Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị về chính sách thuế của Việt Nam

Rate this post
hàng loạt công ty như: Panasonic, Suntory Pepsico, Denso,…đã nhiều lần kiến nghị về vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại với Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam
Chiều 21/12 đã diễn ra Hội nghị Đối thoại với Doanh nghiệpNhật Bản tại Việt Nam do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì.
Trong các vấn đề được đề cập tại Hội nghị, chính sách đầu tư và chính sách thuế là hai vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra nhiều nhất. Chỉ riêng về chính sách thuế, hàng loạt công ty như: Panasonic, Suntory Pepsico, Denso,…đã nhiều lần kiến nghị về vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Giải đáp trực tiếp tại Hội nghị, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, đối với trường hợp của công ty Hoya Glass Disk Vietnam ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hưng Yên, công ty có nêu kiến nghị về việc bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách mới tăng tới 50 triệu USD.
Trả lời về vấn đề này, ông Huy cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục thuế phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên để có ý kiến chỉ đạo, giải quyết.
Cụ thể, Giấy phép đầu tư của công ty Hoya Glass Disk Vietnam cho phép nếu sản phẩm được xác định thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, hiện sản phẩm của công ty này lại chưa được xác định thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư.
UBND tỉnh Hưng Yên xác định, sản phẩm đĩa từ của Hoya là phôi chưa hoàn chỉnh, trong đó nền thuỷ tinh sản xuất thuộc mã ngành 2680 (đĩa từ) chứ không phải mã ngành 2620 (sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi) nên không thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Căn cứ theo Luật Đầu tư, sản phẩm của Hoya cũng không thuộc lĩnh vực máy tính, viễn thông, internet. Vì vậy, UBND tỉnh Hưng Yên cũng có văn bản gửi Bộ KH&ĐT kiến nghị làm rõ về vấn đề này.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi và xử lý vấn đề này, còn thẩm quyền xác định mặt hàng có được ưu đãi hay không hiện lại đang thuộc Bộ Công Thương.
Một trường hợp vướng mắc khác là công ty Suntory Pepsico, công ty này thành lập năm 1991 ở TP.HCM sau đó mở rộng thêm ở 2 nhà máy tại Bình Dương và Cần Thơ. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu công nghiệp ở Bình Dương thì cấp giấy phép đầu tư mở rộng cho công ty này và Ban Quản lý Khu công nghiệp Cần Thơ cấp giấy phép đầu tư mới.
Theo Luật đầu tư và Luật Thuế, trước 1/1/2014 Luật đầu tư tính theo dự án ưu đãi còn Luật Thuế tính theo pháp nhân. Như vậy, có sự khác nhau giữa 2 văn bản này.
Tuy nhiên, từ 1/1/2014 đến nay, Việt Nam quy định toàn bộ ưu đãi tính theo dự án và không còn sự chênh lệch giữa 2 Luật. Đối với giai đoạn trước đó, Chính phủ chủ trương là không hồi tố và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục xử lý kiến nghị của công ty Suntory Pepsico trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ
VIỆT NAM CAM KẾT TIẾP TỤC CẢI CÁCH

Liên quan đến các ý kiến của doanh nghiệp và đặc biệt lưu ý 2 trường hợp trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, văn phòng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng hiện đã tổng hợp và sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo giải quyết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, những vấn đề chưa rõ hoặc chồng chéo trong Luật tại các thời điểm khác nhau sẽ được giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đối với vấn đề xác định sản phẩm có thuộc danh mục ưu đãi đầu tư hay không sẽ do Bộ chuyên quản xác định, Bộ trưởng chỉ rõ.
Đồng thời, Bộ trường Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ áp dụng chuyển đổi số vào dịch vụ công cũng như tiến tới Chính phủ điện tử để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Về phía Nhật Bản, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn đầu tư và Việt Nam.
Tuy rằng, còn những “hạt sạn” trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, song ông Yamada Takio hy vọng rằng, qua những hội nghị đối thoại trực tiếp, các vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải sẽ được giải quyết.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version