Nối lại cung – cầu vốn: Chứng khoán đã đi trước một bước

Rate this post

Ngay trong bối cảnh khó khăn, TTCK đi trước một bước, hồi phục mạnh và thể hiện vai trò kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến Chính phủ phải có những biện pháp mạnh tay như giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, làm đứt gãy dòng tiền, trở ngại cung – cầu vốn gặp nhau.

Thị trường chứng khoán (TTCK), một “hàn thử biểu” của nền kinh tế, cũng chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn lao dốc khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt trong tháng 3/2020, TTCK nhanh chóng cho thấy sức đề kháng khá mạnh mẽ với đà hồi phục tương đối nhanh và mạnh theo hình chữ “V” từ thời điểm biện pháp giãn cách xã hội được thực thi.

Đà hồi phục ngay trong bối cảnh khó khăn đã và đang tạo môi trường thuận lợi để tăng khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp – vai trò chính của TTCK đối với nền kinh tế. Đặc biệt, vai trò đó nổi bật và đi trước một bước, khi mà ở kênh truyền thống là tín dụng có trở ngại và tăng trưởng thấp.

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6, VN-Index đã tăng gần 34% so với vùng đáy hồi cuối tháng 3 với thanh khoản đang ngày càng được cải thiện rõ rệt. Nhà đầu tư lại bắt đầu được chứng kiến những phiên giao dịch có thanh khoản lên đến hơn 7.000 tỷ đồng thậm chí xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), chỉ trong 3 tháng trở lại đây (3, 4 và 5), lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới lên đến con số 102.427 đơn vị, xấp xỉ so với tổng tài khoản mở mới của 6 tháng cuối năm 2019 (102.712 đơn vị). Việc TTCK được xếp vào dịch vụ thiết yếu và được hoạt động bình thường trong tháng giãn cách xã hội đã kích thích lớp nhà đầu tư thế hệ mới (F0) đổ tiền vào thị trường.

Bên cạnh dòng tiền mới trong nước, khối ngoại bắt đầu có xu hướng mua ròng trở lại thông qua các quỹ ETF mới tham gia thị trường như VNDiamond, VNFinlead. Đồng thời, các quỹ ngoại tên tuổi trên thị trường đẩy mạnh giải ngân mua cổ phiếu cũng tạo hiệu ứng tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư.

Kênh kết nối cung – cầu vốn hiệu quả của doanh nghiệp

Trên thực tế, mặc dù những biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra từ sớm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc, thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/5 chỉ ở mức 1,96% so với cuối năm 2019, nhích nhẹ so với mức 1,31% cuối tháng 3/2020.

Trong bối cảnh đó, TTCK lại đang phát huy tốt vai trò huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế. Việc thị trường “bất ngờ” sôi động trong khoảng 2 tháng trở lại đây với thanh khoản bùng nổ đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh.

Một ví dụ điển hình phải kể đến kế hoạch phát hành tăng vốn thành công của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB). Theo đó, nhà băng này mới đây đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng gồm gần 300,8 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu và hơn 251 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2 năm 2017 và 2018.

Việc tăng vốn thành công là cơ sở để SHB sớm hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II, qua đó có thêm dưa địa tăng trưởng tín dụng cũng như củng cố, đẩy mạnh hoạt động.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã LPB) cũng phát hành thành công 88,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10%) để nâng tăng vốn điều lệ lên 9.769 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng này đã phát hành gần 82,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành khoảng 6,3 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ thặng dư vốn cổ phần.

Gắn với diễn biến trên TTCK, chính SHB và LPB cũng là hai cổ phiếu điển hình tăng giá mạnh vừa qua và cho đến nay.

Mới đây, CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) cũng đã công bố kế hoạch trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.039 tỷ đồng lên 2.983 tỷ đồng với 3 phương án gồm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 8%), phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 4:1) và chào bán tối đa 27,12 triệu cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.

Số tiền thu được từ phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu dự kiến gần 510 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho việc đầu tư hoặc góp vốn đầu tư vào các SPVs triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đầu tư mua các dự án/nhà máy điện (nếu có) và/hoặc bổ sung cho vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tương tự, dù chưa có phương án chi tiết nhưng CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) cũng đang gấp rút triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ ngay trong năm nay để thực hiện dự án Nam Tân Uyên 3…

Rõ ràng việc nối lại cung – cầu vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi sau dịch của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Việc các kênh kết nối hoạt động hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn cần thiết và phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với tín dụng ngân hàng, TTCK Việt Nam, với đà hồi phục mạnh mẽ hiện nay, tiếp tục khẳng định vai trò của một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, đã và đang cụ thể hóa bằng những điển hình huy động thành công như trên ngay trong bối cảnh mà một số nhận định xem là khủng hoảng bởi Covid-19.
Dự kiến ngày 12/6 tới, Nhịp sống Doanh nghiệp () cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Nối lại cung – cầu vốn, tiếp sức phục hồi”.
Tham dự tọa đàm có các chuyên gia kinh tế, tài chính, chứng khoán và đại diện các doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng thương mại, cùng các nhà báo và phóng viên, bạn đọc quan tâm.
Nội dung tọa đàm sẽ tập trung trao đổi từ thực tiễn các ngân hàng thương mại đang triển khai các giải pháp, chương trình hỗ trợ khách hàng; những vướng mắc và yêu cầu đặt ra đối với và từ doanh nghiệp để hồi phục sản xuất kinh doanh; nhìn lại vai trò cầu nối thị trường vốn, với diễn biến đã thể hiện trên thị trường chứng khoán cùng dự báo; thị trường trái phiếu doanh nghiệp với hướng đi mới trong huy động vốn…

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version