Dự kiến từ ngày 27/12, TAND TP.HCM mở xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC, CTCP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco, gây thiệt hại cho nhà nước gần 670 tỷ đồng. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 10/1/2022.
Các bị cáo trong vụ án gồm Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco; Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 18 đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại IPC, Sadeco (công ty con của IPC).
Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Hà. Đại diện Viện KSND TP.HCM gồm ông Ngô Phạm Việt, Võ Đức Trí và bà Trần Thị Liên.
Hội đồng xét xử triệu tập nhiều cá nhân, tập thể với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm UBND TP.HCM, Công ty IPC, Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM… Có 44 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận có vốn hơn 2.926 tỷ đồng, là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP sở hữu 100% vốn điều lệ. Ông Tề Trí Dũng làm Tổng giám đốc công ty từ 4/5/2015 đến tháng 10/2018.
SADECO có vốn 170 tỷ đồng, trong đó vốn cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 60,7% (IPC chiếm 44%, Văn phòng Thành ủy TP chiếm 16,7%), Công ty Eximland nắm 30,8%, cổ đông khác nắm 8,5%. Ông Tề Trí Dũng là Chủ tịch HĐQT, Hồ Thị Thanh Phúc là Tổng giám đốc công ty.
Ngày 12/9/2016, Công ty Nguyễn Kim ký hợp đồng đặt cọc nhận chuyển nhượng toàn bộ 30,8% cổ phần mà Eximland nắm tại SADECO với giá 55.000 đồng/CP, tổng giá trị gần 288 tỷ. Đến 7/10/2016, Nguyễn Kim đã thanh toán đủ số tiền mua cổ phần.
Ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có công văn gửi SADECO đề nghị xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược với SADECO thông qua hình thức tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược, hợp tác đầu tư 2 dự án của Nguyễn Kim tại Thủ Đức và Tân Bình, TP.HCM.
Ngày 27/11/2016, các thành viên HĐQT SADECO thống nhất giao Ban điều hành công ty tính toán phương án tăng vốn điều lệ, chọn Công ty Nguyễn Kim trở thành cổ đông chiến lược và Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) thực hiện thẩm định giá.
Ngày 27/6/2017, ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC ký tờ trình về giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại SADECO từ 44% xuống 28,8% theo phương án phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/CP cho cổ đông chiến lược Nguyễn Kim.
Cơ quan điều tra xác định, ông Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục, chủ trương hợp tác với công ty Nguyễn Kim, đến khi hoàn thành việc phát hành cổ phần cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/CP; sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai quy định để thực hiện các thủ tục phát hành cổ phần cho Nguyễn Kim thấp hơn giá trị của SADECO, không thực hiện việc đấu giá theo quy định, thất thoát tài sản nhà nước gần 670 tỷ (bao gồm vốn của UBND TP là hơn 485 tỷ, vốn của Thành ủy là hơn 184 tỷ).
Với ông Tất Thành Cang, cáo trạng xác định, ông Cang giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM từ ngày 5/2/2016 đến ngày 7/1/2019. Ông Cang trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các ban thành ủy và phụ trách Văn phòng Thành ủy, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dự toán ngân sách đảng bộ được Ban thường vụ Thành ủy thông qua, việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình, các chương trình đầu tư phát triển của đảng bộ.
Sau khi nhận được tờ trình số 1148 ngày 18/5/2017 của Văn phòng Thành ủy, ông Tất Thành Cang bút phê “đồng ý” vào tờ trình. Từ ý kiến đồng ý của bị can Cang, thông báo của Văn phòng Thành ủy về việc chấp thuận chủ trương, nhóm đại diện quản lý vốn thành ủy gồm Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện, tiến hành biểu quyết đồng ý phương án chuyển nhượng 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/CP cho đối tác chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, gây thất thoát vốn nhà nước tại SADECO.
Cơ quan điều tra xác định, với vai trò Phó bí thư thường trực Thành ủy TP, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy – chủ sở hữu vốn thành ủy, bị cáo Tất Thành Cang phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Sadeco phải thực hiện đấu giá và thực hiện thẩm định giá giá trị cổ phần theo quy định tại Nghị định 91, nhưng ông Cang vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo đấu giá để chọn cổ đông chiến lược.
Việc ông Cang bút phê “đồng ý” tại tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần là 40.000 đồng/CP cho 1 cổ đông là vi phạm Luật Doanh nghiệp (thẩm quyền quyết định giá bán thuộc về HDDQT), gây thất thoát cho tài sản nhà nước hơn 184 tỷ đồng.
HUYỀN TRÂM
Nguồn: bizlive.vn