Những thương vụ thoái vốn Nhà nước “đình đám” năm 2020

Rate this post

Thị trường sẽ khó trông đợi vào các thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn trong năm 2021.

Ảnh minh họa.

Năm 2020 được coi là một năm không có nhiều đột phá trong công tác thoái vốn nhà nước. Theo thống kê, đã có 24 thương vụ thoái vốn Nhà nước được thực hiện trong đó, có 21/24 thương vụ đấu giá trọn vẹn với 100% số cổ phiếu được chào bán, tổng giá trị mang về gần 8.000 tỷ đồng.

Điểm tích cực đến từ giá trị thu về từ các đợt thoái vốn trong năm 2020 đã vượt xa con số 5.000 tỷ đồng của năm 2019 dù số lượng thương vụ chỉ bằng một nửa.

HAI THƯƠNG VỤ NGHÌN TỶ CỦA BỘ XÂY DỰNG

Thương vụ thoái vốn có giá trị lớn nhất năm 2020 thuộc về Bộ Xây dựng khi rút toàn bộ 36% vốn, tương đương 108 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Tổng Công ty IDICO (mã IDC).

Toàn bộ số cổ phiếu IDC đã được bán hết cho 1 nhà đầu tư tổ chức và 8 nhà đầu tư cá nhân. Giá bình quân bằng với mức giá khởi điểm 26.936 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền Bộ Xây dựng thu về gần 2.909 tỷ đồng sau phiên đấu giá ngày 27/11.

Trước đó ít ngày, Bộ Xây dựng cũng đã thoái hết 40,53% vốn tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 (mã CC1) sau khi bán thành công gần 45 triệu cổ phiếu đang nắm giữ thông qua buổi đấu giá ngày 25/11.

Số cổ phiếu trên được 12 nhà đầu tư cá nhân mua gom với giá bình quân 23.031 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm. Ước tính Bộ Xây dựng thu về hơn 1.027 tỷ đồng sau thương vụ này.

VIETTEL THOÁI BỚT VỐN DOANH NGHIỆP “GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG”

Trong những tháng cuối năm, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã lần lượt thoái bớt vốn tại 2 doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng” là Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post – mã VTP)Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Constructions – mã CTR) xuống còn trên 50%.

Theo đó, ngày 11/11, Viettel đã tổ chức bán đấu giá gần 5 triệu cổ phiếu VTP đang sở hữu với giá khởi điểm 105.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu trên được bán thành công cho 12 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng bình quân 105.907 đồng/cổ phiếu. Thương vụ này mang về cho Viettel gần 528 tỷ đồng.

Ngày 07/12, Viettel tiếp tục đưa gần 8 triệu cổ phiếu CTR ra đấu giá với mức giá khởi điểm 46.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ hơn 4 triệu cổ phiếu được đấu trúng giá bởi 17 nhà đầu tư cá nhân và 2 nhà đầu tư tổ chức tham gia đấu giá với mức giá bình quân 46.617 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị Viettel thu được gần 209 tỷ đồng.

Với VTK, 10 nhà đầu tư là cá nhân trong nước đăng ký mua tổng cộng 90.000 cổ phần VTK của Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel do Tập đoàn Viettel bán đấu giá. Trong khi đó, số lượng cổ phần VTK mà Viettel muốn thoái trong đợt này là 630.748 đơn vị. Như vậy, tỷ lệ thành công của đợt thoái vốn này là xấp xỉ 14,3%. Nói cách khác, hơn 540.000 cổ phần VTK mà Viettel muốn bán đấu giá rơi vào tình trạng “ế ẩm” dù có khá nhiều các nhà đầu tư tham gia vào thương vụ này.

Với mức giá khởi điểm là 27.500 đồng/cổ phần, tối thiếu Tập đoàn Viettel chỉ thu về hơn 2,4 tỷ đồng từ thoái vốn tại Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel.

SCIC “CHẬT VẬT” THOÁI VỐN

Từ đầu năm 2020, riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện tổng cộng 6 thương vụ thoái vốn với tổng giá trị thu về đạt hơn 1.200 tỷ đồng.

Điển hình có thể kể đến thương vụ rút vốn khỏi Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO5) sau khi đấu giá thành công 17,56 triệu cổ phần của CIENCO5 vào ngày 20/3.Một nhà đầu tư tổ chức đã mua toàn bộ số cổ phiếu trên với giá 19.500 đồng/cổ phiếu (cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/cổ phiếu). Hoàn tất thoái vốn, SCIC thu về hơn 342 tỷ đồng.

Không được suôn sẻ như thương vụ CIENCO5, sau 2 lần đấu giá, SCIC mới hoàn tất việc thoái vốn khỏi CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (mã AFX). Trong phiên đấu giá lần 2 diễn ra ngày 03/12, SCIC đã đấu giá thành công 17,85 triệu cổ phiếu, tương ứng 51% vốn điều lệ của AFX cho một tổ chức. Giá đấu thành công là 19.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị thương vụ đạt hơn 339 tỷ đồng.

Đáng chú ý, SCIC thành công với nhiều thương vụ nhỏ nhưng lại thất bại trong 3 thương vụ thoái vốn nhà nước được chờ đợi từ nhiều năm tại FPT, Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã SGC)Voricamex (mã VOC). Bất ngờ hơn là nguyên nhân dẫn đến đấu giá thất bại đều do không đủ nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Điểm chung trong các thương vụ đấu giá của SCIC là đấu giá trọn lô, tức là mỗi nhà đầu tư tham gia sẽ phải mua toàn bộ lượng cổ phần đấu giá. Theo SCIC, việc bán toàn bộ lô cổ phần để tránh trường hợp nhà đầu tư chỉ mua một phần nhằm đạt được quyền chi phối doanh nghiệp rồi thôi, cổ đông Nhà nước phải nắm giữ số ít cổ phần còn lại mà không cách nào bán được. Tuy nhiên điều này lại gián tiếp cản trở sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hạn chế.

Theo đánh giá của CTCK VDSC, thị trường sẽ khó trông đợi vào các thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn trong năm 2021. Những thương vụ thoái vốn được chờ đợi tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – mã VEA), Tổng công ty Viglacera,… là những doanh nghiệp sẽ được sắp xếp thoái vốn theo phương án cụ thể.

Tuy nhiên, không loại trừ một số thương vụ mang tính chất bất ngờ trong năm sau như PVN thoái vốn Đạm Cà Mau khi đã đàm phán xong cơ chế giá khí chưa kể các thương vụ chưa thực hiện trong năm 2020 có thể dời sang năm sau.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version