Nhu cầu và giá điều trong xu hướng tăng, các doanh nghiệp có nên cạnh tranh bằng giá thấp?

Rate this post
Việt Nam bán giá thấp quá thì nhà nhập khẩu đổ xô mua nhân điều của Việt Nam. Do vậy, lượng xuất tăng mạnh nhưng giá trị gần như không tăng, thậm chí có tháng đầu năm giảm hơn 10% khiến doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhân điều trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 đạt 23.486 tấn, với 144,846 triệu USD.
Cộng dồn từ đầu năm đến 15/5/2021 đạt 184.710 tấn trị giá 1,093 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 16% về lượng, nhưng tăng 0,85% về giá trị.
Mỹ, EU, Trung Quốc – 3 thị trường xuất khẩu chủ lực
Trong tháng 4/2021 đạt 48.510 tấn, thu về 286,9 triệu USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 10,6% về kim ngạch so với tháng 3/2021, nhưng so với cùng kỳ năm 2020 thì tăng 9,1% về lượng nhưng giảm 1,5% về kim ngạch.
Giá nhân điều xuất khẩu tháng 4/2021 tăng 1,7% so với tháng 3/2021 nhưng giảm 9,7% so với tháng 4/2020, đạt trung bình 5.914 USD/tấn. Tính trung bình giá xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2021 cũng giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.881,6 USD/tấn.
Trong 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu sang Mỹ – thị trường tiêu thụ số 1 điều Việt Nam đạt 45.704 tấn, với 251,37 triệu USD, chiếm 28%/ tổng lượng và chiếm 26,5%/ tổng kim ngạch, giảm 12,2% về lượng và kim ngạch giảm 30,3% so với cùng kỳ, giá cũng giảm 20,6%, đạt 5.500 USD/tấn.
Xuất khẩu hạt điều sang EU – thị trường lớn thứ 2 đạt 33.885 tấn, với 173,17 triệu USD, chiếm 21% /tổng lượng và chiếm 18,3% /tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 9,5% về lượng nhưng giảm 20% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá giảm 27%, đạt 5.110 USD/tấn.
Xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn thứ 3 đạt 21.961 tấn, với 158,85 triệu USD, giá 7.233 USD/tấn, tăng 5% về giá, tăng 104,9% kim ngạch, tăng 115% về lượng. Nhìn chung, xuất khẩu hạt điều sang 3 thị trường chính trong 4 tháng đầu năm sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu hạt điều thời gian tới tương đối khả quan do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng. Cụ thể, tại Mỹ đã tăng 8% trong năm 2020 – mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Tại châu Âu, nhu cầu tiêu thụ hạt điều năm 2020 tăng 17%, từ 140.000 tấn năm 2019 lên 160.000 tấn năm 2020 và dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh trong năm 2021.
Trên thị trường quốc tế, những ngày đầu tháng 5/2021, giá hạt điều tiếp tục tăng. Đặc biệt, giá hạt điều loại WW320 tăng mạnh, đôi khi đạt mức tương đương với loại WW240 do nhu cầu cao trong khi nguồn cung thấp. Giá hạt điều thô tăng khiến giá hạt điều nhân cũng tăng. Ngoài ra, khó khăn trong hoạt động logistic như thiếu container, giá vận chuyển tăng cũng có tác động đến giá hạt điều.
Ngành điều cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá thấp
Ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều trong nước thường hạ giá bán để cạnh tranh nhau, chứ không cạnh tranh bằng con đường chất lượng nên lượng nhân điều xuất khẩu trong các tháng đầu năm tăng nhưng giá trị hầu như không tăng.
Việt Nam bán giá thấp quá thì nhà nhập khẩu đổ xô mua nhân điều của Việt Nam. Do vậy, lượng xuất tăng mạnh nhưng giá trị gần như không tăng, thậm chí giá điều xuất khẩu trong các tháng đầu năm nay giảm hơn 10% khiến có doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W320 qua các tháng giai đoạn 2020 – 2021
(ĐVT: USD/tấn)
Nguồn Cục XNK
Ngoài ra, ngành điều đang có tình trạng doanh nghiệp đã chốt giá điều thô xong và trên cơ sở đó chốt lời và bán nhân điều giao xa, nhưng các công ty bán điều thô nước ngoài đòi tăng giá trên 100 USD/tấn. Trong khi đó nhà nhập khẩu nhân điều không trợ giá cho doanh nghiệp Việt Nam, tình trạng này khiến doanh nghiệp điều gặp không ít khó khăn.
“Ngày xưa Vinacas có thành lập nhóm doanh nghiệp G20, người phụ trách là thành viên trong nhóm đứng tập hợp lực lượng, làm đầu tàu kéo ngành hàng đi lên nhưng sau này các doanh nghiệp trong G20 mỗi người nhìn về một hướng, nhất là các doanh nghiệp “Big Five”, mỗi người đều có chiến lược kinh doanh khác nhau nên không ngồi được với nhau và những bất cập xảy ra trong ngành đều xử lý chậm, có những trường hợp bỏ trôi luôn. Thật sự là điều rất tiếc.
Hiện nay quan điểm của nhiều doanh nghiệp là “làm sao đè giá thô xuống thật thấp để bán giá nhân thấp”. Như tập đoàn Tân Long tuy chưa làm nhân nhiều, chủ yếu đang mua điều thô của thế giới nhưng họ có quan điểm muốn giữ giá điều thô từ 1.100 – 1.200 USD/tấn, và bán giá nhân từ 3.3 – 3.4 USD/pound (WW320) để cân bằng với các loại hạt khác trên thị trường thế giới. Đó là một ví dụ cụ thể về quan điểm kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điều”, ông Thanh chia sẻ.
Nhóm Big Five ngành điều Việt Nam gồm: Olam, Intersnack, Long Sơn, Hoàng Sơn và Tân Long. Trong đó có 2 doanh nghiệp FDI, còn lại là 3 doanh nghiệp trong nước. Nếu các doanh nghiệp Big Five chịu ngồi với nhau thì ngành điều Việt Nam có nhiều cơ hội chi phối được thị trường nhân điều toàn cầu.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version