Nan giải chuyện đường ngoại “lấn át” đường nội

Rate this post

Hiện lượng đường sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của thị trường nhưng đang bị tác động tiêu cực từ đường nhập lậu và nhập khẩu từ Thái Lan thông qua một số thị trường các nước Asean.

Thu hoạch mía ở tỉnh Hậu Giang – Ảnh minh hoạ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myamar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ các nước Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia đã gia tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Do vậy, Vinasugar đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đến Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương.
Ngày 25/8/2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Vinasugar và đại diện 6 công ty sản xuất đường mía trong nước.
ĐƯỜNG NHẬP LẬU DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Ngành đường Việt Nam đã kết thúc vụ ép mía 2020-2021 từ tháng 5/2021. Tổng lượng mía ép là 6.739.417 tấn, sản xuất được 689.830 tấn đường, thấp hơn so với sản lượng đường của vụ trước (763.931 tấn).
Đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (Vinasugar), nhu cầu đường của nước ta khoảng trên 2 triệu tấn, tuy nhiên sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/3 còn lại 2/3 là nhập khẩu bao gồm cả chính thức và không chính thức.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên tại các tỉnh biên giới Tây Nam đã kiểm soát lượng người và hàng hóa qua lại biên giới rất gắt gao, nhờ vậy đường nhập lậu đã giảm phần nào. Tuy nhiên, khối lượng và số vụ đường lậu tuồn vào Việt Nam bị các lực lượng chức năng địa phương phát hiện vẫn còn rất nhiều.

Cụ thể, Ban chỉ đạo 389 Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 5/8 lực lượng quản lý thị trường Thừa Thiên Huế đã phát hiện 2 tấn đường kính trắng đựng trong các bao tải, đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.
Tại Quảng Trị, ngày 22/7 Tổ tuần tra thuộc Đội Kiểm soát hải quan tỉnh đã phát hiện 2,5 tấn đường trắng không có chứng từ hợp pháp. Ngày 9/8, Cục Hải quan Quảng Trị tiếp tục phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ vận chuyển trái phép 3,5 tấn đường 50kg/bao do Thái Lan sản xuất vào Việt Nam.
Tại Tây Ninh, ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu Thúy Anh với hành vi “núp bóng” công ty xuất nhập khẩu, buôn lậu hơn 170 tấn đường cát, trị giá hơn 3 tỷ đồng do công ty này nhập từ Campuchia vào Việt Nam để phân phối.
Còn tại TP.HCM, lực lượng chức năng cũng phát hiện và thu giữ hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc với tổng trị giá lô hàng khoảng hơn 2 tỷ đồng…
VÙNG NGUYÊN LIỆU MỚI CÓ THỂ PHỤC HỒI SAU 3 NĂM
Ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, đường nhập lậu qua biên giới là vấn nạn của ngành mía đường Việt Nam đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi cho tình trạng này.
Mấy tháng gần đây nhờ các tỉnh biên giới Tây Nam tích cực phòng chống dịch COVID-19 việc lưu thông hàng hóa qua biên giới đã bị chặn lại trong đó có đường lậu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi không biết tình hình chống buôn lậu biên giới sẽ như thế nào và đây vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Ngành mía đường trong nước ngoài việc bị tác động từ đường nhập chính ngạch, thì chịu ảnh hưởng từ đường nhập lậu là rất lớn, vì đường lậu không tốn bất cứ khoản phí nào thậm chí bán không cần hóa đơn, và chi phí vận hành hệ thống đường lậu không bao nhiêu, vì vậy đường nhập lậu vẫn là thách thức.
Sau khi các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Bộ Công Thương được áp dụng giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên, giúp đường sản xuất trong nước có một mức giá tốt và là cơ hội để các doanh nghiệp mua mía của nông dân với mức giá tốt hơn giúp sản xuất mía được phục hồi.
“Do giá đường những năm trước quá thấp mà doanh nghiệp chỉ có thể mua mía cho nông dân với mức giá rẻ, nên bà con đã chuyển đổi sang cây trồng khác, hiện diện tích trồng mía ở ĐBSCL đã giảm khoảng 70%, kéo theo đó các nhà máy không có mía ép nên phần lớn đã đóng cửa.
Vụ mía vừa rồi nhà máy đường Long Mỹ đóng cửa, nhà máy Phụng Hiệp chỉ ép được 25% công suất so với những năm trước, nhà máy đường Sóc Trăng, nhà máy đường Trà Vinh cũng cùng cảnh ngộ. Sau khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp giá đường trong nước sẽ tốt lên, các doanh nghiệp có thể mua mía giá cao hơn, kích thích nông dân tái sản xuất”, ông Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Theo dự báo của các tổ chức đường thế giới, lượng đường cung cấp sẽ bị thâm hụt do ảnh hưởng những năm trước giá mía thấp nên nông dân các nước đã chuyển đổi (không riêng Việt Nam) dẫn đến lượng đường cung cấp toàn cầu giảm mạnh, từ đó giá đường thế giới sẽ tốt lên và Việt Nam sẽ được hưởng mức giá đường tăng.
Bên cạnh đó, với việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trong thời gian tới giá đường Việt Nam sẽ tốt lên, đây là cơ hội giúp người nông dân tái sản xuất cây mía và các nhà máy phục hồi dần vùng nguyên liệu.
Ít nhất phải mất 3 năm vùng nguyên liệu mới có thể phục hồi nhưng còn tùy thuộc lớn vào tình hình chống buôn lậu của Việt Nam, và các giải pháp giảm giá thành của các công ty đường. Nếu doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, đầu tư cũng như phục hồi nhanh vùng nguyên liệu, giảm được chi phí sản xuất thì đây là thị trường rất lớn để doanh nghiệp phát triển.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version