Những kiến nghị “nóng” tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020

Rate this post

Việt Nam cần phải “xây dựng một thị trường chứng khoán, cơ chế tài chính minh bạch và công bằng, được vận hành một cách hiệu quả và mở cửa hơn đối với các giao dịch với nước ngoài”, phía Nhật kiến nghị.

Hôm nay, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Thường niên 2020: Thách thức & Cơ hội trong trạng thái bình thường mới đã chính thức khai mạc.
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – ông Hong Sun, Đồng Chủ tịch và TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận xét đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nặng nề khiến nhiều nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng, triển vọng phục hồi cho đến nay còn rất nhiều khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2020, Việt Nam phải đảm đương nhiều trọng trách nặng nề, nổi bật là vị trí chủ tịch ASEAN, ủy viên không thường trực hội đồng bảo an Liên hợp quốc, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.
Cho đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và cùng lúc duy trì được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,4% năm 2020, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã hoàn thành tích cực và chủ động, có nhiều sáng kiến tích cực trong môi trường hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trong năm 2020, với quyết tâm của chính phủ, hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đã đạt nhiều thành công đáng kể, việc tham gia các Hiệp định EVFTA, RCEP, UVFTA… đều là những nỗ lực hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Để hoàn thành được những mục tiêu trên, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã thực hiện và sẽ duy trì nhất quán mục tiêu bình ổn chính trị kinh tế; điều hành chủ động linh hoạt chính sách tiền tệ; tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng biện pháp phù hợp; ưu tiên phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư vào hạ tầng; chủ động đón làn sóng đầu tư mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường; đa dạng thị trường, thu hút mạnh mẽ đầu tư, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, mở rộng thị trường, thu hút dự án đầu tư có chất lượng cao.
Đại diện cho tiếng nói từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một số đề xuất liên quan đến doanh nghiệp. Ông Lộc khẳng định quan điểm hoan ngênh chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt liên quan đến FDI. Theo ông Lộc, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, việc giữ được việc làm cho người lao động là một thành công lớn, theo thống kê, tỷ lệ người lao động Việt Nam giữ được việc làm rất cao so với mặt bằng chung của khu vực.
Tuy nhiên ông Lộc cũng khẳng định còn rất nhiều việc phải làm. Về nguồn nhân lực, cần xây dựng chương trình đào tạo lao động chuyên sâu trong ngành kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy chuỗi giá trị trọng điểm, dịch chuyển và đảm bảo gắn kết được FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; tập trung triển khai có hiệu quả luật PPP và luật đầu tư công.
Ngoài ra, tại các khu vực đầu tư trọng điểm, nâng cấp hạ tầng logistics. Hiện nay chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới.
Công tác kết nối doanh nghiệp cũng cần phải được hỗ trợ thêm, theo khẳng định của ông Lộc. Ông Lộc cho rằng cần thiết lập cổng thông tin thị trường kết nối cho doanh nghiệp, thực hiện chương trình quảng bá xúc tiến cho Việt Nam và nước ngoài.
Chính phủ lập trung tâm kỹ thuật, hỗ trợ kiểm tra hàng hóa miễn phí để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; hướng tới tạo lập sự kết nối và liên thông giữa các cơ quan nhà nước, ông Lộc nhấn mạnh.
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, bà Virginia B. Foote đưa ra một số gợi ý chính sách cho phía Việt Nam.
Theo bà Virginia B. Foote, trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu của Chính phủ về giảm giao dịch trực tiếp và giảm sử dụng tiền mặt, các doanh nghiệp nước ngoài đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước. Bà Foote cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Chính phủ thực hiện kế hoạch tương lai về môi trường và năng lượng sạch hơn. Các thành viên Amcham rất vui mừng khi thấy nghị quyết 55 và nghị quyết 140 của Chính phủ được thực hiện.
Tuy nhiên, AmCham thể hiện quan ngại rất lớn về điện than, việc này gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe của người dân. Thay cho việc xây dựng nhà máy điện than, Việt Nam nên tham khảo năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng và khí đốt ngoài khơi, chủ tịch Amcham nhấn mạnh.
Amcham đề nghị giảm gánh nặng về thuế, hỗ trợ ưu đãi thuế và thuế quan với năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sinh khối. Hiện nay thuế đang ở mức rất cao – đối với việc phát triển dự trữ khí đốt ngoài khơi vốn đã chiếm tới 50 – 60% đối với nguồn tài nguyên của Việt Nam. Việc cân bằng thuế đối với khí thiên nhiên hóa lỏng, đồng thời cung cấp các ưu đãi về thuế và thuế quan đối với năng lượng mặt trời, gió và sinh khối có thể giúp tạo ra sự khác biệt.
Amcham cũng thể hiện mong muốn sớm ký kết và thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp có thể giúp xanh hóa chuỗi cung ứng, mong muốn hợp tác để xây dựng ngành công nghiệp tái chế theo Luật Môi trường mới, giúp làm sạch các tuyến đường thủy và thành phố của Việt Nam, đồng thời thu hút việc làm mới.
Amcham cam kết tiếp tục làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và cảm ơn Chính phủ vì những nỗ lực này. Điều quan trọng là tất cả các công ty và nhà đầu tư phải có một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý hóa, coi trọng sự đổi mới – không chỉ để thu hút đầu tư mới đang tăng trưởng, mà còn tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu, chủ tịch Amcham nhấn mạnh.
Quang cảnh của Diễn đàn
Theo ông Kim Han Young, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam Hàn Quốc, nhất là những giải pháp và tạo điêu kiện cho phép nhập cảnh đặc biệt vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng trong thời gian vừa qua.
Ông Kim Han Young nhắc lại việc gần đây hai nước đã đạt thỏa thuận về việc doanh nhân tới Việt Nam dưới 14 ngày với mục đích kinh doanh sẽ được miễn cách ly bắt buộc, với điều kiện phải tuân chủ chặt chẽ hướng dẫn về cách ly theo quy định của cơ quan chức năng trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Ông tin rằng hành động thiện chí này sẽ rất hữu ích trong thúc đẩy kinh tế của cả Hàn Quốc và Việt Nam trong tình hình Covid-19. Ông hy vọng các chuyến bay thương mại thường xuyên giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ sớm được nối lại trong tương lai gần. Ông cũng đánh giá cao nhiều chính sách thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông không khỏi băn khoăn khi mà một số dự án quy mô lớn của Hàn Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bị chậm trễ do thiếu hướng dẫn pháp lý rõ ràng, và điều này gây khó khăn cho hoạt động đầu tư. Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc xây dựng nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp Nhật bản, ông Tetsu Funayama nhấn mạnh thực tế cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đà tăng trưởng trong bối cảnh rất nhiều nền kinh tế trên thế giới đang rơi vào trạng thái trì trệ do ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19. Đây là kết quả xứng đáng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng hiện tại, phía đại diện doanh nghiệp Nhật cho rằng đẩy mạnh thu hút thêm nhiều vốn FDI chính là một trong những chìa khóa quan trọng.
Trong số những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, có không ít doanh nghiệp phải đối mặt với các vấn đề khi “thực hiện dự án đầu tư đã được cấp phép”, hoặc khi “lắp đặt nhà máy sản xuất”. Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp cảm thấy bối rối khi gặp vấn đề về “thuế và lao động”, hoặc lo lắng về “cơ sở hạ tầng năng lượng”. Bởi vậy, giải quyết được những vấn đề kể trên sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI không chỉ từ Nhật Bản mà còn từ nhiều quốc gia khác.
Cộng đồng doanh nghiệp Nhật đề xuất hai yêu cầu nhằm giải quyết những vấn đề này.
Thứ nhất là bố trí một đầu mối liên hệ chung liên quan đến dự án đầu tư. Ông Tetsu Funayama mong rằng Chính phủ sẽ bố trí một đầu mối liên hệ chung trong bộ máy chính quyền trung ương để liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và đối ứng tham vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Thông qua trao đổi liên lạc với đầu mối liên hệ này, các doanh nghiệp nước ngoài có thể hiểu một cách chi tiết về thủ tục cần thiết để xin cấp phép đầu tư và thực hiện đầu tư, hiểu về việc áp dụng cụ thể của từng quy định pháp luật trước khi thực hiện đăng ký đầu tư. Điều này sẽ giúp loại bỏ những lo lắng của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, từ đó giảm thiểu phần nào các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích công việc. Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, đến nay đã có khoảng 3.000 người nước ngoài được nhập cảnh với mục đích công việc. Tuy nhiên, những người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam theo diện trên phần lớn là các vị trí cấp cao của doanh nghiệp đã sinh sống ở Việt Nam trong một thời gian dài. Thực tế cho thấy việc nhập cảnh đối với các kỹ sư sang Việt Nam ngắn hạn để thi công, vận hành thử dây chuyền sản xuất, giải quyết các vấn đề trước khi sản xuất chính thức vẫn còn rất nhiều hạn chế.
“Phía Nhật bản rất hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp, cơ chế đặc biệt đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn hạn trên”, ông Tetsu Funayama nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc như hiện nay, ông Tetsu Funayama rằng Việt Nam cần phải “Xây dựng một thị trường chứng khoán, cơ chế tài chính minh bạch và công bằng, được vận hành một cách hiệu quả và mở cửa hơn đối với các giao dịch với nước ngoài”.

NGỌC DIỆP

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version