Mục tiêu doanh thu tăng trưởng 22% năm 2021 của Dệt may Thành Công (TCM) liệu có khả thi?

Rate this post

Theo đánh giá của VNDirect, TCM là nhà sản xuất dệt may nội địa duy nhất sở hữu đầy đủ chuỗi cung ứng sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối có đầy đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ của CPTPP và EVFTA.

Ảnh minh họa.

MỤC TIÊU DOANH THU KỶ LỤC

CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần 4.218 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 290 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và 5% so với thực hiện năm trước.

Trong tháng đầu năm, TCM ghi nhận 15,5 triệu USD (356 tỷ đồng) doanh thu và hơn 1,07 triệu USD (25 tỷ đồng) lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 80% và 162% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng cao chủ yếu so với cùng kỳ do tháng 1/2020 trùng với dịp nghỉ Tết âm lịch.

Năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của TCM vẫn tương đối khả quan với doanh thu giảm nhẹ 4% xuống 3.470 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 27% lên 276 tỷ đồng. Doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt 46% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, châu Á, đơn hàng truyền thống (quần áo thời trang) bị giảm trong quý II và III, TCM đã chuyển hướng may khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế xuất khẩu đi Mỹ. Sang đến quý IV, đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế không nhiều nhưng đơn hàng truyền thống phục hồi cùng giải pháp tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận tăng trưởng.

Theo đánh giá của CTCK VNDirect, năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn nhờ chất liệu vải kháng khuẩn được sử dụng để làm khẩu trang có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc mà không gặp khó khăn. CTCK này cho rằng sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm có thể được xuất khẩu và Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất khẩu trang mới của thế giới.

TIỀM NĂNG ĐÃ PHẢN ÁNH VÀO GIÁ

Do đặc thù của ngành, sự phục hồi của ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và tốc độ phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

VNDirect kỳ vọng ngành dệt may sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý 4/2021 nhờ nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau đại dịch ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

VNDriect ước tính giá trị xuất khẩu dệt may sẽ tăng 6,2% so với cùng kỳ lên 6,8 tỷ USD trong quý 1/2021 và kỳ vọng sẽ tăng 8,4% so với cùng kỳ lên 6,4 tỷ USD trong quý 2/2021. Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo giá trị xuất khẩu dệt may năm 2021 đạt 38 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ và sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, đạt 42 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, khâu sản xuất vải vẫn là một nút thắt đối với ngành dệt may Việt Nam khi phải tuân theo các yêu cầu của FTA về xuất xứ sản phẩm.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu áp dụng nguyên tắc ba giai đoạn gồm tạo sợi, kéo sợi, dệt, và may được thực hiện tại các nước thành viên thuộc CPTPP.

Trong khi đó, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đặt ra một yêu cầu kỹ thuật với tên gọi “Từ vải trở đi” khi cấm sử dụng các loại vải có xuất xứ từ một số địa điểm nhất định ở Trung Quốc. Do Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn vải từ Trung Quốc, vốn chiếm 58% tổng giá trị nhập khẩu vải của Việt Nam nên sẽ gây ra những khó khăn nhất định.

Quy tắc xuất xứ của FTA và FTA giữa Việt Nam và các quốc gia khác

Theo đánh giá của VNDirect, TCM là nhà sản xuất dệt may nội địa duy nhất sở hữu đầy đủ chuỗi cung ứng sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối có đầy đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ của CPTPP và EVFTA. CTCK này dự báo tỷ trọng xuất khẩu tới EU trong tổng giá trị xuất khẩu của TCM sẽ tăng lên 15% trong năm 2021 từ 5% trong năm 2020.

Theo thông tin từ TCM, công ty cũng đã thành công trong việc lấy được đơn hàng từ Adidas, một trong những thương hiệu thời trang thể thao lớn nhất thế giới và sẽ sản xuất quần áo thể thao dưới hình thức đơn hàng FOB. VNDirect kỳ vọng các đơn đặt hàng của Adidas sẽ lên tới 12 triệu chiếc/năm (xấp xỉ 40% công suất của nhà máy Vĩnh Long) và đóng góp 30% vào doanh thu mảng may mặc trong 2021.

VNDirect nâng dự phóng doanh thu 2021 của TCM thêm 5,1% tương đương đạt 3.844 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Đồng thời CTCK này cũng nâng giả định biên lợi nhuận gộp thêm 0,5% và thu nhập tài chính 20,3%, tương ứng lợi nhuận ròng của TCM ước tính tăng 24,3% đạt 343 tỷ đồng trong 2021.

Với mức chênh lệch lớn so với dự phóng của VNDirect, mục tiêu doanh thu tăng trưởng tới 22% năm 2021 của TCM liệu có khả thi trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường tại các thị trường xuất khẩu chính?

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version