Theo kết quả khảo sát của TAB, An toàn dịch bệnh và Giá tương xứng với chất lượng là hai ưu tiên hàng đầu cho quyết định đi du lịch.
Thêm vào đó, thông tin đầy đủ (21%), chứng nhận an toàn (14%) quan trọng hơn cả điểm đến và sản phẩm du lịch mới.
“Khách du lịch hiện nay đang bị đói về thông tin du lịch an toàn. Chúng ta kêu gọi phát động du lịch an toàn rất nhiều, nhưng, dường như việc này mới dừng lại ở việc kêu gọi, còn làm thế nào để khách tiếp cận được thông tin du lịch an toàn thì có đến 75% số người trả lời nói rất mong muốn có chuyển đổi số trong vấn đề cung cấp thông tin này”, ông Hoàng Nhân Chính nhận định.
Cũng theo thông tin từ TAB, xu hướng nghỉ dưỡng biển vẫn lớn nhất (chiếm 64%), tiếp đến là xu hướng khám phá thiên nhiên, ẩm thực tăng nhiều so với khảo sát trước kia. Vì thế, trong tốp 15 điểm đến được yêu thích nhất do du khách nội địa bình chọn trong cuộc khảo sát, đứng đầu vẫn là các tỉnh, thành phố có biển, đồi núi hay kết hợp cả hai đặc điểm này như: Phú Quốc (Kiên Giang), Lâm Đồng, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa…
Trưởng ban thư ký TAB đánh giá, kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu du lịch của du khách như “lò xo nén bật mạnh”. Sau thời gian dài giãn cách, người dân rất mong muốn được đi chơi, nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè.
“Bên cạnh nhu cầu cao của nhóm trẻ tuổi, đối tượng khách trung tuổi, lớn tuổi cũng có nhu cầu cao về du lịch nghỉ dưỡng biển. Khách quan tâm nhiều đến sản phẩm du lịch chất lượng, an toàn chứ không chỉ vấn đề giảm giá. Đây là cơ sở để các công ty du lịch cần lưu ý khi xây dựng sản phẩm”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.
Trong diễn biến liên quan, ngày 10/11, Ban IV và TAB đã có Công văn đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 gửi Thủ tướng Chính phủ với 4 nhóm đề xuất lớn:
Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128 và trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp Nghị quyết này thì tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để người dân và doanh nghiệp có thể vận hành công việc, cuộc sống trong bối cảnh dịch một cách chủ động, hiệu quả.
Theo đó, các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có cùng quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương mà không nhất quán với quy định chung của Chính phủ.
Thứ 2, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, đi lại, cư trú,… và chú trọng đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập.
Theo đó, thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cần được cập nhật thường xuyên và được đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập. Tuy nhiên cần đảm bảo tất cả các kênh đều cùng đưa nội dung thông tin nhất quán, chính xác và cập nhật. Các địa phương cung cấp 1 đường dây nóng để giáp đáp thông tin du lịch an toàn.
Thứ 3, Chính phủ quan tâm, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong du lịch ở cả 3 cấp độ, gồm trung ương, địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo sự kết nối và đồng bộ. Trước mắt cấp trung ương ưu tiên cho việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, cấp địa phương ưu tiên cho việc tiếp thị số điểm đến và quản trị điểm đến, hướng tới quản trị hoạt động dựa trên dữ liệu thực.
Thứ 4, Chính phủ ưu tiên thực hiện hoạt động đối thoại công – tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản cùng kế hoạch phục hồi du lịch, trước hết trong giai đoạn 2022 – 2023. Trên cơ sở đó, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên kế hoạch này cho tất cả các bên cùng thực hiện.
|
TUẤN VIỆT
Nguồn: bizlive.vn