Làn sóng dịch vừa qua là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, điều mà giới doanh nhân đang hướng là “bình thường mới” khi đại dịch được kiểm soát.
lần đầu tiên doanh nghiệp rút lui cao hơn gia nhập
Khó khăn do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, từ những doanh nghiệp có quy mô lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, xét về các động lực tăng trưởng, tiêu dùng sụt giảm mạnh, tăng trưởng xuất khẩu yếu và giải ngân đầu tư công thấp.
Xét về tăng trưởng của các ngành, hầu hết các ngành đều ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, ngoại trừ ngành y tế, tài chính và nông nghiệp. Trong đó ngành sụt giảm mạnh nhất có thể kể đến như Dịch vụ lưu trú và ăn uống (-54,8%), Vận tải, kho bãi (-21,1%), Xây dựng (-11,4%), Hoạt động kinh doanh bất động sản (-9,7%)….
Số liệu được công bố bởi Tổng cục Thống kê 9 tháng đầu năm 2021 cũng ghi nhận lần đầu tiên có hiện tượng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Cụ thể, sau 9 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bối cảnh này đặt ra những thử thách chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp, doanh nhân, khi vừa phải đảm bảo tăng trưởng, duy trì hoạt động ở mức cho phép, đảm bảo các đơn hàng của đối tác, vừa đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập, sức khoẻ người lao động.
nhiều cuộc gặp gỡ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành
Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ đại diện doanh nhân Việt Nam để ghi nhận những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và đưa ra thông điệp khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với đội ngũ doanh nhân.
Ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp đã nhấn mạnh, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là lực lượng xung kích và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến 20/10 tới đây sẽ khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét quyết định một số dự án luật quan trọng, trong đó có nhiều dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, cần có tiếng nói của doanh nhân, doanh nghiệp…
“Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi làm việc.
Ngày 12/10, tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc gặp mặt Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Tại đây, sau khi nghe những chia sẻ của doanh nghiệp, Chủ tịch nước đã biểu dương tinh thần doanh nghiệp thời gian qua có nhiều giải pháp, chủ trương sáng tạo để hỗ trợ an sinh, an dân trong đại dịch.
Chủ tịch nước cũng đề nghị, trong khó khăn doanh nghiệp cần thấm nhuần tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cùng với đó là đoàn kết, giúp đỡ nhau. Chủ tịch nước cho biết, cần chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh, an dân để phát triển TP.HCM bền vững, không đứt gãy chuỗi lao động và các chuỗi cung ứng khác.
Cũng trong ngày 12/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
“Chúng tôi cũng rất cảm ơn sự động viên, tin tưởng của doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp; doanh nghiệp là chủ thể thì doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình.
“Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia sẻ những việc đã và đang làm, có nhiều việc làm tốt, có không ít việc chưa làm được, quan trọng nhất là chúng ta phát hiện kịp thời để tháo gỡ, giải quyết. Đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa. Tôi tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển”, Thủ tướng phát biểu.
Trước đó, liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9/2021, Thủ tướng đã tổ chức 2 hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua trong điều kiện còn khó khăn, thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116… để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
những kỳ vọng, kiến nghị hậu đại dịch
Tại cuộc gặp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết, đồng thời đánh giá cao những chỉ đạo, quyết liệt sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất, với chiến lược cách ly hẹp nhất nhưng chặt nhất như tại Phủ Lý, Hà Nam, hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
“Chúng tôi mong tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật. Chúng tôi cũng rất mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nói riêng, doanh nghiệp nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển.
Một lần nữa, chúng tôi tiếp tục bày tỏ sự đồng lòng đến các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng, chúng ta quyết tâm vượt qua, khắc phục những khó khăn trong đại dịch để có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới”, bà Dung nói.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà kiến nghị Chính phủ thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: Tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Sơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay…
Tại cuộc gặp mặt Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM cho biết, doanh nghiệp còn “ngồi ghế dự bị khá nhiều”, thậm chí là ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Nếu không tận dụng nguồn lực này trong quá trình xây dựng quyết sách sẽ là lãng phí lớn.
Ông Trường cho rằng chính sách chống dịch và phục hồi phải nhất quán cấp quốc gia vì không gian phát triển của doanh nghiệp luôn hướng tới cấp quốc gia và toàn cầu.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ vốn hiện như “oxy cho doanh nghiệp”. Ông Đặng Hồng Anh gợi ý sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong 5 năm mà Quốc hội đã phê duyệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, dự án 1-2 năm nữa mới triển khai thì có thể sử dụng trước khoản này. Bên cạnh đó, chính quyền có thể lấy một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp.
CẨM THẠCH
Nguồn: bizlive.vn