cấp nguyên liệu của họ bị đóng cửa do “lockdown”, nhân viên thì phải sản xuất 3 tại chỗ tại nhà máy.
Nói về cách thức vượt qua COVID-19 để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, ông Christian Leitzinger cho biết doanh nghiệp này đã tiến hành xây dựng một trung tâm điều khiển để thông qua đó bảo đảm sự quá trình sản xuất ngay cả trong thời gian “lockdown”. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của tập thể người lao động để vượt qua những bất tiện, tốn kém của mô hình 3 tại chỗ.
Ngoài ra, theo ông Christian Leitzinger, COVID-19 cũng tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp khi nhờ giãn cách xã hội, hạn chế đi lại mà sản phẩm bánh mì của Phạm Nguyên được tiêu thụ nhiều hơn và có thêm rất nhiều người đã biết đến sản phẩm này.
Còn theo bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp của HSBC cho rằng Quản lý kinh doanh liên tục dù từng bị xem nhẹ trước đây, nhưng hiện nay lại đóng vai trò quan trọng và ngày một được ưu tiên trong hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược toàn diện để hỗ trợ nhân viên, khách hàng, nhà cung ứng và cả cộng đồng khi khủng hoảng xảy ra.
Đồng thời, đại diện HSBC cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những ví dụ thực tiễn và cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương xây dựng hoạt động bền vững trong quá trình phát triển.

TUẤN VIỆT

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version