– “Để đứng vững và phát triển giữa bối cảnh thiếu vắng sự ổn định, đồng thời dẫn dắt doanh nghiệp đạt được những thành tựu bền vững, các HĐQT cần phải linh hoạt, chủ động hơn và tập trung vào tương lai”, Chủ tịch HĐQT ICDM nhìn nhận.
Trong một thế giới ngày càng “phẳng”, hoạt động kinh doanh đối diện với nhiều thách thức, việc quản trị doanh nghiệp một cách khoa học, bài bản đã nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết của những người đứng đầu doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19, việc quản trị công ty, trong đó cốt lõi là quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng tốt, sẽ là vũ khí giúp các doanh nghiệp có thể chống chọi, phục hồi và phát triển hưng thịnh trong bình thường mới.
Ngày 30/9, Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) và Viện Thành viên HĐQT Malaysia (ICDM) đã thực hiện Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ khởi độngMạng lưới các Viện thành viên HĐQT khu vực ASEAN. VIOD và ICDM đồng thời cũng trở thành hai tổ chức tiên phongtrong việc khởi động chương trình này.
Chương tình hướng tới mục tiêu tăng cường sự trao đổi, chia sẻ, đào tạo nhằm gia tăng giá trị cho các thành viên, các nhà lãnh đạo, các nhà quản trị… nhằm thúc đẩy thực hành quản trị công ty theo thông lệ các nước trong khu vực. Đồng thời cùng đưa ra các sáng kiến quản trị công ty chung trong mạng lưới.
Đứng vững và phát triển giữa bối cảnh thiếu vắng sự ổn định
“Sự hợp tác giữa VIOD và ICDM cũng như việc thúc đẩy sáng kiến này trên toàn ASEAN sẽ là nền tảng để chúng ta thúc đẩy thống nhất việc thực thi các thông lệ quản trị công ty tốt tại ASEAN”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT VIOD, Chủ tịch Deloitte Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng trong lễ ký kết đặc biệt được tiến hành theo hình thức trực tuyến.
Chủ tịch VIOD kỳ vọng sự hợp tác này sẽ giúp Việt Nam cũng như Malaysia có thêm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thành viên HĐQT đầy tự tin với năng lực quản trị công ty tốt, giữ vững đạo đức kinh doanh và tính minh bạch. Qua đó, sẽ ngày càng có thêm nhiều công ty áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, bà Tan Sri Zarinah Anwar, Chủ tịch HĐQT ICDM một lần nữa nhấn mạnh những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 cũng đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là các HĐQT thay đổi và bứt phá.
Bà Tan Sri Zarinah Anwar nhận định, hơn bao giờ hết, vấn đề an sinh xã hội và tính bền vững cần giữ vai trò trung tâm trong kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.
“Để đứng vững và phát triển giữa bối cảnh thiếu vắng sự ổn định, đồng thời dẫn dắt doanh nghiệp đạt được những thành tựu bền vững, các HĐQT cần phải linh hoạt, chủ động hơn và tập trung vào tương lai. Điều này đòi hỏi HĐQT cần có năng lực cao hơn với tư duy mới mẻ và khả năng hình dung về một tương lai khác biệt”, Chủ tịch HĐQT ICDM nhìn nhận.
Theo bà Tan Sri Zarinah Anwar, giữa tính đa dạng của HĐQT và hiệu quả hoạt động của công ty tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT VIOD (trái) và bà Tan Sri Zarinah Anwar, Chủ tịch HĐQT ICDM tại Sự kiện: “Hợp lực phát triển mạng lưới Thành viên Hội đồng Quản trị”.
Chia sẻ về một nghiên cứu từ hơn 300 công ty đại chúng niêm yết ở Malaysia từ 2017 đến 2019, Chủ tịch HĐQT ICDM nêu kết quả là: “Một HĐQT được thành lập với các thành phần hợp lý sẽ có xuất phát điểm thuận lợi hơn để đạt được sự bền vững trong hoạt động tài chính. Trong đó, các thuộc tính đa dạng như kiến thức về văn hóa và quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của một số chỉ số tài chính nòng cốt”.
Cụ thể, các doanh nghiệp được điều hành bởi các lãnh đạo đến từ nhiều hơn ba nền tảng văn hóa khác nhau cho thấy mối tương quan chặt chẽ với sự gia tăng trong hệ số P/E (30%).
Đồng thời, những doanh nghiệp được dẫn dắt bởi HĐQT có tỷ lệ đa dạng giữa các thành viên HĐQT từng có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong nước, trong khu vực và toàn cầu có kết quả hoạt động cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành về ROE, tỷ số P/E và tăng trưởng doanh thu (lần lượt là 43%, 27% và 45%).
Cần xem trọng hơn yếu tố “quản trị rủi ro”
Cùng với lễ ký kết, sự kiện cũng ra mắt chương trình “Director’s Talk” số đầu tiên với hai diễn giả: Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dragon Capital và Ông Johan Raslan, Thành viên HĐQT của ICDM.
Đây là chuỗi tọa đàm đặc biệt dành cho mạng lưới các thành viên HĐQT Việt Nam với kỳ vọng đem đến một diễn đàn với tiếng nói của những người làm nghề thành viên HĐQT, cùng chia sẻ thảo luận và định hướng xây dựng hệ sinh thái giá trị hướng tới sự minh bạch, chính trực.
Với chủ đề “Tái tư duy quản trị và tính bền bỉ của HĐQT trong thời kỳ đại dịch”, hai diễn giả đã cùng trao đổi về sự thay đổi trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở bối cảnh mới.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dragon Capital và Ông Johan Raslan, Thành viên HĐQT của ICDM.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong bối cảnh COVID-19, ông Johan Raslan cho biết các doanh nghiệp Malaysia cũng đã gặp phải không ít khó khăn do phong tỏa, hoạt động của doanh nghiệp bị co hẹp. Một số doanh nghiệp, bộ phận có thể chuyển sang làm việc tại nhà, tuy nhiên không phải công ty nào cũng như vậy.
“Làm sao để duy trì kế hoạch kinh doanh liên tục nhưng vẫn phải duy trì kiểm soát được dịch bệnh là bài toán đặt ra với mỗi doanh nghiệp”, ông Johan Raslan nói.
Ông Johan Raslan cho biết, khi doanh nghiệp, người lao động đột ngột phải chuyển sang làm việc từ xa, nhiều yếu tố liên quan đến bảo mật, an toàn an ninh mạng đã xảy ra, tạo ra thách thức không nhỏ với các nhà quản trị.
Đồng quan điểm, ông Dominic nhìn nhận an toàn an ninh mạng và đối phó với tội phạm an ninh mạng hiện cũng được xem là một rủi ro lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần xác định, cân nhắc.
Theo ông Dominic, thách thức này khiến doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một “mô hình Hybrid” – hỗn hợp, tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động, kết hợp giữa làm việc trực tiếp và trực tuyến.
Ông Dominic Scriven.
Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ đây là một ví dụ, bài học mà doanh nghiệp cần rút ra trong quá trình “quản trị rủi ro”.
“Chúng ta cần tưởng tượng rằng điều gì xấu nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp và chúng ta sẽ phải lập kế hoạch để giải quyết, xử lý tình huống đó như thế nào? Tôi nghĩ rằng đây là một bài học mà COVID-19 đã dạy cho chúng ta”, ông Dominic nhận định.
Tiếp lời ông Dominic, vị chuyên gia tới từ Malaysia cho rằng đã đến lúc cần đánh giá, nhấn mạnh hơn giá trị của quản trị rủi ro. Nếu như trước đây, vị trí nhân sự quản trị rủi ro chỉ được xem trọng trong khối ngân hàng, bảo hiểm thì giờ đây đã đến lúc mọi tổ chức, doanh nghiệp đều cần bộ phận, khối quản trị rủi ro.
Để hạn chế và kiểm soát rủi ro, ông Dominic cho rằng mỗi doanh nghiệp cần tiến hành đồng thời cả hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm – kiểm toán. Trong khi bộ phận kiểm toán sẽ “soi” vào những con số, tức là nhìn về quá khứ thì ủy ban rủi ro lại nhìn về tương lai với tính chất dự báo. Bộ phận quản trị rủi ro có thể nhìn thấy những số liệu mà trên thực tế chưa có ở hiện tại để dự cảm về tương lai.
“Đây là hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau, là cách thức khác biệt để chúng ta nhìn nhận về vấn đề và nhìn nhận rủi ro cũng như là đưa ra các biện pháp ứng phó”, Chủ tịch Dragon Capital nêu góc nhìn.
Trước câu hỏi của người đứng đầu Dragon Capital về những yêu cầu, thách thức chính có thể dự đoán được với HĐQT trong bối cảnh hiện nay, ông Johan Raslan cho rằng có ba yếu tố, đó là: Tính chuyên nghiệp – Sự độc lập và Đa dạng. Ông Johan Raslan đánh giá những điều này tạo nên một HĐQT có tư duy phản biện, hoạt động cẩn trọng, chuyên nghiệp.
Đồng thời, theo quan điểm của ông Johan Raslan, yêu cầu của các thành viên HĐQT là phải luôn hoài nghi, luôn đặt câu hỏi. Vì thế hãy tăng tính đa dạng bằng cách đặt mục tiêu có trên 1/3 thành viên là phụ nữ, hướng tới mục tiêu 50/50, đồng thời có thêm nhiều thành viên HĐQT trẻ.
Đề cập đến tầm quan trọng của quá trình Chuyển đổi số, bên cạnh yêu cầu tăng tốc quá trình này, ông Johan Raslan cũng đề cao sự thận trọng và những yếu tố liên quan đến quản trị rủi ro.
“Bởi CNTT thay đổi rất nhanh chóng, doanh nghiệp cần tiếp cận và tìm cho mình cách áp dụng phù hợp, làm sao để khi áp dụng những kỹ năng, công nghệ đó vẫn đang “thời sự”, vị đại diện của ICDM nêu quan điểm.
Trước rất nhiều câu hỏi từ các khách mời tham gia tọa đàm, ông Johan Raslan chia sẻ không thể giải đáp toàn bộ những câu hỏi, thắc mắc nhận được bởi bản thân ông hay lãnh đạo của Viện ICDM cũng đang gặp những vấn đề tương tự, đang trong quá trình học hỏi và nỗ lực hết sức để giải quyết chúng.
Tổng kết buổi tọa đàm, ông Dominic Scriven và ông Johan Raslan đưa ra thống nhất ba điểm mấu chốt về tính chuyên nghiệp, sự độc lập và đa dạng của mỗi thành viên là những giá trị chắc chắn sẽ góp phần vào tính hiệu quả của HĐQT. Qua đó, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, hỗ trợ sự minh bạch và gia tăng giá trị của doanh nghiệp với thị trường.