–
Xuất khẩu tôm mang về khoảng 3,8 tỷ USD/năm, đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Ecuador. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu.
Xuất khẩu tôm về đích thắng lợi nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp tôm không như mong muốn.
TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT FIMEX VN cho biết, những diễn biến đầy bất ngờ trong 6 tháng cuối năm 2021 khiến các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro và củng cố hoạt động.
Trong thời điểm căng thẳng nhất chống dịch, nhiều doanh nghiệp tôm phải thu hẹp hoạt động và có không ít doanh nghiệp bị tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng “3 tại chỗ”. May mắn số đông doanh nghiệp lớn rơi vào hoàn cảnh ít rủi ro nhất nên vẫn xuất được hàng ra nhiều thị trường.
Về thị trường nhập khẩu, cũng đưa ra yêu cầu đối với mặt hàng tôm kiểm soát chặt virus như Australia, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông, nên doanh nghiệp phải trang bị máy Realtime PCR – kiểm tra người nhiễm có độ chính xác cao và chi phí có thể cao hơn gấp ba lần so kiểm kháng nguyên. Nhưng cũng qua mà kịp thời bóc tách các lao động nghi nhiễm, không để lây nhiễm nhiều vòng thành ổ dịch.
Có thể đó là lý do chính để các doanh nghiệp tôm lớn vẫn giữ vững hoạt động suốt 6 tháng căng thẳng vừa qua, tuy có lúc cũng có doanh nghiệp vất vả với các ca nhiễm liên tục nhiều ngày.
“Trong thời gian này, tuy phải đương đầu các khó khăn chủ yếu từ hạn chế đi lại khiến việc cung ứng các vật tư đầu vào nuôi tôm bị tác động, nhưng việc thả giống vẫn duy trì dù quy mô có sụt giảm rõ rệt. Người nuôi tôm chẳng những đối diện khó khăn trong việc tiếp nhận đầu vào còn lo lắng giá tôm giảm khá nặng ở quý 3. Song, vào quý 4 giá tôm đã hồi phục do nguồn cung tôm có hạn từ các nguyên nhân nói trên.
Lượng tôm 6 tháng cuối năm 2021 có thể không bằng cùng kỳ năm trước, nhưng ở 6 tháng đầu năm là ngược lại. Nhờ vậy, các doanh nghiệp tôm vẫn duy trì nhịp độ chế biến và tuy hoạt động có khác biệt do tình hình dịch bệnh cụ thể từng địa phương nhưng cái chung đã tạo ra thành quả khả quan, hơn hẳn năm rồi”, nguyên Chủ tịch VASEP nhìn nhận.
Kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 3%. Trong đó tỉnh Sóc Trăng có tăng trưởng tốt nhất, trên 20% và lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD để dẫn đầu cả nước.
Chuỗi giá trị ngành tôm duy trì tốt, nhưng mọi chi phí đều tăng
Cả ngành tôm về đích nhưng tâm thế về đích lần này rất khác biệt. Có những doanh nghiệp vui mừng, có những doanh nghiệp còn không ít đắn đo cho tương lai sắp tới, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp lo lắng vì không ít hợp đồng vẫn chưa hoàn tất.
Cả ngành về đích nhưng không nhiều doanh nghiệp giữ được hiệu quả như năm trước, do tiền thuê container rỗng đi thị trường xa như Bắc Mỹ, EU tăng quá mạnh. Nhất là Hoa Kỳ – thị trường tôm lớn nhất của Việt Nam nhưng phí thuê container vận chuyển tôm tăng nặng nề nhất. Số tiền tăng có thể cao hơn số tiền lãi cho lô hàng chứa bên trong container đó.
Kém hiệu quả còn do nhiều nguyên nhân khác như vật tư đầu vào, như chi phí lao động, như chi phí y tế cho tầm soát dịch bệnh kéo dài.
Người nuôi tôm cũng không vui vẻ gì, nhất là giai đoạn tháng 8, tháng 9 giá tôm giảm quá nhiều, khiến nhiều hộ nuôi không có lãi dù kết quả nuôi cũng khá khả quan. Tất cả tạo nên bức tranh chung tuy có điểm sáng nhưng cũng đầy điểm xám.
Điểm sáng là chuỗi giá trị ngành tôm duy trì tốt, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng tôm không bị đứt gãy. Đây là nền tảng hết sức căn bản cho việc phục hồi năm tới.
Một điểm khác sáng khác, là lượng lao động quay về quê ở tháng 10 vừa qua khá lớn và một phần trong đó không có ý định quay lại làm việc ở các tỉnh, thành công nghiệp nữa. Đây là một động lực để các doanh nghiệp tôm mạnh tay mở rộng quy mô hoặc xây nhà xưởng mới. Khi các doanh nghiệp có động thái này cũng kích thích mảng nuôi tăng trưởng…
Tuy nhiên, bức tranh ngành tôm 2021 vẫn có gam màu xám, do các thiệt hại nêu trên khiến tiềm lực tài chính ngành không được bổ sung, hạn chế đầu tư mở rộng; các dự báo về dịch bệnh chưa thật sự sáng sủa dù người dân đã tiêm tới mũi tăng cường; tình hình lạm phát lớn diễn ra trong phạm vi toàn cầu sẽ tác động trực tiếp thu nhập người nuôi, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp; nỗi bất an còn ít nhiều trong suy nghĩ mỗi người vì cái khó còn rình rập, rủi ro có thể đến bất ngờ.
“Nói gì nói, về đích cơ bản an toàn cũng là một thành quả đáng quý của ngành tôm. So “anh em trong nhà” như cá nước ngọt, thì ngành tôm có chút may mắn hơn. So sánh để tạo động lực và để cùng nhau nỗ lực hơn năm tới. Cũng cần nói thêm là thành quả này chắc không ít mái đầu từ các thành viên trong các mắt xích chuỗi giá trị con tôm đã bạc nhiều hơn, nhưng dạn dày hơn nhất là các nhà quản trị có tuổi. Cái gì cũng có cái giá của nó”, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN chia sẻ.
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn: bizlive.vn