Miễn nhiễm với COVID, hàng loạt doanh nghiệp chia cổ tức “khủng” năm 2020

Rate this post

VCF, NTC, RAL tiếp tục duy trì truyền thống chia cổ tức cao trong khi SCI, DP3, DHG, GDT, CMF thậm chí còn nâng mức cổ tức cao hơn kế hoạch ban đầu do lợi nhuận tăng trưởng tích cực.

Ảnh minh họa.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong năm 2020, tuy nhiên vẫn có không ít cái tên ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc và chia cổ tức cao cho cổ đông.

Ấn tượng nhất có thể kể đến mức cổ tức lên đến 250% của cái tên quen thuộc CTCP VinaCafé Biên Hòa(mã VCF). Tổng giá trị cổ tức chia cho cổ đông là hơn 664 tỷ đồng tuy nhiên gần như toàn bộ số tiền này sẽ đổ vào túi của công ty mẹ Masan Beverage nhờ tỷ lệ chi phối đến 98,49%.

VCF được biết đến là doanh nghiệp thường xuyên gây bất ngờ mỗi lần quyết định chia cổ tức cho cổ đông. Năm 2018 công ty chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 240%, tuy nhiên năm 2019 lại quyết định không chia cổ tức. Trước đó, công ty từng gây sốc khi chia cổ tức lên đến 660% năm 2017.

Trong khi đó, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 80% (01 cổ phiếu được nhận 8.000 đồng), tương ứng với tổng giá trị gần 192 tỷ đồng.

NTC vốn là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm. Năm 2019 trước đó, NTC chia cổ tức tỷ lệ 100% bằng tiền mặt. Con số này năm 2018 lên đến 200%; năm 2017 tỷ lệ cổ tức là 60% đều bằng tiền mặt.

Một doanh nghiệp cũng có thói quen chia cổ tức đều đặn bằng tiền hàng năm cho cổ đông với tỷ lệ cao là CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL).

Mới đây, RAL đã chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2020 với tỷ lệ 25% (01 cổ phiếu nhận 5.000 đồng) tương ứng số tiền thanh toán 28,75 tỷ đồng. Trước đó vào cuối tháng 9/2020, RAL đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền với cùng tỷ lệ 25%. Như vậy, tổng mức cổ tức năm 2020 tiếp tục được duy trì ổn định với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt.

Ngoài truyền thống chi trả cổ tức cao, các cổ phiếu trên còn có điểm chung là thị giá đều ở mức cao “ngất ngưởng”. Trong khi NTC dẫn đầu về thị giá trên sàn UpCOM với 209.500 đồng/cổ phiếu thì VCF và RAL là 2 cổ phiếu “đắt đỏ” nhất trên HoSE với thị giá lần lượt 247.900 đồng/cổ phiếu và 228.800 đồng/cổ phiếu.

Năm 2020, cả NTC và RAL đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Cụ thể, doanh thu của NTC đạt 263,5 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 35% và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 23% lên mức 290,9 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) tương ứng 11.697 đồng.

Trong khi đó, RAL kết thúc năm 2020 với 4.922 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 336 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm trước và là mức cao nhất mà công ty từng ghi nhận kể từ khi hoạt động. Kết quả này giúp đẩy EPS lên mức 29.224 đồng, cao nhất sàn chứng khoán.

Tăng trưởng khiêm tốn hơn đôi chút nhưng EPS của VCF cũng không hề kém cạnh so với 27.224 đồng. Năm 2020, công ty đạt 2.901 tỷ đồng doanh thu và 721 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 6,3% và tăng 6,4% so với năm trước.

NHIỀU CÁI TÊN NỚI THÊM CỔ TỨC

Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp đã quyết định nâng mức cổ tức chia cho cổ đông cao hơn so với kế hoạch ban đầu do kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Nổi bật trong số đó có thể kể đến CTCP SCI E&C (mã SCI) khi doanh nghiệp này quyết định nâng mức cổ tức năm 2020 từ 10% lên 70% bằng tiền mặt. Tổng số tiền cổ tức dự chi cho năm 2020 lên đến gần 178 tỷ đồng.

Năm 2020, sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đã giúp các đơn vị xây lắp điện như SCI E&C có nhiều việc làm. Nhờ đó, doanh thu thuần của SCI E&C tăng 25% lên 1.545 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng gấp 4,4 lần năm trước, đạt 185 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã dành gần như toàn bộ lợi nhuận năm 2020 để chia cổ tức cho cổ đông.

Một doanh nghiệp khác cũng đề xuất chia cổ tức cao hơn kế hoạch do lợi nhuận năm vừa qua tăng mạnh là CTCP dược phẩm Trung ương 3 (mã DP3). Doanh nghiệp này dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2020 với tỷ lệ 80% (01 cổ phiếu được nhận 8.000 đồng), gấp đôi so với kế hoạch trước đó.

Năm ngoái, DP3 ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ còn gần 400 tỷ đồng tuy nhiên lợi nhuận lại tăng 38% lên 114 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Tương tự, CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) cũng đề xuất tăng cổ tức năm 2020 lên 40% thay vì kế hoạch chỉ chia 30%. Số tiền doanh nghiệp này dự kiến chi ra để chia cổ tức lên đến 523 tỷ đồng.

Năm 2020, DHG ghi nhận doanh thu thuần 3.756 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ tuy nhiên giá vốn giảm sâu giúp lợi nhuận sau thuế tăng 17% so với năm trước lên mức 738 tỷ đồng.

Mới đây, CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã GDT) cũng đã đề xuất trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tăng tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 từ 40% theo Nghị quyết cũ lên 50% trong đó 40% tiền mặt (tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 4.000 đồng) và 10% là cổ phiếu.

Năm 2020, GDT đạt hơn 400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 7,7% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp GDT cũng duy trì trên 30% và biên lãi ròng duy trì trên 20%.

Một cái tên khác là CTCP Thực phẩm Cholimex (mã CMF) cũng đã chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 50%, thay vì tỷ lệ dự kiến chỉ 15% như kế hoạch đưa ra từ đầu năm 2020.

Năm vừa qua, lợi nhuận sau thuế của CMF đã tăng khoảng 7% so với cùng kỳ, lên 179 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức khá cao 21.000 đồng. Cổ phiếu CMF trên thị trường cũng nằm trong nhóm có thị giá cao với 132.600 đồng/cổ phiếu tuy nhiên gần như không có thanh khoản.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version