Người sáng lập hãng thời trang GUMAC: “Đừng để doanh nghiệp lớn hơn bản thân mình, nếu không chắc chắn đến lúc sẽ vỡ”

Rate this post
“Bản thân phải phát triển trước thì doanh nghiệp mới phát triển sau được. Đặc biệt, người lãnh đạo phải đi trước, luôn luôn thay đổi. Đừng để doanh nghiệp lớn hơn bản thân mình, doanh nghiệp đi trước thì chắc chắn đến lúc sẽ vỡ”, người sáng lập GUMAC chia sẻ.
Ông chủ 8X của hãng thời trang Việt.

Giữa tháng 2/2020, tôi liên hệ, trò chuyện với ông Lê Thành Vân, người sáng lập hãng thời trang Việt mang tên GUMAC. Vào thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 dù đã xuất hiện tại Việt Nam, nhưng do được kiểm soát nên chưa tác động nhiều lên các mặt của đời sống người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi đó, với phong cách “ông chủ nông dân”, Chủ tịch GUMAC Lê Thành Vân chia sẻ về những dự định lớn với GUMAC ở tuổi đời lên 5. Đó là kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc, số lượng nâng lên 100, kế hoạch mang thương hiệu thời trang Việt ra với khu vực và trên thế giới… Người đứng đầu doanh nghiệp này còn cho biết đã từ chối trước lời mời rót vốn từ một thương hiệu lớn đến từ Nhật…

Sau hơn một năm, vẫn là cuộc liên hệ, trao đổi về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh đã rất khác. Đó là sự ảnh hưởng của làn sóng COVID lần thứ 4 với việc giãn cách xã hội thời gian dài, khi mà thị trường trọng yếu của GUMAC đặt tại Sài Gòn, nơi tâm dịch của cả nước.

Dù khẳng định bản thân bất ngờ trước đợt dịch lần này, nhưng ông chủ doanh nghiệp thời trang gắn với cái tên “vua livestream” bán hàng online vẫn với phong cách bình dân, vẫn là tinh thần lạc quan, bình tĩnh đón nhận khó khăn…

Đầu năm 2020 chúng ta gặp nhau ở một quán cà phê, khi đó Sài Gòn mới chớm những ca COVID đầu tiên nhưng mọi thứ chưa ảnh hưởng, vẫn diễn ra bình thường. Đến nay GUMAC cũng như nhiều doanh nghiệp, ngành hàng khác bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch lần thứ 4. Vậy bản thân ông có bất ngờ cũng như nản lòng trước tình huống này?

Bản thân tôi với GUMAC mọi thứ nằm ngoài dự tính. Chúng tôi đã và đang triển khai kế hoạch phát triển mạnh nhưng COVID đến bất ngờ nên mọi dự tính dang dở.

Nhưng nản lòng thì không có. Tại vì trước nay tôi luôn xác định phải có tâm thế vững vàng. Đây là cái khó chung, không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Khi hiểu được điều này tôi cùng doanh nghiệp đón nhận một cách bình thản nhưng đúng nghĩa khó khăn nên cả công ty nỗ lực thay đổi để vượt qua. Bây giờ mọi thứ cũng bắt đầu ổn định trở lại.

Ông và GUMAC đã nỗ lực vượt qua ra sao?

Đầu tiên, GUMAC thực hiện tối ưu chi phí những chi phí sản xuất, cái nào không mang lại doanh thu đều phải cắt giảm. Những cửa hàng thuê chi phí lớn phải đóng cửa, hoặc những cửa hàng lợi nhuận không tốt, năm trước thì tiếc nhưng nay là cơ hội đóng để chuẩn bị thay thế cửa hàng khác. Chúng tôi đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng thị trường phía Bắc, để tập trung online nhiều hơn vì giai đoạn này chi phí vận hành, chi phí cố định lớn.

Ảnh hưởng dịch COVID-19 không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Khi hiểu được điều này tôi cùng doanh nghiệp đón nhận một cách bình thản nhưng đúng nghĩa khó khăn nên cả công ty nỗ lực thay đổi để vượt qua. Ông Lê Thành Vân, người sáng lập hãng thời trang Việt mang tên GUMAC

Chúng tôi huy động tất cả nhân viên tham gia hoạt động bán hành, gia tăng doanh thu, tận dụng mọi nguồn lực. Giao hàng thời điểm này rất khó, chúng tôi đã phát hành thẻ mua hàng yêu thương, khách hàng mua trước trả sau, áp dụng với những khách hàng yêu mến GUMAC, mang lại doanh thu dòng tiền cho doanh nghiệp.

Ngoài ra giai đoạn này chúng tôi phát triển học tập cho nhân viên, ban lãnh đạo cũng phải học tập.

“Vua” bán hàng thời trang online tham gia bán hàng khi giãn cách xã hội

Có những kế hoạch lớn nào của ông, của GUMAC bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh? Ông đã điều chỉnh mục tiêu ra sao?

Đầu tiên là kế hoạch phát triển thị trường miền Bắc phải dừng lại, các cửa hàng thị trường này phải đóng. Việc phát triển thêm các dòng sản phẩm mới phải ngưng vì dịch không sản xuất được.

Giai đoạn này, chúng tôi tập trung giải quyết vấn đề hàng hóa GUMAC hiện tại. Bởi hàng hóa chuẩn bị cho cuối năm. Doanh nghiệp tập trung tối ưu chi phí có lợi nhuận, bù lại những tháng dịch bệnh khó khăn. Chúng tôi xác định tập trung cải tiến sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đầu tư cho nhân sự học tập, thay đổi liên tục.

Sau đợt dịch, ông rút ra những điều gì cho bản thân, cho doanh nghiệp?

Dịch bệnh đến cho bản thân rất nhiều bài học, đặc biệt là về quản trị doanh nghiệp, quản trị bản thân. Đầu tiên việc quản trị, phát triển bản thân rất quan trọng. Bản thân phải phát triển trước thì doanh nghiệp mới phát triển sau được. Đặc biệt người lãnh đạo phải đi trước, luôn luôn thay đổi. Đừng để doanh nghiệp lớn hơn bản thân mình, doanh nghiệp mà đi trước thì chắc chắn đến lúc nào đó sẽ vỡ.

Việc quản trị nhân sự rất nhiều bài học, bây giờ chọn nhân sự kỹ lưỡng hơn, lựa những nhân sự phù hợp. Cái gì không quản trị được thì không làm, đã làm thì phải quản trị được.

Trong bối cảnh khó khăn phải giữ bình tĩnh, tỉnh táo, vững trãi. Trong giai đoạn này cần sự đồng lòng của tất cả mọi người từ trên xuống dưới, chung chí hướng mới vượt qua được khó khăn. Câu nói tôi hay chia sẻ “khi cùng nhau không gì là không thể, mọi sự phải linh hoạt, không linh hoạt rất khó”.

Mọi người cùng nhau thay đổi tư duy, ứng biến, đổi mới liên tục, tăng khả năng thích ứng, xây dựng văn hóa hướng tới khách hàng, coi khách hàng là trung tâm, cải tiến quy trình, con người học tập cải tiến liên tục…

Ông có chia sẻ gì về sự đồng lòng của lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên để vượt qua khó khăn?

Khi dịch, lãnh đạo và nhân viên đều làm việc ở nhà, chúng tôi tăng cường kết nối qua nền tảng online để trao đổi thông tin. Công ty ghi nhận ý kiến đóng góp của tất cả mọi người, đồng lòng chung chí hướng vượt qua khó khăn, là cơ hội để mọi người đóng góp chia sẻ ý kiến, tận dụng khả năng của các thành viên.

Mọi người có tinh thần xông pha, hai vợ chồng tôi ra ở ký túc xá từ đầu dịch đến giờ chưa về, truyền động lực cho tất cả mọi người, chia sẻ ruột gan, chia sẻ thật. Chia sẻ với nhân viên để họ hiểu được, việc đóng cửa rất nhiều cửa hàng như vậy bản thân ban lãnh đạo rất đau lòng, chia sẻ để mọi người đồng lòng vượt qua.

TP.HCM vừa nới lỏng giãn cách, ông và GUMAC đang có kế hoạch ra sao trong đường hướng phát triển cho thời gian còn lại của 2021 cũng như năm tới?

GUMAC tập trung cải tiến sản phẩm, nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Chúng tôi hiểu 2 điều này rất quan trọng, nằm trong chiến lược của chúng tôi.

Chúng tôi tập trung vào câu chuyện nâng cấp cửa hàng. Nhiều cửa hàng xuống cấp, theo mô hình cũ cần thay đổi. Ngoài ra chúng tôi sẽ xây dựng cửa hàng lớn, tăng quy mô, nhận diện về mặt thương hiệu.

Sản phẩm phải được phải thay đổi liên tục, cải tiến liên tục. Chúng tôi phát triển sản phẩm mới như đồ nam, đồ trẻ em, là những sản phẩm nằm trong chiến lược đa dạng sản phẩm, không chỉ thời trang dành cho nữ mà dành cho mọi người, mọi gia đình…

Điều quan trọng nữa là đội ngũ GUMAC cần được học tập, rèn luyện liên tục. Thời gian qua, team chúng tôi có luồng sinh khí mới là phát huy tinh thần tự học của các thành viên, đặc niệt là đội ngũ ban lãnh đạo.

Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRÂM

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version